Sửa Luật Sở hữu trí tuệ: Phải tận dụng được “điểm mờ”
Khoảng trống sở hữu trí tuệ trong nông sản Việt | |
Thực thi quyền SHTT trong hội nhập |
Để thực thi hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) là 1 trong tổng số 8 luật cần phải sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, Bộ Công thương vừa trình Chính phủ hồ sơ xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật này để thực thi CPTPP theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Thực thi quyền SHTT là một trong những vấn đề khó của CPTPP |
Thiếu hụt cả quy định và nguồn lực
Tờ trình của Bộ Công thương nêu rõ, một số nghĩa vụ về SHTT trong CPTPP phải thực hiện ngay từ khi hiệp định có hiệu lực và một số nghĩa vụ có thời gian chuyển tiếp từ 3 - 5 năm. Theo đó, có 2 nội dung liên quan tới nhãn hiệu, 1 nghĩa vụ liên quan đến tên miền, 3 nghĩa vụ liên quan đến chỉ dẫn địa lý, 1 nghĩa vụ liên quan đến sáng chế và 5 nghĩa vụ liên quan đến bảo vệ quyền SHTT.
Đánh giá chung về Luật SHTT, các chuyên gia cho rằng đa phần nội dung đã tương thích với cam kết trong CPTPP. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập khi triển khai thực hiện. Cụ thể, ở một số nội dung Luật SHTT đã có quy định song chưa cụ thể. Chẳng hạn như quy định cơ quan tư pháp khi xác định khoản bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền SHTT phải xem xét bất kỳ cách tính giá trị hợp pháp nào do chủ thể quyền đưa ra, trong đó có thể bao gồm lợi nhuận bị mất, giá trị của hàng hoá hoặc dịch vụ bị xâm phạm tính theo giá thị trường, hoặc theo giá bán lẻ được đề xuất.
Luật SHTT cũng chưa có quy định như yêu cầu của CPTPP. Chẳng hạn, nghĩa vụ quy định Toà án có thẩm quyền yêu cầu một bên bồi thường thiệt hại đối với các thiệt hại thực tế, trong đó có thể bao gồm cả phí luật sư hợp lý, do việc lạm dụng thủ tục thực thi quyền SHTT của bên đó gây ra.
Nguồn lực, điều kiện bảo đảm thi hành luật còn bất cập. Đối với các cơ quan thực thi hành chính, nghĩa vụ bảo đảm thủ tục giải quyết tranh chấp đòi hỏi cán bộ các cơ quan thực thi phải có trình độ chuyên môn sâu về SHTT. Song trình độ chuyên môn về SHTT của các cơ quan thực thi còn nhiều hạn chế, việc ban hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính về SHTT còn phụ thuộc vào ý kiến chuyên môn của Cục SHTT hoặc kết quả giám định của Viện Khoa học SHTT.
Đó là chưa kể việc sửa đổi các quy định về giải quyết tranh chấp dân sự liên quan đến quyền SHTT có khả năng làm phức tạp thêm các tranh chấp dân sự liên quan đến quyền SHTT tại toà án, đồng thời gia tăng số lượng các tranh chấp dân sự về quyền SHTT. Trong khi đó, hiện nay lại chưa có thẩm phán chuyên trách về SHTT tại các cấp toà án.
Không quên lợi ích số đông
Góp ý về bản dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, cam kết về SHTT là một trong những nhóm cam kết lớn và phức tạp nhất của CPTPP. Về mặt nội dung, các cam kết về SHTT thuộc nhóm thể hiện rõ ràng nhất tính chất tiêu chuẩn cao của CPTPP, với các nghĩa vụ ràng buộc các nước thành viên cao hơn đáng kể so với mức của WTO. Và mặc dù CPTPP đã tạm hoãn nhiều cam kết được đánh giá là khó khăn nhất trong TPP trước đây, việc triển khai thực hiện các cam kết khác trong CPTPP cũng là một thách thức lớn với nhiều nước trong CPTPP, trong đó có Việt Nam.
VCCI lưu ý, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là đối tượng bị ảnh hưởng bất lợi là số đông, trong đó có các cộng đồng nhạy cảm. Bởi việc gia tăng cơ hội, mức độ và cách thức bảo hộ chủ thể quyền SHTT sẽ làm giảm cơ hội và tăng chi phí của các chủ thể sử dụng các tài sản SHTT trong mối quan hệ với chủ thể quyền SHTT. Trong khi đó, ở Việt Nam, phần lớn DN, cơ quan tổ chức, người dân… đều là các chủ thể sử dụng các tài sản SHTT (trong đó có những nhóm nhạy cảm như người bệnh, nông dân…); các chủ thể quyền chiếm số lượng rất nhỏ, trong đó đa phần là các chủ thể nước ngoài.
Từ đó, cơ quan này khuyến nghị, việc chuyển hóa các cam kết CPTPP vào hệ thống pháp luật SHTT chung của Việt Nam cần được thực hiện thận trọng, theo hướng tận dụng tối đa các điểm mờ trong lời văn các cam kết để có giải thích theo hướng có lợi nhất cho đa số. Đối với các cam kết phức tạp, cần xác định các phương án khả thi, qua đó xem xét lựa chọn phương án phù hợp nhất với bối cảnh Việt Nam, cho phép hài hòa lợi ích giữa các chủ thể quyền và chủ thể sử dụng tài sản SHTT đồng thời thúc đẩy sáng tạo ở Việt Nam. Đối với các cam kết rõ ràng, cần tuân thủ phù hợp để tránh các phản ứng từ các đối tác.
Rà soát của VCCI cho thấy dự thảo Luật SHTT còn nhiều điểm chưa đáp ứng được các yêu cầu này. Chẳng hạn, một số quy định có nội dung quá cụ thể, dường như vượt cả mức cam kết yêu cầu. Bởi các cam kết trong CPTPP có nội dung khá chung, với lời văn chứa nhiều không gian lựa chọn khi chuyển hóa vào pháp luật nội địa. Trong khi đó một số quy định trong dự thảo lại không tận dụng được các không gian này, thậm chí còn quy định cứng ở mức cao hơn mức CPTPP yêu cầu, có thể gây thiệt hại cho các nhóm người sử dụng sản phẩm ở Việt Nam.
Theo các chuyên gia về SHTT, mặc dù pháp luật trong nước đã khá minh bạch và tương thích, song vẫn có nhiều nghĩa vụ liên quan đến thực thi quyền SHTT là gánh nặng đòi hỏi cải tiến không ngừng hệ thống chính sách cũng như hệ thống công nghệ thông tin của Việt Nam. Ví dụ, đối với nhãn hiệu, CPTPP quy định phải bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và nỗ lực bảo hộ nhãn hiệu mùi, trong khi pháp luật của Việt Nam hiện tại chỉ bảo hộ dấu hiệu nhìn thấy được.
Đáng chú ý, CPTPP cũng yêu cầu siết chặt thực thi quyền SHTT thông qua các chế tài xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính, hình sự. Ví dụ, đối với kiểm soát biên giới, yêu cầu cơ chế chủ động kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu và quá cảnh đối với hàng giả mạo nhãn hiệu và hàng sao lậu quyền tác giả và quyền liên quan mà không cần phải có yêu cầu của chủ SHTT như quy định hiện nay. Xa hơn, hiệp định này còn quy định nghĩa vụ phải xử lý hình sự mà không cần chủ thể quyền hoặc bên thứ ba đưa ra yêu cầu như pháp luật hiện hành.
Vì vậy, cùng với việc sửa đổi Luật SHTT, thời gian tới Việt Nam cũng cần sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, các luật liên quan tới hải quan, dược… để tương thích với quy định của CPTPP.