Tìm vốn ở cánh cửa mới
NHNN đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận vốn hiệu quả | |
Cơ hội tiếp cận vốn SMEs cùng SHB | |
Mở rộng cơ hội tiếp cận vốn |
Tính đến ngày 30/6/2016, tín dụng nền kinh tế tăng 8,16% so với cuối năm 2015, trong đó, ngành NH đã cho các DN SME vay đạt 1.029,792 tỷ đồng, tăng 2,62%. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, việc NH duy trì được tăng trưởng cho vay lĩnh vực SME là điều đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng con số tăng trưởng này chưa thực sự đạt được như kỳ vọng vì số lượng DN này cần vốn gấp rất nhiều lần con số tăng trưởng mà NH đạt được. Trước thực trạng đó, nhiều chuyên gia khuyên DN SME trong 6 tháng cuối năm nên chủ động tìm thêm kênh vốn mới, thay vì chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn vay NH.
DN SME nên đa dạng kênh tìm vốn |
Theo số liệu của NHNN, chỉ có chưa đến 36% DN SME trong số các DN đang hoạt động có tiếp cận vốn NH. Những DN SME khó tiếp cận được vốn vay bởi không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chí cho vay của NH, do thiếu tài sản thế chấp, tình hình tài chính không minh bạch,...
Điều đó lý giải vì sao, 6 tháng đầu năm, dù rất nỗ lực rót vốn cho lĩnh vực DN SME nhưng dư nợ dành cho khối DN này còn khá khiêm tốn, tăng trưởng chưa đạt được như kỳ vọng. Nhìn chung, dư nợ của nhóm này chỉ xoay quanh khoảng 20% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Khi nguồn vốn bị hạn chế, cộng thêm chi phí sản xuất ngày càng tăng cao khiến cho việc sản xuất, kinh doanh của DN khó khăn. Nhiều DN SME chỉ còn hoạt động cầm chừng và đứng trước bờ vực phá sản. Trong khi đó, các NH dù muốn hỗ trợ và đồng hành cùng DN SME nhưng NH không thể cho vay dưới chuẩn, vì NH cũng là DN, phải đảm bảo đồng vốn kinh doanh có hiệu quả.
Ðiều đó cũng có nghĩa, chỉ với DNVVN đáp ứng được các điều kiện tín dụng của NH mới có thể vay được vốn lãi suất ưu đãi, chứ không phải DN nào cũng được sử dụng vốn rẻ. Với vòng luẩn quẩn này, các DN SME tới đây sẽ tiếp tục khó khăn hơn khi muốn vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh và không thể kỳ vọng tiếp cận được vốn giá rẻ để giảm chi phí trong hoạt động.
Thừa nhận việc đẩy vốn cho khối DN SME còn nhiều trở ngại, có lần, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB chia sẻ rằng, mỗi khi làm việc với DN SME, NH cũng rất tiếc vì có những đơn vị có dự án rất tốt, nhưng điều kiện vay không đủ nên không thể cho vay. Do đó, theo ông Tùng, cần lập một Trung tâm hỗ trợ cho vay DN SME. Từ đó, tập hợp dữ liệu, tạo cơ sở để NH mạnh dạn cho vay.
Liên quan đến câu chuyện vốn, một chuyên gia tài chính cho rằng đã đến lúc DN SME mở rộng kênh tìm vốn. Theo đó, ngoài NH, các DN này mạnh dạn tìm đến các quỹ hỗ trợ cho DN SME để vay vốn như Quỹ khoa học công nghệ, các Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ bảo lãnh tín dụng SME của các tỉnh.
“Thực tế, các quỹ bảo lãnh tín dụng của Việt Nam còn quá mỏng. Và đối với các DN SME để tiếp cận với Quỹ bảo lãnh tín dụng là điều hết sức khó khăn, kết quả đạt được rất hạn chế. Bởi quỹ này sợ mất vốn, nên khâu xét duyệt còn chặt hơn cả hồ sơ tín dụng gửi cho NH, do đó các DN thà đi gõ cửa NH còn hơn tìm đến quỹ”, vị chuyên gia trên nhìn nhận. Tuy nhiên, theo ông, sau những lần sửa đổi, đến nay việc qui trình, thủ tục bảo lãnh tín dụng đã ở mức có thể chấp nhận được.
Theo đó, các DN nhỏ cũng cần cố gắng để trở thành mắt xích của chuỗi cung ứng cho các DN lớn, điều này sẽ giúp cho các DN không những đảm bảo ổn định thị trường đầu ra mà còn nâng cao tín nhiệm bản thân của DN, do đó sẽ được các NH đánh giá cao và dễ tiếp cận nguồn vốn vay hơn. Các DN cũng có thể sử dụng giải pháp cho thuê tài chính vốn là công cụ tài trợ vốn trung và dài hạn hiệu quả cho DN mà không cần tài sản thế chấp, đồng thời cũng giúp tránh được rủi ro về mặt kỹ thuật, đổi mới được công nghệ.
Nhóm SME cũng có thể tìm cách tiếp cận nguồn vốn ngoại tệ từ các NH nước ngoài, với lãi suất thấp hơn và thời gian cho vay dài hơn, trong khi các thủ tục cơ chế cũng dễ dàng hơn.
Hiện tại, chính phủ cũng đã xây dựng các cơ chế, điều kiện để hỗ trợ các DN vay vốn ngoại tệ nước noài, như Nghị định số 219/2013/ NĐ-CP về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của DN không được Chính phủ bảo lãnh. NHNN trong năm 2014 cũng ban hành Thông tư số 12/2014/TT-NHNN quy định về điều kiện vay nước ngoài của DN không được chính phủ bảo lãnh và Thông tư 25/2014/TT-NHNN hướng dẫn thủ tục đăng ký thay đổi khoản vay nươc ngoài của DN không được Chính phủ bảo lãnh.
Ngoài ra, Chính phủ cũng có thể đứng ra vay và đem về cho các SME vay lại, đứng ra bảo lãnh cho các DN SME vay vốn từ nước ngoài và tìm kiếm thêm những nguồn vốn, dự án hỗ trợ cho các SME như nguồn vốn JBIC. Thực tế, thời gian qua dù chưa tiếp cận được vốn vay từ các NH nước ngoài, nhưng nhiều DN cũng đã linh hoạt vay vốn với nhiều hình thức, như vay đối tác theo dạng mua máy móc, hàng hóa trả chậm, nhận đầu tư góp vốn từ đối tác,…
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, nợ xấu và năng lực cạnh tranh DN SME yếu kém, thiếu minh bạch nên NH cũng khó giải ngân. Vì thế, tín dụng cho các DN SME tăng trưởng rất chậm qua từng năm.
Trong khi đó, ở các nước trên thế giới, NH thường có tổ chức xếp hạng tín nhiệm riêng đối với DN SME để tăng cung ứng vốn bằng cách cho vay tín chấp, tín chấp bằng dòng tiền, cho vay theo tài sản thế chấp… ở mức độ có thể chấp nhận được trên cơ sở đánh giá tín nhiệm.
Để NH Việt Nam có thể làm được điều đó thì phía các DN SME cũng phải nỗ lực rất nhiều để có thể khắc phục những khó khăn. Khi giải quyết được những yếu kém hiện hữu, DN SME tìm đến các nguồn vốn từ quỹ tín dụng, Quỹ bảo lãnh... nhờ hỗ trợ. Cuối cùng, khi đã khẳng định được khả năng phát triển của DN, NH sẽ là nơi rót vốn cuối cùng để DN phát triển bền vững…