NHNN đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận vốn hiệu quả
Tham dự và chủ trì Hội thảo có TS. Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, nguyên Thống đốc NHNN. Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ủy ban Kinh tế Quốc hội; Ban Nội chính Trung ương; Ban tuyên giáo Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô; trên cơ sở xác định DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên tập trung tín dụng của ngành Ngân hàng, NHNN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và tháo gỡ khó khăn cho DN nói chung, DNNVV nói riêng.
Trong đó, NHNN đã xây dựng và triển khai các giải pháp tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng một cách hiệu quả như chỉ đạo các TCTD thực hiện miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, cho vay thí điểm theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp…
“Đặc biệt, NHNN đã tích cực phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trên phạm vi cả nước. Với sự hỗ trợ vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và các TCTD, đến nay chương trình đã được triển khai trên tất cả 63 tỉnh, thành phố, với hơn 405 hội nghị đối thoại, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng là DN, cá nhân với tổng số tiền các ngân hàng cam kết hỗ trợ cho các DN theo chương trình lên đến 500.000 tỷ đồng.” – Phó Thống đốc thông tin tại Hội thảo.
Tại Hội thảo nhiều ý kiến phát biểu cũng tập trung vào nội dung làm thế nào để đánh giá đúng, tín nhiệm tín dụng của DNNNV. Và một trong kênh thông tin qua n trọng được coi là “ngân hàng thông tin” của các ngân hàng là Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC).
Theo ông Nguyễn Hữu Đương – Phó tổng giám đốc CIC, hiện nay, CIC đã cung cấp thông tin về quan hệ tín dụng, thông tin về tài sản bảo đảm tiền vay, thông tin chủ thẻ tín dụng… Các kết quả đánh giá của CIC được cung cấp cho các tổ chức trong và ngoài nước để sử dụng trong các mục đích hợp pháp và với các điều kiện cung cấp tương đương nhau.
CIC đứng ở trung gian giữa ngân hàng và DN với quy trình, phương pháp chặt chẽ, có hệ thống căn cứ vào các số liệu quá khứ. Các kết quả đánh giá liên tục được kiểm soát và điều chỉnh kịp thời theo những thay đổi về tình hình tài chính.
Các đại biểu cũng chia sẻ, phân tích, đánh giá đa chiều về thực trạng, nguyên nhân việc tiếp cận vốn của DNNVV hiện nay. Từ đó, có những đóng góp thiết thực, đưa ra các giải pháp và chia sẻ kinh nghiệm thực tế để tăng khả năng tiếp cận thông tin, xây dựng uy tín, danh tiếng cho DN.