Tín dụng ngân hàng: Đồng hành và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL
Tín dụng ngân hàng về nông thôn mới | |
Chính sách tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế Tây Nguyên | |
Tín dụng ngân hàng với phát triển du lịch xanh ĐBSCL |
2016 là năm thứ 8 Hội nghị xúc tiến đầu tư tại đồng bằng sông Cửu Long (MDEC) được tổ chức nhằm kêu gọi các nguồn lực đầu tư vào khu vực trọng điểm của nền kinh tế.
Cũng từ các kỳ hội nghị này, một lượng vốn lớn của hệ thống ngân hàng đã “chảy” vào vựa lúa lớn nhất của cả nước, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của khu vực. Hội nghị lần này, ngành Ngân hàng sẽ có những chính sách đầu tư thế nào đối với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Phó Thống đốc Đào Minh Tú |
Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc phỏng vấn Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú để biết rõ hơn những dự định chính sách của Ngành cho khu vực này.
Xin Phó Thống đốc cho biết đôi nét về hiệu quả vốn đầu tư của ngành Ngân hàng cho khu vực ĐBSCL thời gian qua?
Có thể nói trong mấy năm vừa qua, đặc biệt hai năm gần đây, cùng với việc huy động các nguồn lực bằng tiền để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, NHNN đã có rất nhiều cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể, thiết thực, đặc thù đối với các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, được xem là thế mạnh của vùng như sản xuất hàng hoá lớn, chuỗi liên kết, xuất khẩu…
Đồng thời ngành Ngân hàng đã có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho một số lĩnh vực như nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thuỷ hải sản, hỗ trợ thu mua lương thực… cho nhiều loại hình DN đảm bảo ổn định và phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.
Trong 7 kỳ MDEC, nhất là 4 kỳ gần đây, NHNN tham gia một cách tích cực với tinh thần trách nhiệm chính trị cũng như trách nhiệm cộng đồng xã hội rất cao về hoạt động tiền tệ, tín dụng ngân hàng, các lĩnh vực đầu tư cũng như các hoạt động khác trong khuôn khổ Diễn đàn MDEC.
Có thể nói, qua những lần tham gia, tôi thấy MDEC là một diễn đàn khá tích cực để các NĐT tìm hiểu, DN nghiên cứu mở rộng thị trường. Và khi các NĐT, các DN tham gia dự án muốn tìm hiểu, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh khu vực này thì đều có các NHTM đồng hành với những cam kết tài trợ vốn.
Điều đó có nghĩa rằng, ngân hàng đã chủ động tìm kiếm các DN, dự án hiệu quả, khả thi để cam kết đầu tư tín dụng. DN cũng không lo thiếu vốn khi họ có dự án tốt.
Thông qua các chương trình hội thảo, đối thoại với DN, ngân hàng có thể thấy được nhu cầu bức thiết, những đối tượng, lĩnh vực mà ĐBSCL đang cần. Đồng thời cũng giúp ngành Ngân hàng thấy được những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động tín dụng. Và sau những chương trình hội nghị như vậy, về phía ngân hàng có những điều chỉnh tích cực cho cơ chế chính sách của mình.
Chính vì thế, những cơ chế, chính sách tín dụng đặc thù áp dụng cho khu vực ĐBSCL đều được phát huy ngay và hiệu quả cao. Đấy là những hiệu quả rõ rệt đối với ngành Ngân hàng khi tham gia MDEC và tôi thực sự thấy rất mừng như vậy.
Tất nhiên, không chỉ qua MDEC ngành Ngân hàng mới thúc đẩy vốn đầu tư vào khu vực này. Thực tế thời gian qua, ngành Ngân hàng dành khá nhiều tâm, sức, kinh phí, nguồn vốn cho vùng ĐBSCL với quyết tâm cao nhất.
Ngay trong cơ chế chính sách đã có nhiều cơ chế đặc thù riêng cho vùng này. Chỉ tính riêng hệ thống văn bản về cơ chế chính sách, chỉ đạo điều hành giải quyết khó khăn trong 3 năm vừa qua về lĩnh vực tiền tệ, tín dụng ngân hàng với nông nghiệp, nông thôn có 44 văn bản, thì riêng vùng ĐBSCL đã có 24 văn bản.
Đặc biệt, trong hai năm gần đây, trong số hơn chục chính sách tín dụng chung mà NHNN ban hành, có tới 5 - 6 chính sách đặc thù dành riêng cho vùng ĐBSCL.
Không chỉ tín dụng thương mại, mà tín dụng chính sách xã hội dành cho khu vực này cũng khá lớn với gần 20 chương trình đang được triển khai. Ngay cả vốn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông khu vực này cũng có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống ngân hàng. Đơn cử mấy dự án lớn như điện gió Bạc Liêu, điện đạm Cà Mau, các con đường quốc lộ, cầu lớn qua sông Tiền, sông Hậu… cũng có tỷ trọng vốn khá lớn của ngân hàng, hoặc có những dự án ngân hàng không tham gia trực diện nhưng cũng tham gia vốn đối ứng.
Vậy, tại MDEC 2016, ngành Ngân hàng sẽ có những dự định chính sách gì, thưa Phó Thống đốc?
Quan điểm của NHNN là vẫn tiếp tục theo hướng tạo điều kiện một cách tích cực nhất cho việc đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL. Trong đó tập trung bốn nội dung chính và được xem là cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể.
Một là, giải bài toán cân đối vốn cho khu vực ĐBSCL. Trên thực tế trong nhiều năm qua, nhu cầu tín dụng cao nhưng vốn cân đối tại chỗ của khu vực này mới chỉ đáp ứng được 70 - 72%. Vì thế, thời gian tới, NHNN tiếp tục tăng cường vốn từ các nơi khác về đây đầu tư cho các dự án trọng điểm, chương trình hiệu quả; đặc biệt tạo điều kiện cho DN có thể chủ động về vốn khi mở rộng sản xuất kinh doanh.
Hai là, NHNN đã và đang chỉ đạo một cách quyết liệt các TCTD, nhất là các đơn vị trên địa bàn ĐBSCL phải đi đầu. Ngân hàng phải cải cách mạnh mẽ hơn trong việc tạo điều kiện cho DN, người dân tiếp cận vốn dễ dàng thuận lợi trong thủ tục, quy trình. Và đặc biệt có sự quan tâm đến ưu đãi lãi suất đối với những đối tượng, lĩnh vực cần ưu đãi đã và đang được quy định.
Ba là, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch về cơ cấu lại sản xuất, ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu trong cả khu vực ĐBSCL cũng như từng địa phương, từng tỉnh gắn tín dụng với quy hoạch có tính liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương trong vùng...
Hiện nay, vấn đề quy hoạch tổng thể, chi tiết cũng như liên kết vùng, địa phương, liên kết giữa sản xuất chế biến với tiêu thụ… là những vấn đề đã và đang được đặt ra khá cấp thiết, cần phải thực hiện quyết liệt hơn nữa tạo chuyển biến mạnh trong thời gian tới.
NHNN đã và đang chỉ đạo các NHTM đặc biệt quan tâm coi đây là giải pháp rất quan trọng, thậm chí ngân hàng có thể đi trước một bước chủ động hơn trong triển khai chính sách và thúc đẩy vấn đề quy hoạch, liên kết và ứng dụng công nghệ khoa học.
Bốn là, tiếp tục thực hiện, mở rộng những chương trình tín dụng được xem là điểm sáng, có vai trò hết sức quan trọng tháo nút thắt trong quan hệ tín dụng trước đây như: chương trình tín dụng xanh ĐBSCL, cho vay dự án ứng dụng công nghệ cao, hay liên kết giữa người sản xuất, chế biến và tiêu dùng… Thực tế cho thấy các chương trình tín dụng liên kết này đã, đang tạo ra sự luân chuyển đồng vốn nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Phó Thống đốc kỳ vọng những giải pháp, chính sách về vốn trên sẽ hỗ trợ thế nào đối với sự phát triển của khu vực ĐBSCL?
Kỳ vọng lớn nhất cũng là mong muốn chúng tôi đặt ra là có thể mở rộng tín dụng với tốc độ tăng trưởng cao hơn.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện nay của khu vực này tương đương cả nước, nhưng dư nợ chưa thực sự tương ứng với tiềm năng, mới có khoảng 400 nghìn tỷ đồng, chiếm 8% của cả nước. Trong khi đó vùng ĐBSCL có tới 13 tỉnh và được xem là vùng kinh tế hàng hóa phát triển lớn nhất cả nước. Do đó dư nợ như vậy còn thấp.
Vì vậy, tôi mong muốn tín dụng tăng trưởng hơn nữa. Nhưng mở rộng tín dụng phụ thuộc sự hấp thụ vốn của nền kinh tế nói chung và của vùng nói riêng. Chứ có vốn mà không có dự án hiệu quả, không có sự mở rộng sản xuất kinh doanh tích cực của các DN, không có các cơ chế chính sách khác đồng bộ thì đưa vốn vào nhiều cũng không hấp thụ được, lại thành thừa vốn.
Tôi cho rằng có mấy vấn đề nổi lên cần phải được giải quyết để đảm bảo vốn ngân hàng đầu tư hiệu quả vào khu vực này.
Thứ nhất, tính quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết trong cả vùng hay từng địa phương phải rất rõ như trồng gì nuôi gì, phát triển ngành, nghề thế nào... gắn với thế mạnh, đặc điểm, môi trường, nguồn nhân lực.
Thứ hai, phải đảm bảo vai trò vĩ mô cũng như chính sách phối kết hợp liên kết vùng, và không chỉ nội bộ giữa các tỉnh trong vùng mà giữa ĐBSCL với các thành phố lớn, các vùng kinh tế khác trong cả nước để tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, hay là đảm bảo cung ứng nguyên vật liệu cho việc đảm bảo sản xuất kinh doanh cho vùng ĐBSCL.
Thứ ba, ngoài tính quy hoạch liên kết ra thì rất cần các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, môi trường, đầu tư phát triển hạ tầng… một cách hiệu quả và đồng bộ.
Tất nhiên, kỳ vọng mong muốn rất lớn, nhưng như tôi nói ở trên khả năng được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Còn về phía ngành Ngân hàng có thể nói đã, đang và sẽ tích cực đáp ứng một cách cao nhất nhu cầu vốn của các DN, dự án và người nông dân vay vốn với chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn.
Như Phó Thống đốc nói vốn huy động tại chỗ khu vực ĐBSCL mới chỉ đáp ứng được 70 – 72% nhu cầu. Vậy, NHNN sẽ cân đối nguồn vốn thế nào để đáp ứng nhu cầu đầu tư của vùng này?
Nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tín dụng cho khu vực này không khó. Vì trong trường hợp thiếu vốn các NHTM có thể điều vốn từ thành phố lớn từ nơi thừa sang nơi thiếu. Trên thực tế có tỉnh nhu cầu vốn huy động không lớn. Còn trong trường hợp NHTM thiếu vốn NHNN sẵn sàng hỗ trợ trực tiếp hoặc có cơ chế chính sách tạo vốn cho NHTM khi cần thiết. Chưa kể các dự án tài trợ nước ngoài hoặc những chương trình hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Xin cảm ơn Phó Thống đốc!