Tín dụng ngân hàng về nông thôn mới
Chung tay cùng cả nước
Theo báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và định hướng xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII thì tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình trong giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 192.922 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách trung ương là 5.900 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 36.31 tỷ đồng, trái phiếu Chính phủ là 9.815 tỷ đồng, nguồn vốn khác là 75.840 tỷ đồng và vốn vay tín dụng là 65.336 tỷ đồng.
Giao dịch tại Quỹ tín dụng nhân dân xã Thanh Tân - xã đạt chuẩn NTM của huyện Kiến Xương, Thái Bình |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguồn vốn trên chủ yếu mới chỉ đáp ứng cho việc xây dựng các công trình hạ tầng, còn vốn để hỗ trợ người dân nông thôn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM) thì dựa vào hệ thống NH là chính. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, NHNN đã ban hành kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Theo đó, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố chỉ đạo các TCTD trên địa bàn cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của các huyện, thị xã và các xã được Ban Chỉ đạo địa phương lựa chọn xây dựng nông thôn mới; nắm bắt kịp thời tình hình cho vay phục vụ xây dựng nông thôn mới của các TCTD và thực hiện hỗ trợ giải quyết khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa TCTD với khách hàng vay vốn trên địa bàn.
Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn cho vay xây dựng NTM tại các địa phương trên toàn quốc, tích cực vận động hưởng ứng thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” trong toàn hệ thống.
Tính đến cuối tháng 9/2015 dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của toàn Ngành ước đạt 815.361 tỷ đồng, tăng 9,5% so với 31/12/2014 và tăng gần 1,64 lần so với cuối năm 2011. Kết quả này đã tạo khí thế phấn khởi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và nâng cao đời sống nhân dân trong thời gian qua.
Cần đẩy mạnh hơn cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng
Báo cáo của các tỉnh, thành phố cũng cho thấy nguồn vốn cho vay lĩnh vực NTM luôn được ưu tiên. Đơn cử như tại tỉnh Bình Định, lãnh đạo NHNN chi nhánh tỉnh này cho biết, để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Chi nhánh NHNN tỉnh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn ưu tiên vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Các TCTD đã thực hiện nghiêm túc quy định của NHNN về lãi suất cho vay đối với các nhóm lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khi mức trần lãi suất cho vay trong thời điểm hiện nay là 7%/năm. Trên tinh thần hỗ trợ tối đa cho khách hàng, một số TCTD trên địa bàn tỉnh Bình Định đã tự cân đối để triển khai nhiều chương trình cho vay lãi suất thấp hơn mức trần quy định đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời, các TCTD cũng đã và đang rà soát, đánh giá để thực hiện cơ cấu lại nợ các khoản vay cũ nhằm hỗ trợ khách hàng nông nghiệp, nông thôn duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.
Nhờ đó, dư nợ cho vay xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Bình Định đến hết tháng 9/2015 là 7.904 tỷ đồng, tăng 4,79% so với quý II/2015. Hay tại tỉnh miền núi Tuyên Quang, đầu tư cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn là 6.245 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cuối năm 2014, chiếm tỷ trọng 62%/tổng dư nợ tín dụng; với 153.426 khách hàng đang còn dư nợ. Riêng dư nợ cho vay của các TCTD tại 10 xã điểm của tỉnh về xây dựng NTM là 783.335 triệu đồng, với 20.319 khách hàng còn dư nợ.
Còn tại tỉnh Bến Tre, giai đoạn năm 2011 - 2015, doanh số cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM toàn ngành trên địa bàn ước đạt 55.890 tỷ đồng, chiếm 49,1% tổng cho vay toàn ngành trên địa bàn trong cùng thời kỳ với hơn 5,5 triệu lượt khách hàng vay vốn.
Lãnh đạo NHNN nhiều chi nhánh cho rằng, bên cạnh các kết quả đã đạt được trong cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, xây dựng NTM, hiện nay vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc làm cho hiệu quả sử dụng vốn ngân hàng chưa được phát huy toàn diện.
Các NH cho biết vướng mắc nhiều nhất hiện nay là cho vay lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn. Đây là lĩnh vực nằm trong các lĩnh vực được cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Tuy nhiên, cơ chế về cho vay lĩnh vực này chưa được hướng dẫn cụ thể, còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhận thức chung của người dân đối với chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn còn biểu hiện tâm lý trông chờ vào vốn vay ưu đãi từ ngân hàng, thiếu chủ động đổi mới trong sản xuất, kinh doanh, dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp.
Các mô hình sản xuất, liên kết sản xuất hiệu quả chưa được nhân rộng nên ngân hàng chưa thể triển khai cho vay. Chẳng hạn, dù các NH rất tích cực nhưng Chương trình cho vay thí điểm phục vụ cho phát triển nông nghiệp theo các mô hình liên kết, áp dụng công nghệ cao và sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu (theo Nghị quyết số 14/NQ-CP) vẫn chưa thêm nhiều khách hàng mới.
Nguyên nhân do người dân còn chưa sẵn sàng tham gia chuỗi liên kết vì chưa quen với việc ký hợp đồng, tuân thủ hợp đồng, còn tình trạng bán hàng theo cảm tính, nơi nào giá cao thì bán. Về phía doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng về hồ sơ vay hoặc doanh nghiệp chưa vào mùa sản xuất và họ đang sẵn vốn chưa có nhu cầu vay.
Theo báo cáo của Chính phủ, đến hết quý II năm 2015, đã có 889 xã (đạt 9,94%) và 5 huyện đạt chuẩn, bình quân mỗi xã đạt 11,56 tiêu chí, tăng 6,7 tiêu chí so với năm 2011; 15,4% số xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí; 35,8% số xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; 31,09% số xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí; 7,75% số xã đạt dưới 5 tiêu chí và không còn xã trắng tiêu chí. Dự kiến đến hết năm 2015 cả nước sẽ có khoảng 10 huyện và 1.800 xã đạt chuẩn (đạt 20%); 1.527 xã (17,33%) đạt từ 15 đến 18 tiêu chí và chỉ còn 600 xã đạt dưới 5 tiêu chí. |