Tín dụng ưu đãi mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc
Hoạt động tín dụng chính sách vùng Tây Nam Bộ | |
Tín dụng chính sách giúp thoát nghèo bền vững |
Chủ trì Hội nghị có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Sơn Minh Thắng; Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Võ Thành Thống; Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú và Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng. Tham dự Hội nghị có hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, NHCSXH các Chi nhánh và các tổ tiết kiệm và vay vốn tiêu biểu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị |
Báo cáo tại Hội nghị, Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, đến ngày 31/12/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Nam Bộ đạt 27.838 tỷ đồng, với trên 2.062 nghìn người nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, tăng 10.918 tỷ đồng, tăng 64,5% so với cuối năm 2011, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2012 - 2016 của toàn khu vực là 10,5%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân chung toàn quốc 1,8%.
Chất lượng tín dụng trong vùng được cải thiện. Đến hết năm 2016, tổng nợ quá hạn của các tỉnh trong khu vực là 224.542 triệu đồng, chiếm 0,81% tổng dư nợ, giảm 410.224 triệu đồng, giảm 3,3% so với thời điểm xây dựng Đề án, tất cả 13/13 tỉnh, thành phố trong vùng đều giảm nợ quá hạn.
Đánh giá cao hiệu quả từ vốn vay của NHCSXH, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ ngân hàng, Thống đốc NHNN là Chủ tịch HĐQT và một Phó Thống đốc là thành viên HĐQT NHCSXH, trong thời gian qua, Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN, các đơn vị chức năng của NHNN cũng như các NHTM Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt và tạo điều kiện tối đa cho NHCSXH trong việc ban hành các cơ chế chính sách có liên quan và đảm bảo nguồn vốn cho vay, giúp NHCSXH thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, NHNN đã chỉ đạo các NHTM Nhà nước thường xuyên duy trì số dư tiền gửi tại NHCSXH, đồng thời NHNN cũng tích cực tìm kiếm các nguồn tài trợ cho công tác giảm nghèo từ các tổ chức quốc tế…
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị |
Thời gian tới, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cấp ủy chính quyền địa phương các tỉnh ĐBSCL, các tổ chức chính trị triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm đối với hoạt động tín dụng nói chung và hoạt động tín dụng chính sách nói riêng.
Trong đó, tập trung vào một số nội dung trọng tâm: Hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho NHCSXH hoạt động an toàn, hiệu quả hơn; Hoàn thiện và tăng cường sự phối hợp với chính quyền địa phương, phát huy vai trò của tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội trong việc việc tham gia quản lý hỗ trợ NHCSXH triển khai các chương trình tín dụng chính sách; Tiếp tục thực hiện tốt các gải pháp điều hành CSTT, tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện cho các TCTD tập trung vốn tín dụng cho vay các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực có nhiều tiềm năng thế mạnh của vùng; tổ chức triển khai các chương trình tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng cho vay các sản phẩm có giá trị thương mại cao, có tác động lan tỏa lớn và tạo điều kiện cho những hộ mới thoát nghèo tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn tín dụng thương mại để có điều kiện thoát nghèo bền vững. Gắn kết tín dụng thương mại với tín dụng chính sách tạo cơ sở vững chắc cho mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tổng kết 5 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực Tây Nam Bộ và cũng đúng dịp 3 năm thực hiện Chị thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Qua các ý kiến phát biểu có thể thấy, trước đây dư nợ khu vực này rất thấp; tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với bình quân cả nước nhưng nợ xấu rất cao. Sau 5 năm thực hiện Đề án và sau 3 năm triển khai Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư thì thành tích đạt được là rất ấn tượng.
"Đạt được kết quả trên, theo tôi là do cả hệ thống chính trị vào cuộc gồm các cấp ủy chính quyền, hội đoàn thể và đông đảo các thành viên vay vốn. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi không chỉ mang ý nghĩa chính trị mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, gắn với việc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới", Phó Thủ tướng cho biết.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý, hiện nay tổng dư nợ của cả hệ thống NHCSXH là 157 nghìn tỷ đồng nhưng ĐBSCL dư nợ chỉ 28 nghìn tỷ đồng; cả nước hiện có 6,7 triệu hộ vay vốn NHCSXH nhưng ĐBSCL cũng chỉ có gần 2,4 triệu lượt hộ.
Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền khu vực ĐBSCL phải phấn đấu trong 3-5 năm tới 100% hộ nghèo, đối tượng chính sách nếu đủ điều kiện có nhu cầu thì phải được tiếp cận nguồn vốn.
Đồng thời, phải hạn chế, đẩy lùi tín dụng phi chính thức, nhất là tín dụng đen ở khu vực nông thôn. Muốn hạn chế được tín dụng đen thì phải phát triển tín dụng chính sách góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn. Phải tính toán tăng dư nợ lên, mức bình quân vay vốn lên và số hộ vay vốn tăng lên.
Về huy động nguồn vốn cho tín dụng chính sách, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trong điều kiện khó khăn nhưng Đảng và Chính phủ vẫn dành 20-30 nghìn tỷ đồng trong kế hoạch nguồn vốn trung dài hạn để đầu tư cho NHCSXH, trong đó có 5.000 tỷ đồng cấp vốn điều lệ; 3.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất cho chương trình cho vay nhà ở xã hội.
“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các chương trình khác cắt nhưng không cắt nguồn vốn NHCSXH nên đã dành một phần phân bổ cho NHCSXH trong kế hoạch vốn ngân sách đầu tư trung và dài hạn” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu, NHNN tiếp tục chỉ đạo các NHTM tiếp tục bố trí số dư tiền gửi 2% của NHTM để chuyển cho NHCSXH hoạt động; đề nghị các tỉnh, thành phố tăng thêm nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang cho NHCSXH cho vay.
Mặc dù ngân sách địa phương khó khăn nhưng cũng phải bớt chi tiêu để đưa vốn sang NHCSXH triển khai cho vay, bởi làm như vậy sẽ giúp người dân trong địa bàn tiếp cận được vốn vay. NHCSXH cũng phải thông qua các điểm giao dịch, tổ tiết kiệm và vay vốn đẩy mạnh huy động tiền trong dân.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng đề nghị, NHCSXH phối hợp bàn với các địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế từ đối tượng vay vốn, định mức cho vay; thủ tục cho vay, theo hướng càng đơn giản càng tốt.
“Nhất là NHCSXH cần tập trung cho vay một số chương trình trọng điểm như cho vay giải quyết việc làm, phát triển kinh doanh; cho vay khởi nghiệp, ưu tiên những DN tạo việc làm cho nhiều lao động. Tôi đề nghị NHCSXH nghiên cứu điểm này.” – Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng đề nghị các Hội đoàn thể là Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên chúng ta phải quản lý tốt công tác ủy thác vốn. Cần tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh việc lợi dụng chính sách, đảm bảo tính nhân văn của chính sách.
"Nếu làm tốt sự phối hợp, tôi tin tưởng rằng, sau 5 năm nữa tổng kết Đề án thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực Tây Nam Bộ thì bức tranh về hiệu quả tín dụng sẽ tốt hơn, góp phần vào tăng trưởng kinh tế bền vững, xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp", Phó thủ tướng nhận định.
Nhân dịp này Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tặng Bằng khen cho 26 tập thể và 16 cá nhân; Thống đốc NHNN Việt Nam cũng đã tặng Bằng khen cho 3 tập thể của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; NHCSXH Việt Nam tặng Giấy khen cho 5 tập thể và 127 cá nhân đã có thành tích trong 5 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam Bộ. |