Tổ chức xã hội cũng không nên phụ thuộc
Trung tâm Reach là tổ chức tư vấn hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn - một tổ chức mang tính xã hội và không đặt nặng vấn đề lợi nhuận. Tính từ thời điểm thành lập trung tâm tới nay, trung tâm đã có sự tăng trưởng mạnh như: từ 5 nhân sự lên 55 nhân sự, hoạt động 5 khu vực trên cả nước là Hà Nội, Hải Dương, Huế, Đà Nẵng và Hội An.
Một giờ tập huấn cho nhân viên của Trung tâm Reach |
Cũng như từ việc trung tâm chỉ hỗ trợ đào tạo nghề cho 120 thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn vào năm 2004, nay trung tâm đã đào tạo nghề cho hơn 1.300 thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn…
Song có lẽ cũng vì thế, cùng với các hoạt động được mở rộng từng ngày thì ngược lại, khả năng tự chủ tài chính của trung tâm lại càng khó khăn hơn. Đại diện Reach chia sẻ, khó khăn lớn nhất của trung tâm gặp phải là việc đảm bảo duy trì hoạt động bền vững và ngày càng mở rộng quy mô. Tuy nhiên, tính tự chủ và bền vững thấp do trung tâm vận hành hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà tài trợ nước ngoài, trong khi nguồn hỗ trợ này lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Vì vậy, chúng tôi nhận thấy cần phải đa dạng hóa nhà tài trợ, tự đứng trên đôi chân của mình. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác là phải sáng tạo, chuyển đổi thành (DNXH)”, đại diện trung tâm này nói. Tháng 7/2014, Reach chính thức nhận được giấy phép công nhận là DNXH. Và đến thời điểm này, trung tâm đã cơ bản tự chủ được về tài chính.
Song, Reach chỉ là một trong số trường hợp hiếm hoi thành công trong chuyển đổi mô hình sang DNXH, còn rất nhiều tổ chức khác vẫn chưa tìm được lối thoát để tồn tại.
Theo thống kê, ở Việt Nam hiện có khoảng 200 DNXH khắc phục thất bại thị trường và những vấn đề xã hội, cung cấp dịch vụ và tạo việc làm cho người yếu thế. Trong khi đó, còn có 1.000 tổ chức phi chính phủ giải quyết những vấn đề xã hội và phát triển quyền của người nghèo và người yếu thế; 140.000 tổ chức đáp ứng nhu cầu cơ bản (nước sạch, điện, y tế…) của cộng đồng… đang rất muốn trở thành DNXH.
Bà Hoàng Thị Diệu Hương, đại diện nhóm nghiên cứu đề tài Chuyển đổi mô hình tổ chức xã hội dân sự thành DNXH trên thế giới và kinh nghiệm áp dụng cho Việt Nam của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) cho biết, nhìn chung các tổ chức xã hội dân sự sẵn sàng đổi mới, nhưng sự chuyển đổi vẫn bị hạn chế và có mâu thuẫn xảy ra trong thời gian chuyển đổi. Vì vậy, trên thực tế, triển khai việc chuyển đổi thành DNXH còn nhiều khó khăn.
Theo bà Hương, bài học ở đây là quá trình chuyển đổi phải được lên kế hoạch, quản lý hiệu quả và vì vậy thời gian ươm tạo là thời điểm thích hợp để làm điều đó. Thực tế, thông thường các tổ chức xã hội dân sự muốn chuyển đổi sang hình thức DNXH với quan điểm, đó là cách dễ dàng mang lại doanh thu. Tuy nhiên, đây là một điều không hề đúng trong thực tế.
Cộng thêm hầu hết các tổ chức dân sự Việt Nam áp dụng hình thức tiếp cận phi lợi nhuận cổ điển, đi từ ý tưởng đến gây quỹ, tức là lên ý tưởng, sau đó kêu gọi hỗ trợ tài chính, mà bỏ qua những bước trung gian. Rất ít tổ chức xã hội dân sự hiểu rằng, phát triển DNXH cần liên tục và chủ động hoạch định, nghĩa là phải tiến hành thực hiện tất cả các bước.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, nếu cứ tập trung quá nhiều vào đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ sẽ giới hạn khả năng của tổ chức dân sự xã hội trong việc dành thời gian để chủ động quản lý các nguồn lực của mình một cách hiệu quả, cả về mặt chi phí và phát triển hệ thống, nhằm giảm thiểu lãng phí.
Do vậy, đứng trước những thách thức này, bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc của Trung tâm CSIP Việt Nam cho biết, cách thức quản lý kinh doanh và tổ chức kinh doanh có thể được áp dụng để nâng cao hiệu quả và tiềm năng phát triển cho tổ chức xã hội. Đó là cần đa dạng nguồn thu, có đủ nguồn tài chính độc lập và tự chủ để đầu tư vào mục tiêu xã hội.
Bởi thành công của DN dựa vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ và vào việc có người muốn mua nó hay không, chứ không chỉ phụ thuộc vào khả năng xin tài trợ. Đặc biệt, bản thân nhà tài trợ có xu hướng hỗ trợ các tổ chức có khả năng tự đứng vững về tài chính.