TP.HCM triển khai rộng rãi thanh toán không dùng tiền mặt
Ảnh minh họa |
Theo đó, hệ thống ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán trên địa bàn tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng chấp nhận thẻ, ví điện tử thông qua thiết bị di động tại các điểm cung cấp dịch vụ; chú trọng ứng dụng công nghệ cao đế phát triển và mở rộng các dịch vụ thanh toán hiện đại cho thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường thanh toán.
Đến cuối tháng 7/2019, số lượng thẻ đang hoạt động trên địa bàn thành phố tăng 2,45% so với quý II/2019. Sản phẩm thẻ nội địa vẫn là sản phẩm chủ yếu của các ngân hàng trong nước chiếm 70,73%, thẻ quốc tể chiếm 29,27%, trong khi tỉ lệ này ở quý I/2019 lần lượt là 71,25% và 28,75%; số máy POS đang hoạt động tăng khoảng 6.8% so với quý I/2019. Đến cuối tháng 7 năm 2019, hoạt động thanh toán qua ngân hàng điện tử tiếp tục tăng so với thời điếm cuối quý II/2019 với số lượt thanh toán tăng 34,20%, doanh số thanh toán tăng 33,41%.
TP.HCM cũng đã đẩy mạnh phát triển thanh toán điện tử phục vụ cho các dịch vụ hành chính công của thành phố, góp phần đưa thành phố trờ thành thành phố thông minh. Theo đó, đối với lĩnh vực giáo dục, Ban triển khai Đề án đã triển khai đến 283 trường (121 trường do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý và 162 trường do UBND các quận - huyện quản lý); thực hiện thu phí qua phần mềm quản lý thu tập trung.
Đối với việc phát triển thanh toán trong lĩnh vực y tế, đến cuối tháng 7/2019 đã có hơn 854 cơ sở y tế đã lắp đặt máy POS (khoảng 1.150 máy POS); kết nối phần mềm thanh toán với phần mềm khám chữa bệnh (giữa VietinBank với Bệnh viện Đại học Y dược và Bệnh viện Nhi đồng 1); dùng thẻ liên kết giữa ngân hàng và bệnh viện thay cho sổ khám chữa bệnh và thanh toán dịch vụ khám bệnh, viện phí, thuốc (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín kết nối với Bệnh viện Chợ Rẫy) đã góp phần rút ngắn thời gian chi trả tiền khám chữa bệnh; thanh toán viện phí qua cổng thanh toán của Payoo (giữa Công ty cổ phần dịch vụ, trực tuyến cộng đồng Việt (Payoo), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam với Bệnh viện Đại học Y dược)...
Đối với thanh toán dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, TP.HCM đã triển khai thu phí dịch vụ công trực tuyến thí điểm cho 3 đơn vị UBND quận 9, UBND quận Tân Phú và UBND huyện Củ Chi, (Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam phối hợp với Văn phòng UBND TP.HCM).
Đối với thanh toán tiền điện, Tổng công ty Điện lực thành phố đã hợp tác với 23 ngân hàng và 11 tổ chức trung gian thanh toán trong việc triển khai các giải pháp thanh toán tiền điện bằng hình thức thanh toán điện tử, hạn chế thấp nhất việc thanh toán bằng tiền mặt, tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt đạt 92,22%.
Đối với thanh toán tiền nước, dữ liệu khách hàng trên địa bàn của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn phân tán ở 8 công ty con, tuy nhiên các công ty cấp nước đều đã liên kết với ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán đề thu tiền nước qua nhiều kênh thanh toán khác nhau và đa số các công ty cấp nước đã thực hiện không thu tiền nước tại nhà khách hàng.