Trái ngọt từ tái cơ cấu
Tiếp tục quyết liệt tái cơ cấu ngân hàng | |
Tái cơ cấu ngân hàng: Không ngủ quên trên chiến thắng | |
Không trực tiếp sử dụng NSNN trong tái cơ cấu ngân hàng |
Nhà đầu tư ngoại sở hữu cổ phần ngân hàng Việt
Vietcombank và TPBank đã bán cổ phần thành công cho một số quỹ đầu tư nước ngoài. Đây là hai điển hình cho thấy những NH tái cơ cấu lành mạnh, có chiến lược phát triển dài hạn sẽ thu hút NĐT nước ngoài. Đây cũng là minh chứng cho tiến trình tái cơ cấu theo Đề án 254 giai đoạn 2011-2015 là đúng hướng và đã mang lại những kết quả tích cực.
Nhớ 3 năm về trước, trước các đại hội cổ đông và báo giới, nhiều vị lãnh đạo ngân hàng đã bộc lộ ý đồ tìm kiếm NĐT chiến lược nước ngoài, sau đó liên tục có các cuộc gặp gỡ, thăm dò tìm kiếm… nhưng cả năm trôi qua, vẫn chưa thấy thương vụ nào xuất hiện.
Nhiều luận giải, bình luận, phân tích cho hiện tượng “đỏ mắt tìm NĐT chiến lược” được đưa ra: thị trường toàn cầu vẫn khó khăn, vấn đề minh bạch của các NH Việt vẫn là trở ngại, nợ xấu của các NH còn quá cao, hoạt động tái cơ cấu các TCTD chậm và chưa cho thấy dấu hiệu tích cực…
Thế rồi, các phát súng Vietcombank hay TPBank chợt nổ vang, trong cùng 1 tuần cuối tháng 8 vừa qua, thị trường liên tiếp đón nhận 2 tin vui: ngày 26/8, Tổ chức IFC (Nhóm Ngân hàng Thế giới) đã chính thức trở thành cổ đông với sở hữu 4,999% cổ phần tại TPBank khi ký kết gói đầu tư mua cổ phiếu ưu đãi có giá trị 403,105 tỷ đồng (khoảng 18,3 triệu USD). 3 ngày sau, Vietcombank cùng với Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore (GIC) cũng đã ký bản thỏa thuận ghi nhớ theo đó GIC sẽ mua 7,73% cổ phần của nhà băng này.
IFC chính thức trở thành cổ đông của TPBank |
Điều này chứng tỏ sự quan tâm của các NĐT nước ngoài đối với các NH trong nước trong thời gian qua không phải không có, mà họ vẫn luôn để tâm và tìm hiểu. Và đến nay là thời điểm họ chốt giao dịch đó. Quan trọng hơn là các thương vụ này diễn ra vào thời điểm hệ thống NH Việt Nam đi qua chặng đường tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015.
“Việc hai NH TPBank và Vietcombank bán được cổ phần cho NĐT nước ngoài cho thấy điều mà chúng ta lo “ối giời ơi, chúng ta yếu quá, không ai người ta mua đâu” nay đã được xóa bỏ” - TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói. Ông cho rằng sự thành công của hai thương vụ TPBank và Vietcombank cho thấy Đề án 254 (Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015) về cơ bản đã thành công, tạo ra được những sản phẩm mà thị trường thấy hấp dẫn và chấp nhận.
Đề án 254 đã “truyền lửa” để mỗi TCTD dù đang ở xuất phát điểm khác nhau, gặp phải những vấn đề nội tại không giống nhau nhưng đều phải quyết tâm tái cơ cấu lại mình. Qua đó, đóng góp vào quỹ đạo phát triển chung của hệ thống. Khi quỹ đạo vận hành trơn tru, thì việc nảy hoa, kết trái ở mỗi NH là điều nhìn thấy trước.
Nhắm đến quỹ ngoại nếu NH nội muốn hút đầu tư
Ngay sau “những phát” súng này, đã có những nhận định rằng một “làn sóng” bán vốn NH cho các đối tác ngoại lại bắt đầu được khởi động, nhưng “chưa thể nói sẽ trở thành xu hướng”, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Vì trong bối cảnh thị trường tài chính, chứng khoán toàn cầu ảm đạm, thị trường Việt Nam vẫn tăng trưởng khá tốt thì các NĐT ngoại sẽ xem xét. Theo ông, khoản đầu tư này là nằm trong chiến lược đa dạng hóa rủi ro của họ và đối với họ, điều quan trọng là tình hình tài chính của những NH đó vững mạnh và có tiềm năng.
Tín hiệu tích cực ở đây là vẫn luôn có các NĐT nước ngoài quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam và thị trường tài chính, NH Việt Nam nói chung, các NHTM trong nước nói riêng vẫn nằm trong tầm ngắm của các quỹ đầu tư nước ngoài. Nếu các NH trong nước có nhu cầu thu hút các NĐT nước ngoài thực sự, cùng với đó là thị trường vận hành ổn định, tiềm năng tăng trưởng tốt thì NĐT nước ngoài sớm muộn sẽ tham gia.
Nhân vấn đề này để trở lại câu chuyện tái cơ cấu, ông Thành cho rằng, một yếu tố then chốt để tái cấu trúc hệ thống NH là phải dùng tiền thật. TPBank là một ví dụ, họ đã dùng tiền thật để tự tái cơ cấu và thành công. Trong khi như trường hợp của Ngân hàng Xây dựng (VNCB), việc dùng tiền vay mượn để tăng vốn điều lệ, tái cơ cấu lại đem đến kết quả ngược lại. Và tiền thật ở đây chỉ đến ở dạng là tiền của tư nhân hoặc tiền của nhà nước. Sẽ không có cây đũa thần nào để niệm thần chú một cái là giúp NH khỏe mạnh được.
Các thương vụ NĐT nước ngoài bỏ vốn sở hữu các NH trong nước vừa qua cũng cho thấy một vấn đề đáng lưu ý. Đó là việc vốn bỏ vào chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư. Ông Phạm Hồng Hải, CEO HSBC Việt Nam nêu ra một thực tế là các NH nước ngoài hiện nay rất ngại ngần khi mua cổ phần của các NH, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác, trừ trường hợp họ mua để nắm quyền chủ sở hữu 100% luôn.
Theo lý giải của ông Hải, theo Basel III, nếu một NH chỉ là cổ đông thiểu số (nắm cổ phần nhỏ ở một NH khác) thì phần vốn đầu tư đó sẽ không được tính vào vốn chủ sở hữu của NH trong báo cáo tài chính hợp nhất. Thay vì chỉ sở hữu một phần ở một NH trong nước thì nếu thấy thị trường tiềm năng, họ (các NH nước ngoài) sẽ xin thành lập NH 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Vừa mới đây, CIMB Bank Berhad đã được trao giấy phép thành lập NH 100% vốn nước ngoài. Vậy là đếm nhanh trên thị trường Việt Nam đã có 7 NH 100% vốn nước ngoài đi vào hoạt động (chưa kể Woori Bank cũng đã được chấp thuận về nguyên tắc việc thành lập NH 100% vốn nước ngoài).
Trên thị trường cũng có tới vài chục chi nhánh, văn phòng đại diện NH nước ngoài tại Việt Nam mà rất có thể trong số đó sẽ tiếp tục có những NH xin thành lập NH 100% vốn nước ngoài mới. Những số liệu đó có thể dẫn chứng cho những nhận định của vị CEO HSBC Việt Nam.