Tranh chấp qua trọng tài thương mại: Thiếu quan tâm sẽ thua đau
Ảnh minh họa |
Gần đây, dư luận xôn xao về vụ nhà đầu tư Hoa Kỳ, Michael McKenzie khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra Trọng tài quốc tế về dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng South Fork tại tỉnh Bình Thuận. Lý do được nguyên đơn đưa ra, Chính phủ Việt Nam mà trực tiếp là UBND tỉnh Bình Thuận đã vi phạm quy định của Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ. Ở vụ kiện này, Chính phủ Việt Nam đã phản ứng rất nhanh và trả lời toàn bộ yêu cầu, tham gia giải quyết tranh chấp rất đầy đủ. Cuối cùng, Trọng tài quốc tế hủy đơn kiện, nhờ đó Chính phủ Việt Nam đã không phải bồi thường 3,7 tỷ USD cho nguyên đơn, theo yêu cầu của Michael McKenzie.
Nếu như đa phần DN trên thế giới giải quyết tranh chấp thương mại bằng hình thức trọng tài, thay vì khởi kiện ra tòa án, thì các DN Việt Nam còn khá dè dặt lựa chọn hình thức này. Trường hợp thắng kiện nêu trên khá ít. “Nhiều DN rất thiếu kinh nghiệm, khi bị khởi kiện họ cho rằng không sai thì không theo dõi và phản hồi diễn biến vụ việc khi có yêu cầu. Chính vì vậy, DN Việt Nam thường chịu rủi ro rất lớn. Theo thống kê, phần lớn DN Việt Nam phải chịu phần thua khi tranh chấp với DN nước ngoài”, luật sư Phan Nguyên Toàn, điều hành Văn phòng Luật sư Leadco, cho hay.
Đồng nghiệp của ông Toàn, luật sư Trần Sỹ Vỹ nói rõ thêm, nếu không tham dự, không phản đối bên kiện, DN sẽ mất quyền tự bảo vệ mình. “Tôi thấy một số trường hợp, DN Việt Nam đã có thỏa thuận trọng tài rồi nhưng khi giải quyết lại không đến, không có mặt, cũng không trả lời đối tác và đã bị thua đau”, ông nói.
Giải thích lý do nên lựa chọn hình thức trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp kinh tế, luật sư Trần Sỹ Vỹ cho biết, phương thức này có tính trung lập rõ rệt, các bên có thể lựa chọn trọng tài viên có chuyên môn sâu rộng trong từng lĩnh vực cụ thể để giải quyết tranh chấp. Trong khi những vấn đề nhạy cảm, bí quyết thương mại có thể công khai tại tòa án, ảnh hưởng đến các bên liên quan, hình thức trọng tài thương mại đảm bảo tính riêng tư và bảo mật hơn.
Quan trọng hơn là phạm vi phán quyết của trọng tài rộng hơn rất nhiều so với quyết định của tòa án. Hiện chưa có công ước đa quốc gia về công nhận quyết định phán quyết của tòa án, nhưng trọng tài đã có công ước New York năm 1958, đến nay có 149 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên. “Nên một khi tham gia vào công ước này, phán quyết của trọng tài các nước thành viên có thể được công nhận tại nước khác. Và Việt Nam đã trở thành thành viên của công ước này”, ông Vỹ cho hay.
Tuy nhiên lợi thế này có thể trở thành con dao hai lưỡi khi các DN Việt Nam không hiểu luật. Luật sư Phan Nguyên Toàn, Luật sư điều hành Leadco cảnh báo: “Trong quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, DN cần lưu ý nếu không thắng kiện vẫn phải theo dõi, giám sát vụ việc mà không nên bỏ mặc”. Bởi theo luật mẫu hoặc luật của Việt Nam, hay luật các nước, trọng tài vẫn giải quyết kể cả một bên vắng mặt.
Bài học điển hình nhất là vụ việc khiếu nại xảy ra giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) với huấn luyện viên Pháp - Letard. Năm 2003, VFF thuê ông Letard huấn luyện đội tuyển Việt Nam. Sau khi “gặt hái” hết thất bại này đến thất bại khác, Liên đoàn đã sa thải ông này. Sau khi sa thải, VFF không có thỏa thuận về hậu quả pháp lý khi sa thải, cũng không thỏa thuận về bồi thường cho đối tác mà chỉ đền cho ông này 3 tháng lương (35.000 USD) và coi như hợp đồng chấm dứt.
Tuy nhiên, sau khi bị sa thải, ông Letard kiện lên Ủy ban kỷ luật Liên đoàn Bóng đá thế giới, nhưng ông thất bại. Khi đó, VFF tưởng như vậy là vụ việc đã chấm dứt nên đã không quan tâm thêm. Sau vụ khởi kiện nói trên, ông Letard tiếp tục đâm đơn kiện VFF tại Trọng tài Thể thao quốc tế và xét xử ở Thụy Sỹ. VFF đã chủ quan cho rằng, ông Letard đã thua kiện trước đó nên không có lý do gì khiến ông lại kiện ở nơi khác, vì vậy cũng không phản hồi, không trả lời đơn kiện của ông Letard. Chính vì vậy, VFF đã thua đau khi Tòa án Trọng tài Thể thao quốc tế quyết định buộc VFF phải bồi thường cho ông Letard số tiền 197.000 USD.
“Đây là hai vụ kiện rất điển hình có kết quả trái ngược nhau, một bên quan tâm và một bên không quan tâm. Nếu không quan tâm, giá phải trả có thể là rất lớn”, ông Vỹ bình luận thêm.
Trần Hương