Triển khai Big Data thành công cần chiến lược tổng thể
Giải pháp cho tái cấu trúc hạ tầng công nghệ NH | |
Phòng ngừa rủi ro công nghệ: Thừa còn hơn thiếu | |
Ngân hàng số vào cuộc cạnh tranh |
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội thảo |
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng Công nghiệp 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu có tác động mạnh mẽ, lan tỏa tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và hứa hẹn sẽ tạo thêm nhiều cơ hội, động lực mới cho phát triển của mỗi quốc gia, tổ chức. Cách mạng Công nghiệp 4.0 với nền tảng Internet kết nối vạn vật, công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo đã đưa dữ liệu số lên vai trò trung tâm. Dữ liệu số trở thành một nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng hay còn được mô tả là “một loại dầu mới - new oil”. Từ nguồn dữ liệu số này có thể gia tăng, tạo ra các doanh thu mới và cung cấp những hệ sinh thái ứng dụng, dịch vụ và sản phẩm kĩ thuật số mới, vì thế xử lý dữ liệu số sẽ phát triển và trở thành một ngành công nghiệp quan trọng trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng, đặc thù của hoạt động ngân hàng là tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ từ những dữ liệu có cấu trúc như lịch sử giao dịch, hồ sơ khách hàng tới những dữ liệu phi cấu trúc như hoạt động của khách hàng trên website, ứng dụng mobile banking hoặc trên mạng xã hội. Ứng dụng Big Data để khai thác được những dữ liệu này sẽ đem lại những lợi thế cạnh tranh và hiệu quả to lớn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Đến nay, theo Phó Thống đốc, có thể khẳng định vai trò quan trọng của Big Data trong lĩnh vực tài chính ngân hàng với các ứng dụng cụ thể như: phân tích giúp hiểu rõ, phân loại, sự hài lòng, hành vi và sự trung thành của khách hàng...; phân tích, phát hiện để cảnh báo và ngăn chặn các các hành vi rủi ro, giả mạo; tối ưu hoá hoạt động xử lý dữ liệu trong quá trình vận hành, phân tích và hỗ trợ ra quyết định;...
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng khẳng định, để triển khai Big Data thành công cần phải có chiến lược tổng thể. Kết hợp với việc xây dựng được đội ngũ chuyên gia có hiểu biết sâu cả về lĩnh vực tài chính lẫn Big Data; xác định, kết nối và thu thập dữ liệu cần thiết; xây dựng cơ chế, chính sách chặt chẽ trong việc bảo mật, an ninh thông tin cũng như một số vấn đề liên quan khác…
Trong phần trao đổi, ông Phạm Anh Tuấn, Thành viên HĐQT, Trưởng ban hiện đại hoá công nghệ ngân hàng (Vietcombank) cho biết: Dữ liệu trong hệ thống ngân hàng và thu thập từ bên ngoài bao gồm nhiều loại. Trong đó có những dữ liệu có cấu trúc, dữ liệu bán cấu trúc và dữ liệu phi cấu trúc (dữ liệu cực lớn). “Hiện dữ liệu ngân hàng là dữ liệu rất lớn và hội đủ tiêu chuẩn của Big Data về khối lượng, sự chuyển động và về mức độ đa dạng”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Đại diện Vietcombank cũng cho rằng, khi ngân hàng cũng như các tổ chức tài chính đã xác định dữ liệu có những giá trị to lớn thì phải coi dữ liệu là tài sản của ngân hàng. Hay nói cách khác, dữ liệu phải được đối xử như bất kỳ tài sản nào của ngân hàng, phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề chất lượng và bảo đảm an toàn tài sản.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về công nghệ Big Data từ góc nhìn khác nhau, những công nghệ kỹ thuật mới nhất, cách thức để ngân hàng và các tổ chức tài chính có thể tận dụng một cách tối đa hoá việc ứng dụng Big Data cũng như các thành tựu khoa học dữ liệu vào hệ thống thông tin. Từ đó nhận diện đầy đủ các cơ hội cũng như thách thức để Big Data đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của hoạt động tài chính, ngân hàng.