Ngân hàng số vào cuộc cạnh tranh
Nỗ lực thúc đẩy công nghệ ngân hàng số | |
Ngân hàng số vừa hợp tác vừa cạnh tranh | |
Ngân hàng số: Tương lai của ngành Ngân hàng? |
Pháp lý ngân hàng số sẽ tiếp tục cở mở Tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh biết, trong giai đoạn 2011-2016, NHNN đã ban hành 21 Thông tư hướng dẫn về các lĩnh vực như: thanh toán điện tử, dịch vụ trung gian thanh toán, mở và sử dụng tài khoản thanh toán… Nghị định 80/2016 cũng đã tạo lập được hành lang pháp lý khá cụ thể chi tiết cho việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của hệ thống các TCTD. Ngoài ra, hiện nay những nền tảng chính như: cam kết của khu vực công và tư nhân vào việc tham gia thanh toán không dùng tiền mặt cũng như nền tảng hạ tầng công nghệ tài chính, thông tin – truyền thông cũng đã khá thuận lợi. Theo đó, Chính phủ đã phê duyệt 3 đề án thanh toán không dùng tiền mặt; hệ thống thanh toán liên ngân hàng đã có thể xử lý trên 180 ngàn giao dịch với giá trị hơn 170 ngàn tỷ đồng/ngày. Mức độ có sẵn của các điểm tiếp cận dịch vụ cũng đã khá phổ biến với hệ thống trên 17.500 máy ATM và 263.000 máy POS… Do vậy, việc áp dụng các công nghệ thanh toán điện tử và các sản phẩm – dịch vụ trực tuyến đang khá thuận lợi với các TCTD. Phó Thống đốc cho rằng, trong vòng 5-10 năm tới NHNN sẽ tập trung hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, tự động hóa hầu hết các quy trình nghiệp vụ ngân hàng của NHNN, phát triển dịch vụ hậu cần thông minh thông qua việc ứng dụng công nghệ số. Đây sẽ là điều kiện tốt để các TCTD mở rộng hoạt động, cạnh tranh bình đẳng để cung cấp đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tới người dân, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa. |
Ngân hàng không chi nhánh
Tại diễn đàn triển lãm Banking Vietnam 2017 chủ đề “Công nghệ số thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam” do NHNN và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG tổ chức ở TP.HCM vừa qua, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho rằng việc phát triển ngân hàng số chính là bước đi bắt buộc mà các NHTM cần thực hiện.
Chẳng hạn, TPBank, một NH “sinh sau đẻ muộn” nên việc mở rộng quy mô mạng lưới của TPBank hết sức khó khăn. Nếu áp dụng cách mở rộng địa bàn bằng việc lập các chi nhánh tại các địa phương, ít nhất khoảng 20 năm nữa đơn vị mới có thể đuổi kịp về quy mô so với một NHTM trung bình, mà không thể nào cạnh tranh được về sản phẩm và dịch vụ.
Từ nhiều năm qua TPBank đã định hướng trở thành một trong những ngân hàng số hàng đầu. Theo đó, sau khi triển khai thành công gói vay e-Bank với những sản phẩm như Internet Banking, SMS Banking và Mobile Banking; TPBank liên tiếp hợp tác với các đối tác công nghệ như Smartlink, Diasoft Systems, Fintek… để áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực thanh toán điện tử và dịch vụ LiveBank 24/7.
Theo TPBank đến nay 2/3 giao dịch của ngân hàng này đã được thực hiện trực tuyến qua đó tiết giảm một lượng lớn chi phí nhân sự, chi phí quản lý và tiết kiệm tối đa thời gian, tiền bạc cho khách hàng. Đặc biệt, nhờ triển khai tốt các dự án công nghệ số, TPBank liên tiếp được đánh giá là một trong những NHTMCP có mạng lưới bán lẻ tốt nhất trong hệ thống, mặc dù số lượng chi nhánh mới chỉ phát triển ở khoảng hơn 10 địa phương.
PGS.TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng những thành công của các NHTMCP cho thấy khả năng phát triển dịch vụ ngân hàng không chi nhánh tại Việt Nam là hoàn toàn khả thi. Bởi hiện nay, tại Việt Nam có 70 TCTD trong hệ thống đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua Internet, 35 tổ chức cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet đã đạt trên 7 triệu tỷ đồng và 300 nghìn tỷ đồng giao dịch qua điện thoại di động. Trong khi đó, các thống kê cho thấy hiện nay tại Việt Nam, 70% người tiêu dùng lên mạng Internet để tìm thông tin trước khi mua sắm, 82% người tiêu dùng sử dụng điện thoại di động để quyết định mua gì ngay khi đang ở trong siêu thị, cửa hàng.
Do vậy, nếu các NHTM tiếp tục đẩy mạnh tìm hiểu nhu cầu khách hàng, nghiên cứu các thỏa thuận đảm bảo lợi nhuận cho các đại lý NH và đảm bảo tính bảo mật, an toàn thông tin, an toàn thanh toán cho khách hàng thì hoàn toàn có thể phát triển các đại lý NH. Từ đó xây dựng thành công mô hình ngân hàng không chi nhánh.
Nhộn nhịp cạnh tranh công nghệ số
Ông Trần Đình Cường, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng điểm rõ rệt là gần đây NHNN Việt Nam có sự chỉ đạo rất quyết liệt các hoạt động ngân hàng số. Theo đó, hầu hết các vấn đề đặt ra trong các diễn đàn ngân hàng hiện đại thời gian qua đều được NHNN định hướng nhắm vào hoạt động ứng dụng thực tiễn. Giải đáp trực tiếp cho các câu hỏi làm sao để nâng cao ứng dụng công nghệ số vào việc phát triển NHTM, gia tăng các mảng bán lẻ, cho vay tiêu dùng và thanh toán không dùng tiền mặt.
Ghi nhận tại triển lãm bên lề hội thảo Banking Vietnam 2017 cho thấy, hầu hết các NHTM và các cung ứng dịch vụ tài chính (fintech) tỏ ra hào hứng khi giới thiệu các ứng dụng công nghệ số vào hoạt động thanh toán và phát triển các sản phẩm dịch vụ trực tuyến.
Chẳng hạn, BIDV giới thiệu phần mềm thanh toán bằng mã QR trên ứng dụng BIDV Smart Banking. Theo đó, khách hàng chỉ cần sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh để thanh toán các sản phẩm bán hàng online hay các cửa hàng có tích hợp tính năng thanh toán bằng QR lên website, fanpage, in trên bao bì sản phẩm, các tài liệu quảng cáo, điểm bán hàng.Agribank giới thiệu trải nghiệm E-mobile banking với nhiều ứng dụng đa tiện ích như nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn, chuyển khoản, đặt vé máy bay, quản lý đầu tư. TPBank giới thiệu hình thức giao dịch LiveBank trên máy ATM 100% tự động, hoạt động 24/7 và được hỗ trợ bởi giao dịch viên từ xa qua video.
Trong khi đó, một số công ty fintech như Công ty Việt Media Sài Gòn (VMS), Công ty BC Card mang đến những giải pháp dịch vụ mới trên máy chấp nhận thẻ (POS) theo công nghệ Hàn Quốc có thể thực hiện bảo mật thông tin, chống trộm, nạp và rút tiền ngay tại máy hoặc thanh toán thông qua thẻ chip có thể tích hợp một lúc nhiều loại thẻ ngân hàng khác nhau. Người dùng có thể lựa chọn thẻ ngân hàng nào để thanh toán ngay trên thẻ chip và thực hiện thanh toán tại các cửa hàng, điểm giao dịch.
Như vậy, có thể thấy, đến thời điểm hiện nay việc ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động thanh toán trực tuyến, cũng như đa dạng hóa các sản phẩm – dịch vụ trên nền tảng ngân hàng số đã bắt đầu đi vào thực tiễn khá mạnh mẽ. Từ mức độ thử nghiệm trong khoảng 5-7 năm trở lại đây thì hiện nay với sự vào cuộc của hầu hết các NHTM trong hệ thống và hàng chục công ty fintech (cả trong và ngoài nước), sân chơi công nghệ số dường như đã bước vào thời kỳ cạnh tranh mạnh mẽ và sôi động, báo hiệu những bước chuyển đáng mừng cho hệ thống tài chính ngân hàng tại Việt Nam.