Triển khai Chiến lược tài chính toàn diện: Cần sự phối hợp đồng bộ, cơ chế điều phối hiệu quả
Thúc đẩy tài chính vi mô và chiến lược tài chính toàn diện | |
Ứng dụng công nghệ hướng tới Tài chính toàn diện tại Việt Nam | |
Yếu tố thúc đẩy tài chính toàn diện |
Ngày 18/1/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo Khung chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện của Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN tham dự và chủ trì Hội thảo. Hội thảo còn có sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị thuộc NHNN, Bộ, ngành liên quan, các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, các ngân hàng thương mại...
Toàn cảnh Hội thảo |
Tại Việt Nam, tầm quan trọng và ý nghĩa lớn lao của tài chính toàn diện đang nhận được sự quan tâm lớn của các ngành, các cấp, của người dân và doanh nghiệp. Mục tiêu của tài chính toàn diện hoàn toàn phù hợp với đường lối Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Hiện nay, mặc dù có số dân cao nhưng tỷ lệ tài chính toàn diện tại Việt Nam còn thấp do còn tồn tại một số rào cản chính đối với tiếp cận và phòng giao dịch của ngân hàng còn chưa tiếp cận được đến vùng sâu vùng xa, chi phí dịch vụ cao, quy trình và thủ tục mở tài khoản còn phức tạp.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết: “Trong nhiều năm qua, khi mà nguồn lực tài chính cho phát triển còn rất hạn hẹp, với những nỗ lực không ngừng, Chính phủ và ngành Ngân hàng Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách, chương trình cụ thể để giúp những người nghèo, người yếu thế trong xã hội, cư dân các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các DNNVV, siêu nhỏ được tiếp cận tới nguồn vốn tín dụng, từ đó giúp họ phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết nhu cầu an sinh xã hội”.
Xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện của Việt Nam đã trở thành yêu cầu hết sức cấp thiết. Chiến lược thể hiện sự cam kết dài hạn của Chính phủ thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện với các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể và những giải pháp đồng bộ nhằm giúp cho mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng thường xuyên, thuận tiện các dịch vụ tài chính cơ bản, có chi phí thấp và phù hợp với khả năng chi trả của họ.
“Việc thực thi tài chính toàn diện sẽ là sự đóng góp quan trọng cho quá trình giảm nghèo đói, bất bình đẳng xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau, để Việt Nam có thể phát triển nhanh, bền vững và hoàn thành những mục tiêu thiên niên kỷ của mình”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.
Trao đổi tại Hội thảo, các ý kiến của các đại biểu đều nhấn mạnh sự cần thiết phải có một Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện nhằm thiết lập tầm nhìn, mục tiêu tài chính toàn diện chung của quốc gia. Cùng với đó đánh giá hiện trạng, xác định ưu tiên, hạn chế và cơ hội. Xây dựng cơ chế điều phối quốc gia; xây dựng kế hoạch hành động và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các chính sách và hành động cũng như xây dựng hệ thống đánh giá, giám sát quá trình triển khai.
Được sự hỗ trợ của WB, theo ông Đinh Xuân Hà, đại diện Viện Chiến lược Ngân hàng, NHNN đang trong quá trình xây dựng một Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện trên cơ sở tiếp cận tổng thể. Trong đó tài chính toàn diện được định nghĩa là việc tiếp cận và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính cơ bản của cá nhân và doanh nghiệp bao gồm thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, cho vay, bảo hiểm theo nhu cầu, thuận lợi, phù hợp và có chi phí hợp lý.
Ông Hà cũng chia sẻ thêm, mặc dù còn đang trong quá trình xây dựng nhưng dự thảo Chiến lược đã xác định được một số ưu tiên dự kiến như: Đổi mới sản phẩm, dịch vụ, chú trọng tài chính dựa trên nền tảng công nghệ số; cung cấp dịch vụ tài chính tới các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người yếu thế, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Song song với đó, mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm và dịch vụ; tăng cường bảo vệ người tiêu dùng và phổ biến kiến thức tài chính. Thiết kế và xây dựng được một Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện hiệu quả sẽ tạo ra nền tảng, lộ trình và định hướng giúp Việt Nam thực hiện thành công các cải cách dự kiến, qua đó hoàn thành các mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia.
Cùng với quá trình xây dựng Chiến lược, NHNN đã và đang chuẩn bị thực hiện khảo sát nhằm hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tài chính toàn diện và thu thập thông tin, số liệu cần thiết cho việc phân tích và đánh giá thực trạng. Xác định những khó khăn, rào cản chính trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân, qua đó đưa ra các giải pháp và định hướng để cải thiện trong tương lai. Cách tiếp cận này được đánh giá là đúng đắn và phù hợp nhằm có đầu vào cần thiết để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chiến lược.
NHNN là cơ quan chủ trì về tài chính toàn diện nói chung và trong việc xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện nói riêng. Tuy nhiên, tài chính toàn diện bao gồm rất nhiều bên liên quan ở cả khu vực công và tư nhân. Do đó, các đại biểu đều cho rằng, để triển khai Chiến lược thành công đòi hỏi sự tham gia và phối hợp giữa các bên thông qua một cơ chế điều phối hiệu quả trong Chính phủ và giữa Chính phủ với khu vực tư nhân.
Kinh nghiệm từ quốc tế và các nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Malaysia... cũng chỉ ra tầm quan trọng của một cơ chế điều phối hiệu quả đối với sự thành công của việc triển khai tài chính toàn diện. Đây cũng là một trong những nội dung chính được đưa ra thảo luận và nhấn mạnh tại Hội thảo, nhằm tận dụng kinh nghiệm từ các chuyên gia quốc tế qua đó xây dựng một cơ chế điều phối hiệu quả và phù hợp với tình hình của Việt Nam.