Thúc đẩy tài chính vi mô và chiến lược tài chính toàn diện
Sẽ có hướng dẫn mới về chế độ tài chính đối với tổ chức tài chính vi mô | |
Một số thay đổi của tổ chức TCVM phải được NHNN chấp thuận | |
25 năm quỹ TYM: Sứ mệnh cải thiện chất lượng cuộc sống |
Tài chính toàn diện được coi là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững. Và công nghệ số có thể xem như chìa khoá để các chương trình, chiến lược tài chính toàn diện thành công ở tầm quốc gia bởi những ứng dụng không giới hạn mà công nghệ đã, đang và sẽ đem lại, giúp giải quyết những vấn đề mà trước đây mạng lưới NH truyền thống khó có thể khắc phục được.
Ảnh minh họa |
“Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy, với sự hỗ trợ của công nghệ số, công ty công nghệ tài chính (fintech) thì ngay cả các nước đang phát triển, nước nghèo cũng có thể đạt được những thành tựu mang tính đột phá về tài chính toàn diện”, đó là chia sẻ của ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại Tọa đàm Ứng dụng công nghệ hướng tới tài chính toàn diện tại Việt Nam diễn ra cuối tuần qua.
Tọa đàm do NHNN phối hợp với Nhóm Công tác Tài chính vi mô Việt Nam (VMFWG), Công ty Tài chính quốc tế (IFC), Quỹ Citi/Citibank Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đồng tổ chức.
Theo quan sát của ông Nguyễn Toàn Thắng, trong những năm qua, các NH Việt Nam đã nhanh chóng nhìn nhận và nắm bắt cơ hội phát triển trên nền tảng công nghệ, đặc biệt khi bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, hoạt động tài chính vi mô (TCVM) - được coi là khởi nguồn của tài chính toàn diện - cũng đang dần tiếp cận và ứng dụng công nghệ một cách nhanh chóng nhằm tạo ra các sản phẩm thuận tiện hơn tới nhóm đối tượng khách hàng thu nhập thấp.
Đồng quan điểm với Tổng thư ký Hiệp hội NH, bà Lê Phương Lan, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) cũng cho rằng, TCVM là điểm khởi đầu của tài chính toàn diện và sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Và công nghệ tài chính là chìa khoá để thúc đẩy sự thành công của TCVM nói riêng và chiến lược tài chính toàn diện nói chung.
Công nghệ mở ra cơ hội để mọi người có thể thụ hưởng những dịch vụ thuận tiện, sẵn sàng mọi lúc mọi nơi, chi phí thấp và phù hợp với mọi nhu cầu giao dịch. Tuy nhiên, điều này có hiện thực hoá được hay không còn phụ thuộc vào bản thân những người chơi chính trên thị trường, sự hợp tác giữa các định chế NH và các công ty fintech. Cùng với đó là sự cải thiện về trình độ, hiểu biết, kỹ năng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính của người tiêu dùng…
Theo bà Lan, hầu hết các nước phát triển đã có một hệ thống định danh quốc gia, giúp việc xác thực nhân thân và tra cứu lịch sử tín dụng một cách thuận tiện. Chính phủ có thể sử dụng các hình thức định danh sinh trắc học đối với cá nhân như vân tay và được liên kết với lịch sử tín dụng của cá nhân đó. Điều này đã giúp các NH và các tổ chức TCVM dễ dàng xác thực nhân thân người đi vay, cải thiện tính minh bạch và giảm vấn đề thông tin bất đối xứng ở thị trường tín dụng… Việt Nam sẽ mất khoảng thời gian nữa mới có thể thiết lập hệ thống định danh quốc gia.
Do đó, theo ông Ivan Daniel Mortimer Schutts, phụ trách Khu vực về các hệ thống thanh toán bán lẻ và NH di động tại Đông Á (IFC) Việt Nam, cần biến kênh phân phối và thiết bị kỹ thuật số thành một cấu phần trong hệ thống vận hành kinh doanh và tương tác với khách hàng.
Lợi thế của TCVM là khả năng tiếp cận sát kế hoạch, nắm rõ nhu cầu và duy trì mối quan hệ gần gũi với các hộ gia đình thu nhập thấp tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, TCVM lại gặp thách thức về hạ tầng công nghệ, quy trình dịch vụ và chất lượng nguồn nhân lực.
Theo ông Lê Anh Dũng, đại diện Vụ Thanh toán (NHNN) kiến nghị cần nghiên cứu xây dựng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm cho phép các công ty fintech, các TCTD, TCVM... được thử nghiệm các công nghệ/giải pháp sáng tạo. Nghiên cứu ban hành quy định tài khoản theo cấp độ tương ứng với hồ sơ rủi ro và tính chất giao dịch...
Giải thưởng Doanh nhân vi mô Citi - Việt Nam (CMA) năm nay vinh danh 31 khách hàng TCVM tiêu biểu, 5 tổ chức TCVM tiêu biểu. Trong đó chị Nguyễn Thị Thanh Phương đạt giải nhất Doanh nhân vi mô Citi - Việt Nam năm 2017 với sản phẩm tái tạo năng lượng, tăng thu nhập cho gia đình và tạo việc làm cho cộng đồng. Chương trình Anh chị em (ACE) được vinh danh là Tổ chức TCVM tiêu biểu Citi - Việt Nam hướng tới tài chính toàn diện; Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển Ninh Phước đạt danh hiệu Tổ chức TCVM tiêu biểu Citi - Việt Nam cam kết thực hiện hiệu quả xã hội; Tổ chức TCVM TNHH MTV Tình thương (TYM), Tổ chức TCVM Thanh Hoá (Thanh Hoá MFI) và Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang (MOM) đồng thời nhận giải Tổ chức TCVM tiêu biểu Citi - Việt Nam 2017 thực hiện nguyên tắc bảo vệ khách hàng. |