Triển vọng ngành phân bón năm 2017
Chính sách thuế đối với ngành phân bón: Nhiều chuyển động | |
Ngành phân bón: Lợi thế chia theo vùng miền | |
El Nino có nhấn chìm cổ phiếu ngành phân bón? |
Nhìn lại chặng đường năm 2016, bức tranh của hoạt động sản xuất phân bón khá ảm đạm do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi như nhu cầu trong nước suy giảm, các nhà máy đạm phía Bắc ngừng hoạt động, giá bán giảm, áp lực cạnh tranh gia tăng và tác động không thuận lợi của nhiều chính sách thuế. Các yếu tố kém khả quan, dù nhiều dù ít đã phản ánh lên kết quả kinh doanh của phần lớn các DN trong năm qua.
Bước sang năm 2017, nhu cầu đối với mặt hàng phân bón kỳ vọng khởi sắc trở lại, diễn biến giá, các dự án NPK lớn được đưa vào hoạt động và các chuyển động mới về chính sách kỳ vọng sẽ giúp bức tranh ngành có những thay đổi tích cực hơn.
Theo quan điểm phân tích của chuyên viên ngành thuộc CTCK Rồng Việt, có rất nhiều nguyên nhân tác động đến sự phát triển của ngành phân bón trong năm 2017. Nhưng có nhà đầu tư chỉ cần quan tâm đến một số điểm nhấn chính giúp phân loại năng lực của DN như: Thời tiết thuận lợi giúp nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng phân bón chính (NPK và Ure) tăng 2-5%.
NPK được ưa chuộng rộng rãi trong việc chăm bón cho cây trồng |
Thực tế, khô hạn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên trong giai đoạn 2015-2016 làm giảm mạnh nhu cầu đối với mặt hàng này. Tuy nhiên, nửa cuối năm ngoái hoạt động trồng trọt cả nước bắt đầu ghi nhận các tín hiệu tích cực nhờ tình hình thời tiết khả quan. Xu hướng giá nông sản bước vào giai đoạn phục hồi cũng là động lực giúp tăng nhu cầu chăm bón các cây trồng công nghiệp giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, điều.
Trong khi đó, xu hướng đầu tư vào các dự án NPK chất lượng cao đang tạo ra rất nhiều điểm nhấn cho ngành. Cụ thể, trong các năm gần đây, nhờ tính tiện lợi của sản phẩm, NPK được ưa chuộng rộng rãi trong việc chăm bón cho cây trồng. Việc giá các nguyên liệu đầu vào như Ure, DAP, SA và Kali giảm mạnh trong khi giá NPK biến động ít hơn giúp các DN sản xuất NPK trong ngành ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.
Nắm bắt hai xu hướng trên, nhiều DN trong ngành đã triển khai nhiều dự án NPK hàm lượng cao, với hai điển hình nổi bật là BFC (dự án Bình Điền Tây Ninh giai đoạn 2 và Bình Điền Ninh Bình giai đoạn 2) và DPM (dự án NPK hàm lượng cao). Việc triển khai các dự án này kỳ vọng sẽ tạo nền tảng tăng trưởng mới cho các DN trong ngành.
Đối với ngành này, giá khí tự nhiên (neo theo giá dầu) và giá các loại phân đơn (ure, kali) cũng đã tăng giá trở lại làm biên gộp của các DN đầu ngành như DPM và BFC suy giảm ít nhiều. Việc chuyển phần tăng giá này sang người tiêu dùng sẽ phụ thuộc phần lớn vào vị thế của DN trong ngành. Đối với các DN đầu ngành như Đạm Phú Mỹ (DPM) và Phân bón Bình Điền (BFC), khả năng này sẽ vượt trội so với các DN còn lại.
Đồng thời, đề xuất thay đổi Luật thuế VAT số 71/2014 của Bộ Công Thương và Hiệp hội Phân bón, nếu được thông qua sẽ giúp giảm bớt gánh nặng về thuế lên giá thành của các DN. Một số DN có chuỗi giá trị hoàn thiện như DPM và LAS sẽ là những đơn vị hưởng lợi nhiều nhất trong sự thay đổi chính sách này.
Từ những điểm tích cực của thị trường, nhóm phân tích có thể dự phóng kết quả kinh doanh năm 2017 một số DN trong ngành giúp nhà đầu tư phân loại được tiềm năng của từng DN trong ngành. Đơn cử, trong năm 2017, RongViet Research dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của DPM đạt lần lượt 9.226 tỷ đồng (tăng 16,4% so với cùng kỳ) và 1.191 tỷ đồng (tăng 5,6% so với cùng kỳ) dựa trên giả định sản lượng tiêu thụ Ure đạt 830.000 tấn và giá bán tăng 18% so với cùng kỳ.
EPS năm 2017 ước tính đạt 2.587 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức P/E 9,3x, đây là mức khá cao so với mức bình quân ngành gần 8x. Điều đó giải thích vì sao CTCK Rồng Việt, khuyến nghị nhà đầu tư theo dõi đối với cổ phiếu này trong trường hợp có những diễn biến mới liên quan đến chính sách thuế VAT.
Đối với BFC, chiến lược phát triển thị trường miền Bắc và xuất khẩu sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều thành tựu khi thời tiết thuận lợi hơn. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của BFC ước tính đạt lần lượt 7.002 tỷ đồng (tăng 17,8% so với cùng kỳ) và 322 tỷ đồng (tăng 16,5% so với cùng kỳ). EPS năm 2017 đạt 5.076 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức P/E khoảng 6,8x, tương đối hấp dẫn trong ngành. Bên cạnh đó, với mức cổ tức tiền mặt hấp dẫn khoảng 3.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư cũng có thể xem xét tích lũy đối với cổ phiếu này.
Tính đến thời điểm này, ngành phân bón đang nhận được rất nhiều ưu đãi chính sách, tuy nhiên, để hạn chế rủi ro thì nhà đầu tư cũng cần nhìn nhận một số rủi ro để cân nhắc có nên đầu tư vào cổ phiếu ngành phân bón hay không. Điều này xuất phát từ chuyện hoạt động kinh doanh của các DN trong ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi diễn biến của thời tiết, đây vẫn là rủi ro lớn nhất cần quan sát.
Ngoài ra, áp lực cạnh tranh gia tăng từ hàng nhập khẩu (Indonesia, Malaysia và Trung Quốc) có thể khiến mặt bằng giá bán phân bón trong nước không tăng được như kỳ vọng. Riêng đối với DPM và BFC, tiến độ giải ngân các dự án quan trọng cũng cần được quan sát thêm...