Trung tâm cung ứng nông sản cần vay ngân hàng 4.500 tỷ đồng
Ngày 18/11, tại TP.HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với một số bộ, ngành liên quan và các địa phương tổ chức Hội thảo nhằm báo cáo kết quả triển khai bước đầu Đề án Phát triển hệ thống Trung tâm cung ứng nông sản hiện đại Việt Nam giai đoạn 2020-2030 và định hướng đến 2045.
Trung tâm cung ứng nông sản một giải pháp kết nối sản xuất với tiêu thụ |
Đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến hiện tại, Đề án trên cơ bản đã hoàn thành xong các phần hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng xong dự thảo Quyết định Thủ tướng Chính phủ để có thể về phê duyệt, bắt đầu thực hiện trong năm 2020.
Cụ thể, các đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế đã tiến hành khảo sát tại 14 chợ đầu mối và cảng cá trên cả nước; khảo sát mở rộng tại một số DN tại TP.HCM, Vũng Tàu để trao đổi về kế hoạch phát triển các trung tâm cung ứng nông sản.
Các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã hoàn thành các khảo sát, học tập tại thị trường quốc tế; xây dựng xong bộ bản đồ về hiện trạng hệ thống chợ đầu mối nông sản gắn với các vùng nguyên liệu chính trên cả nước; đề xuất các tiêu chí xây dựng hệ thống cung ứng nông sản hiện đại và các giải pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống cung ứng nông sản tại Việt Nam.
Dự kiến cuối tháng 11/2019, dự thảo Đề án kể trên sẽ hoàn thiện phần lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và đầu tháng 12/2019 sẽ hoàn thiện thủ tục báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo mục tiêu Đề án đề ra từ năm 2020 – 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ ngành liên quan, địa phương sẽ hoàn thiện khung cơ chế chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư theo hình thứ PPP vào hệ thống cung ứng nông sản hiện đại Việt Nam; xây dựng thí điểm khoảng 2-3 trung tâm cung ứng nông sản, 2-3 trung tâm thu gom nông sản và thủy sản, 2 Trung tâm cung ứng nông sản đường biên và khoảng 20 chợ Vệ sinh an toàn thực phẩm cấp xã kết nối với hệ thống trung tâm cung ứng nông sản trên cơ sở đề xuất trong Đề án.
Giai đoạn từ 2025 – 2030 đề án sẽ thực hiện đánh giá các mô hình thí điểm và nhân rộng các mô hình với tầm nhìn đến 2045 trên cả nước tại các tỉnh có tiềm năng, có doanh nghiệp tham gia đầu tư theo hình thức PPP.
Nguồn vốn để thực hiện đề án, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2020 – 2025, tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án dự kiến khoảng 10.030 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 30%, tương đương 3.009 tỷ đồng; vốn tự có và huy động của DN khoảng 25% (tương đương 2.521 tỷ đồng). Còn lại là vốn vay huy động từ các tổ chức tín dụng (khoảng 45%, tương đương 4.500 tỷ đồng).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phần vốn từ ngân sách Trung ương có thể trích ra từ nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, kết hợp với nguồn vốn hỗ trợ thực hiện theo Nghị định 57/2018 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và lồng ghép từ các chương trình, dự án khác. Trong khi đó, vốn vay từ các tổ chức tín dụng có thể kết hợp từ các nguồn tín dụng ưu đãi hỗ trợ phát triển nông nghiệp – nông thôn, hỗ trợ chuỗi giá trị nông sản, nông nghiệp công nghệ cao và tận dụng các nguồn lực từ các dự án vốn vay ưu đãi nước ngoài của WB, AFD, ADB…
Sau giai đoạn thí điểm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổng kết các mô hình và triển khai nhân rộng quy mô hệ thống trung tâm cung ứng nông sản trên cả nước. Khi đó, tổng nguồn vốn phát triển đề án giai đoạn 2025 – 2030 được dự tính khoảng 86.900 tỷ đồng. Bao gồm: 26.070 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương (30%); 21.830 tỷ đồng vốn tự có của DN (25%) và 39.000 tỷ đồng vay từ các TCTD (45%).
Trong giai đoạn thí điểm, các trung tâm cung ứng nông sản hiện đại đầu tiên sẽ được đầu tư xây dựng tại TP.HCM, Hà Nội và Cần Thơ. Các trung tâm thu gom nông sản sẽ thí điểm xây dựng tại Vũng Tàu, Kiên Giang; các trung tâm cung ứng nông sản đường biên sẽ được thực hiện tại các tỉnh biên giới phía Bắc như Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn. Ngoài ra, ở mỗi tình thành sẽ thí điểm xây dựng phát riêng hệ thống chợ vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm đạt mục tiêu mỗi tỉnh, thành xây dựng được 10 chợ đạt chuẩn trong giai đoạn 2025-2030.