Trung tâm tài chính bắt đầu từ fintech
Để xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế | |
Phó Thống đốc: Xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế có ý nghĩa đặc biệt |
Trong tổng số 150 công ty fintech hoạt động tại Việt Nam có 60 công ty có trụ sở ở TP. HCM |
Mới đáp ứng 4/10 tiêu chí lợi thế
Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, để trở thành một trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế, các thành phố lớn trên thế giới thường phải đáp ứng 10 tiêu chí nền tảng.
Cụ thể, các trung tâm tài chính lớn như London, Hồng Kông, Thượng Hải, Singapore… ngoài việc đáp ứng các tiêu chí về vị thế địa lý, kinh tế chính trị, thường phải đáp ứng các tiêu chí khác, như: môi trường kinh doanh thuận lợi, cởi mở; danh tiếng và quy mô thị trường lớn; đồng nội tệ có khả năng chuyển đổi tự do; tài khoản vốn được tự do hóa; môi trường pháp lý rõ ràng minh bạch; sản phẩm dịch vụ đa dạng và tin cậy; nguồn nhân lực có trình độ cao; cơ sở hạ tầng và nền tảng công nghệ thông tin, viễn thông đạt các tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại TP.HCM mới chỉ đáp ứng được 4/10 tiêu chí của một trung tâm tài chính quốc tế là vị trí, danh tiếng, môi trường kinh doanh và mức độ đa dạng sản phẩm dịch vụ tài chính. Vì vậy, theo ông Lực, mặc dù việc phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực là có cơ sở để kỳ vọng, nhưng trước mắt TP.HCM cần tập trung xây dựng để trở thành một trung tâm công nghệ tài chính (fintech) tại ASEAN.
“Mục tiêu này nếu TP.HCM quyết tâm thực hiện thì có thể sớm đạt được bởi hiện tại tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM đang cao hơn so với các thành phố khác trong khu vực, nền tảng hạ tầng, thị trường chứng khoán, thị trường thanh toán, tín dụng và kiều hối đều đang dẫn đầu cả nước, bên cạnh đó làn sóng khởi nghiệp fintech cũng đang phát triển khá mạnh”, ông Lực nói.
Đủ yếu tố của một “Fintech Hub”
Từ góc độ nghiên cứu chuyên sâu, PGS.- TS. Hoàng Công Gia Khánh thuộc Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng Trường Đại học Kinh tế - Luật cho rằng, hiện nay TP.HCM hoàn toàn có đủ điều kiện trở thành một Trung tâm Fintech (Fintech Hub) lớn của khu vực ASEAN.
Bởi đến hiện tại, trong tổng số 154 công ty fintech đang hoạt động tại Việt Nam, có đến 60 DN có trụ sở đặt tại TP.HCM. Các fintech tiêu biểu như Công ty cổ phần M_Service sở hữu ví điện tử Momo, Abivin (quản lý chuỗi cung ứng) trong thời gian vừa qua đã có sự đổi mới, phát triển vượt trội, có thể so sánh được với các “kỳ lân công nghệ” của Trung Quốc, Singapore và Mỹ (như Ant Financial. JD Finance, Robinhood…).
Ngoài ra, hiện nay tại TP.HCM bên cạnh các công ty phát triển công nghệ lâu đời trong nước như VNPT, Viettel, FPT, VNG, thị trường fintech đã thu hút được các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới như Grab, Intel, Samsung… tham gia phát triển sản phẩm dịch vụ. Hầu hết các NHTM trong hệ thống đều đã có sự kết nối, hợp tác sâu rộng với fintech. Chẳng hạn, Vietcombank đã liên kết với 30 công ty fintech; VietinBank, MB liên kết với 26 công ty. Trong khi VIB, Sacombank và VPBank cũng đã hợp tác với 25 công ty fintech để phát triển sản phẩm dịch vụ.
Bên cạnh đó, thị trường fintech tại TP.HCM cũng đã thu hút được một số tổ chức đầu tư mạo hiểm như IDG, Mekong Capital, Standard Charterd, Goldman Sachs… đổ vốn vào các DN fintech.
6 yếu tố cần đẩy mạnh
Theo TS. Khánh, để hình thành một Fintech Hub thì 6 yếu tố nền tảng cần được thúc đẩy là: khuyến khích khởi nghiệp; khuyến khích sự tham gia của các DN danh tiếng; đổi mới cách tiếp cận rủi ro; đổi mới sự hỗ trợ của chính quyền theo hướng thân thiện; tiếp cận lao động chất lượng cao và xây dựng thương hiệu cho Trung tâm Fintech.
Với những yếu tố nền tảng trên, TS. Khánh cho rằng hiện nay TP.HCM có thể trực tiếp triển khai ngay những hoạt động như: thiết lập “ngôi nhà chung” cho cộng đồng khởi nghiệp (chẳng hạn phát triển khu công nghệ cao tại Quận 9 để trở thành một Trung tâm Fintech lõi); đảm bảo duy trì thực hiện các hỗ trợ fintech khởi nghiệp (chẳng hạn mở rộng và cụ thể hóa đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025”); khuyến khích DN đầu tư phát triển, đổi mới trong nội bộ; khuyến khích về chính sách thuế, chính sách tín dụng để thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm đổ vào DN fintech…
Bên cạnh đó, để gia tăng kết hợp giữa khu vực công và khu vực tư nhân trong các dự án phát triển hệ sinh thái fintech, TP.HCM có thể đẩy mạnh xây dựng chính quyền thân thiện, thay đổi tư duy quản lý theo hướng chủ động làm việc với các DN để sẵn sàng đối thoại và xem xét điều chỉnh những pháp lý phù hợp với các mô hình kinh doanh và công nghệ mới.
Ở góc độ xây dựng thương hiệu cho Trung tâm Fintech, TP.HCM có thể phối hợp truyền thông và quảng bá để giới thiệu các mô hình fintech nổi bật. Theo đó, các website chính thức của sở, ngành và chính quyền TP.HCM cần liên tục cập nhật các thông tin liên quan đến: hệ sinh thái fintech của địa phương, các mô hình khởi nghiệp thành công, lịch trình hoạt động, sự kiện fintech, các nghiên cứu lĩnh vực fintech… Ngoài ra, mỗi năm TP.HCM nên đặt ra mục tiêu tổ chức ít nhất 1 sự kiện hội nghị về fintech để thu hút cộng đồng fintech toàn cầu đến tham gia và hợp tác đầu tư.