Phó Thống đốc: Xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế có ý nghĩa đặc biệt
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Diễn đàn |
Nâng cao hiệu quả hoạt động chu chuyển vốn
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng, việc xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế có ý nghĩa đặc biệt to lớn, là vấn đề mang tầm vóc chiến lược của quốc gia, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Ông khuyến nghị một số điểm đối với “Đề án Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”.
Thứ nhất, TP.HCM cần kiên định thực hiện hiệu quả cơ chế đặc thù theo tinh thần Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM mà địa phương đã và đang thực hiện gần 2 năm qua.
Thứ hai, TP.HCM ưu tiên tập trung vào 4 đột phá chiến lược, gồm: Thể chế, cơ sở hạ tầng (nhất là hạ tầng giao thông, logistics, công nghệ thông tin, hạ tầng thanh toán…), nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học - công nghệ.
Thứ ba, theo Phó Thống đốc, TP. HCM cần quan tâm chỉ đạo, phối hợp thực hiện hiệu quả Quyết định 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 về chiến lược phát triển ngành Ngân hàng và Quyết định 242/ QĐ-TTg ngày 28/2/2019 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”; cũng như Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện mà Chính phủ sẽ ban hành trong thời gian tới.
"Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao khả năng cung ứng dịch vụ tài chính, ngân hàng của hệ thống tổ chức tài chính trong nước nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế, đặc biệt là khi có các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường ra nước ngoài và sự gia nhập của các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế", Phó Thống đốc nói.
Thứ tư, thu hút các tổ chức tài chính quốc tế tới đặt trụ sở giao dịch và mở rộng hoạt động tại Việt Nam thông qua việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh tế - xã hội, đặc biệt là môi trường kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ để góp phần giảm chi phí giao dịch, tăng tính minh bạch và nâng cao hiệu quả hoạt động chu chuyển vốn cũng như cung cấp các dịch vụ tài chính.
Thứ năm, tạo điều kiện thu hút lực lượng chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao (nhất là trong các lĩnh vực then chốt như tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, quản lý hành chính công, giao thông, môi trường, khoa học - công nghệ….) đến sinh sống, làm việc lâu dài tại TP.HCM. Phấn đấu đưa Thành phố trở thành một trong những thành phố đáng sống và làm việc trong khu vực và quốc tế.
Riêng về phía ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết NHNN cam kết sẽ tập trung mọi nỗ lực để tạo ra một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh và thuận lợi; phát triển khu vực ngân hàng giàu năng lực cạnh tranh, hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng thời, với chức năng nhiệm vụ của mình, ngành Ngân hàng sẽ hỗ trợ phát triển thị trường các sản phẩm và dịch vụ tài chính đa dạng, đáp ứng nhu cầu của xã hội; hoàn thiện các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng thị trường tài chính…, từ đó góp phần vào việc hỗ trợ TP.HCM vươn tầm trở thành một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thực thụ.
TP.HCM đang muốn xây dựng trở thành trung tâm tài chính quốc tế - Ảnh: Lê Toàn |
Cần đặt ra lộ trình mục tiêu từng giai đoạn
Từ góc nhìn của chuyên gia, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng mặc dù mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế đã được xác định từ lâu, tuy nhiên đến nay mọi ý tưởng vẫn đang dang dở, thậm chí vai trò còn giảm dần, xét về quy mô thị trường tài chính đối với cả nước.
Theo ông Lịch, dường như ý tưởng xây dựng trung tâm tài chính TP.HCM theo định hướng của Bộ Chính trị đến năm 2020 ít được nhắc đến trong những năm gần đây.
Ông Lịch cho rằng, Đề án Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế cần được làm rõ về mặt chủ trương; xác định lại xem Đề án là sự nối tiếp công việc trước đây bị gián đoạn hay tập trung chủ yếu vào nâng vị trí, vai trò của TP.HCM với một tầm nhìn mới. Bên cạnh đó, cần làm rõ câu hỏi làm thế nào để từ ý tưởng, đề án của chính quyền TP.HCM trở thành chủ trương mang tính quốc gia, sau đó mới có thể đưa ra các giải pháp cụ thể để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và khu vực.
Từ việc nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế trên thế giới và khu vực ASEAN, ông Lịch cho rằng TP.HCM cần đặt ra lộ trình mục tiêu từng giai đoạn để xây dựng khung trung tâm tài chính quy mô lớn. Theo đó, trong giai đoạn đầu, Chính phủ cần thống nhất, xác định chủ trương chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 để triển khai các chính sách và cơ chế cụ thể.
Cũng theo ông Lịch, từ nay đến năm 2025, Đề án cần tập trung củng cố vai trò và hình thành cơ chế vận hành trung tâm tài chính lớn nhất nước, cả hạ tầng “mềm” lẫn hạ tầng “cứng” (hạ tầng đô thị và viễn thông). Từ năm 2026-2035, tiếp tục hoàn thiện cả 3 yếu tố: Thể chế, nhân lực và hạ tầng đô thị. Và từ sau 2035, tập trung hướng tới thị trường tài chính quốc tế, hội nhập toàn diện với thế giới về chính sách, cơ chế vận hành của thị trường.