Tuyên truyền chính sách BHTG: Cầu nối giữa chính sách và cuộc sống
Tuyên truyền chính sách BHTG tại Hải Dương | |
Chính sách bảo hiểm tiền gửi: Thúc đẩy sự phát triển của QTDND |
Thông qua các nghiệp vụ, trong đó có tuyên truyền, BHTGVN đã đóng góp vào việc duy trì và gia tăng niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.
Ảnh minh họa |
Nhiều hình thức đưa chính sách đến người dân
Năm 2019, các hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG đã được triển khai một cách mạnh mẽ ngay từ đầu năm. Phương tiện truyền thông chính thức của BHTGVN là website và Bản tin BHTG được cập nhật thường xuyên, đầy đủ, chính xác với nội dung bám sát các chủ trương, chính sách, định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và Ban lãnh đạo BHTGVN; kịp thời ghi nhận, theo dõi những vấn đề người gửi tiền quan tâm để tư vấn, định hướng.
Thông qua hợp tác với các cơ quan báo chí và truyền thông, trong đó có các báo trong ngành Ngân hàng, kinh tế cũng như các báo lớn, có độ phủ rộng, các thông tin cốt lõi về chính sách BHTG được truyền tải một cách linh hoạt, khéo léo tới đối tượng công chúng mục tiêu là người gửi tiền tại khu vực nông thôn, miền núi, đồng thời đảm bảo duy trì nhận thức chung của công chúng về chính sách.
Phát huy những kết quả đã đạt được khi triển khai tuyên truyền chính sách trên hệ thống bưu điện Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2019, gần 1.500 bưu điện văn hóa xã đã dán poster và gần 150 bưu điện thuộc tuyến tỉnh, huyện đã đặt standee với nội dung cốt lõi về chính sách BHTG.
Đặc biệt, đầu quý II năm 2019, sau quá trình soạn thảo một cách cẩn trọng, Cẩm nang BHTG dành cho người gửi tiền đã được Hội đồng quản trị BHTGVN phê duyệt việc ban hành và đưa vào sử dụng. Cẩm nang sẽ là tài liệu quan trọng nhằm làm căn cứ tuyên truyền, giải thích về chính sách BHTG tới công chúng; đăng tải trên các báo, tạp chí, website; xây dựng nội dung truyền thông trên các công cụ, các kênh truyền thông của BHTGVN và phương tiện thông tin đại chúng; phát cho người gửi tiền tham gia các sự kiện tuyên truyền do BHTGVN tổ chức và phối hợp tổ chức.
Tại cơ sở, các Chi nhánh BHTGVN đã tích cực, chủ động thực hiện tuyên truyền chính sách BHTG tại Hội nghị thành viên của các QTDND. Các sự kiện nhận được sự quan tâm, chú ý của hơn 7.000 đại biểu khách mời và thành viên tham dự, truyền tải được thông tin, làm rõ vai trò và ý nghĩa thực tiễn của chính sách BHTG đối với người gửi tiền.
Như vậy, qua từng sự kiện tuyên truyền chính sách BHTG, các vấn đề chính sách đã được truyền tải một cách hợp lý tới các nhóm công chúng mục tiêu. Thông qua các sự kiện tuyên truyền chính sách, sự gắn kết giữa tổ chức BHTG và người gửi tiền ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực vào hiệu quả thực thi chính sách BHTG.
Ghi nhận từ thực tế và một số đề xuất
Từ các hoạt động truyền thông được tổ chức ở cơ sở, cũng như thông qua việc lắng nghe phản hồi của công chúng, BHTGVN đã ghi nhận những phản hồi của các tổ chức tham gia BHTG cũng như của người gửi tiền.
Một là, để triển khai tuyên truyền chính sách một cách mạnh mẽ, hiệu quả, yêu cầu tiên quyết là chính sách ấy phải phù hợp với bối cảnh, điều kiện đất nước và thực tế cuộc sống. Các nội dung chính sách phải không ngừng được đối chiếu, cọ xát với cuộc sống, được tổng kết và rút kinh nghiệm ngay từ cấp cơ sở trong quá trình thực hiện.
Trong các sự kiện tuyên truyền, một nội dung thường được các TCTD cũng như người gửi tiền đề cập tới chính là đề xuất tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm. Điều này phần nào cho thấy hạn mức hiện hành chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của công chúng. Tại các quốc gia, tổ chức BHTG duy trì được một mức độ nhận thức cao trong công chúng, hạn mức trả tiền bảo hiểm cũng thường ở mức tương đối cao và đảm bảo phát huy được niềm tin của người gửi tiền nhỏ.
Hai là, việc tuyên truyền chính sách không mang tính một chiều là đưa các nội dung chính sách tới với công chúng, mà phải đảm bảo tương tác hai chiều, tiếp thu những phản hồi của các bên liên quan, từ đó tổng hợp, giải đáp hoặc đề xuất lên các cấp có thẩm quyền nhằm sớm có hướng xử lý đối với những bất cập, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của chính sách. Đối với những vấn đề phức tạp, vượt thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN, cần điều hướng các kiến nghị tới cơ quan chức năng phù hợp.
Ba là, hiện nay, nguồn lực tài chính dành cho tuyên truyền chính sách BHTG không lớn khi so với chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN cũng như kỳ vọng của Chính phủ, NHNN đối với BHTGVN trong việc gìn giữ niềm tin của người gửi tiền. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng luôn đứng trước rủi ro về niềm tin khi thông tin luôn có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, cần từng bước nâng cao kinh phí phục vụ tuyên truyền.
Đồng thời, khi hoạch định kế hoạch truyền thông tổng thể, cần phải có sự phối hợp một cách hài hòa giữa tuyên truyền phổ rộng và tuyên truyền sâu tới các nhóm đối tượng công chúng mục tiêu cụ thể. Mặt khác, nhận thức là một quá trình chứ không phải là một trạng thái. Để có thể nâng cao nhận thức công chúng, điều quan trọng mang tính nền tảng là duy trì mức độ nhận thức ấy. Đây là một nhiệm vụ nặng nề đối với công tác thông tin tuyên truyền trong bối cảnh hiện nay.
Bốn là, việc triển khai tuyên truyền chính sách cần thường xuyên được đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại, phát huy điểm tích cực, để thực hiện thống nhất trên toàn hệ thống, từng bước nâng cao hiệu quả truyền thông. Công tác khảo sát, phân tích là một công đoạn không thể thiếu khi thực hiện tuyên truyền, trong đó có đánh giá định kỳ và đánh giá theo từng chương trình.
Cuối cùng, để có thể tuyên truyền chính sách một cách hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc BHTGVN cũng như giữa BHTGVN với các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là NHNN và chi nhánh NHNN các tỉnh, tạo nên dòng thông tin thông suốt, chân thực, thống nhất về hoạt động ngân hàng. Như vậy, niềm tin của công chúng đối với hệ thống các TCTD sẽ càng được nâng cao, góp phần giữ an toàn hệ thống ngân hàng.