Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: Vì mục tiêu đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngành Ngân hàng
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: Góp phần bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống TCTD Phát triển Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tiệm cận chuẩn mực quốc tế |
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị |
Củng cố niềm tin của người gửi tiền
Nhìn lại lịch sử từ những ngày đầu thành lập đến nay, ông Phạm Bảo Lâm, Chủ tịch HĐQT BHTGVN cho biết, BHTGVN đã nỗ lực vừa xây dựng cơ chế chính sách, bộ máy tổ chức và cơ sở vật chất ban đầu, vừa bắt tay chi trả ngay cho người gửi tiền tại những QTDND bị đổ vỡ. Bảo hiểm tiền gửi đã thể hiện vai trò, củng cố niềm tin của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương.
Thông tin cụ thể hơn sau 25 năm hoạt động, ông Đặng Duy Cường, Tổng giám đốc BHTGVN cho biết, BHTGVN đã chi trả bảo hiểm cho 1.793 người gửi tiền tại 39 QTDND trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố với số tiền 26,78 tỷ đồng. Việc chi trả tiền bảo hiểm kịp thời đã thể hiện vai trò của BHTGVN trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, tạo lập niềm tin của người dân, góp phần ngăn ngừa ảnh hưởng đổ vỡ dây chuyền trong hệ thống ngân hàng. Tính đến tháng 9/2024, BHTGVN đang bảo vệ cho gần 8,9 triệu tỷ đồng của gần 124 triệu lượt người gửi tiền tại 1.278 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, bao gồm 96 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.177 QTDND, 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô.
Bên cạnh đó, thông qua các nghiệp vụ gắn liền với vòng đời của một tổ chức tín dụng như giám sát từ xa, kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo hiểm tiền gửi và kiểm tra chuyên sâu theo chỉ đạo của NHNN; cử cán bộ tham gia Ban kiểm soát đặc biệt và quản trị tại các QTDND yếu kém; chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền và tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi, BHTGVN đã có những đóng góp nhất định đảm bảo an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.
Chủ động phòng ngừa rủi ro từ sớm, từ xa
Trước những kết quả đã đạt được, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng biểu dương và ghi nhận những thành tích mà thế hệ các cán bộ lãnh đạo, người lao động tại BHTGVN đã đạt được trong suốt 25 năm qua. Để kế thừa những thành quả đạt được, tiếp tục phát huy vai trò, thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, BHTGVN cần tập trung nguồn lực, nghiên cứu chuyên sâu kinh nghiệm quốc tế, đánh giá những đặc điểm, đặc thù của Việt Nam để có những đề xuất nội dung cụ thể với các cấp có thẩm quyền đưa vào Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi (sửa đổi) trình Quốc hội; chủ động phối hợp với các đơn vị vụ, cục của NHNN Trung ương, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong quá trình tham gia kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng; kiểm soát các quỹ tín dụng, QTDND kiểm soát đặc biệt...
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay rất khác so với trước đây, kinh tế thế giới biến động khó lường, phức tạp; thế giới cũng đang đứng trước những sự thay đổi liên tục về công nghệ, đặc biệt là công nghệ tài chính cũng như các hoạt động ngân hàng... Những biến động này mang đến cả thuận lợi cũng như khó khăn. Đối với nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, những biến động từ môi trường kinh tế sẽ tác động ngay đến kinh tế, tiền tệ và hoạt động của các TCTD tại Việt Nam. Bối cảnh mới tiềm ẩn rủi ro không chỉ với tổ chức yếu kém mà ngay cả tổ chức đang hoạt động tốt. Do đó, BHTGVN cần tham mưu cho NHNN đưa quy định sát thực tế vào dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi (sửa đổi) để phòng ngừa, xử lý từ sớm, từ xa.
Bên cạnh đó, lãnh đạo NHNN đề nghị BHTGVN tiếp tục tập trung tối đa nguồn lực để đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
“NHNN mong rằng khối các cơ quan Trung ương, doanh nghiệp Trung ương sẽ tiếp tục quan tâm tới các hoạt động của BHTGVN; đồng hành cùng NHNN để hỗ trợ các hoạt động của bảo hiểm tiền gửi. Đặc biệt với các Luật mới rất cần ý kiến tham gia của các cơ quan, thẩm định của Bộ Tư pháp. Các đơn vị vụ, cục NHNN tăng cường trao đổi với BHTGVN tham mưu dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi phù hợp với tình hình mới”, Thống đốc NHNN bày tỏ mong muốn.
Trong bối cảnh mới, quy mô hoạt động của các tổ chức tín dụng ngày càng gia tăng, quy mô về dư nợ tiền gửi hơn 14 triệu tỷ đồng nhưng tổng tài sản của toàn hệ thống lên đến khoảng 17-18 triệu tỷ đồng nên đặt ra nhiều thách thức cho ngành Ngân hàng. Do vậy, vai trò của bảo hiểm tiền gửi ngày càng quan trọng hơn.
Thống đốc đề nghị tập thể lãnh đạo, người lao động BHTGVN tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm kế thừa truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Quốc hội, Chính phủ, ngành Ngân hàng tin tưởng giao phó... Tạo tiền đề để BHTGVN sẵn sàng đảm nhận những nhiệm vụ mới, vì mục tiêu đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngành Ngân hàng cũng như mục tiêu chung là phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tiếp thu chỉ đạo của Thống đốc, Chủ tịch HĐQT BHTGVN Phạm Bảo Lâm cho biết, cơ quan này sẽ tích cực nghiên cứu tham mưu cho NHNN trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để BHTGVN triển khai nghiệp vụ và tham gia có hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng
Đồng thời, BHTGVN tập trung, phát huy nguồn lực, chủ động tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để phấn đấu hoàn thành mục tiêu, lộ trình theo Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ đó, nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động của BHTGVN; chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới trong tương lai.