Tỷ giá sẽ ổn định
Ổn định nhưng không cố định | |
Điều hành chính sách tiền tệ: Nền tảng vững chắc tạo sức bật mới | |
Cơ chế tỷ giá mới: Không còn chỗ cho diễn biến tâm lý |
Chốt tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân, tỷ giá trung tâm hôm 19/2 được NHNN điều chỉnh giảm nhẹ 1 đồng, xuống 21.900 đồng/USD so với phiên liền trước. Phía các NHTM vào hôm cuối tuần qua cũng giảm giá mua - bán USD từ 10 - 20 đồng/USD.
Ghi nhận trên thị trường ngày 19/2 cho thấy, giá bán USD ở quanh mức 22.400 đồng/USD. Cụ thể, giá mua vào cao nhất trên thị trường là 22.350/USD; giá bán cao nhất là 22408 đồng/USD. Agribank trong sáng 19/2 giảm 25 đồng giá mua xuống 22.315 đồng/USD và giảm 20 đồng ở giá bán còn 22.400 đồng/USD. Một số NHTM khác như Vietcombank, BIDV... dao động mua - bán ở mức 22.330 - 22.400 đồng/USD.
Tuy nhiên, điều mà thị trường quan tâm là động thái giảm này của NHNN có báo hiệu sự chuyển hướng của tỷ giá trung tâm hay không? Bởi trong bốn phiên trước đó, tỷ giá trung tâm tăng liên tiếp sau một thời gian giảm mạnh.
Ngày 18/2, tỷ giá trung tâm áp dụng là 21.901 đồng/USD, tăng 6 đồng/USD so với phiên trước đó và tăng 40 đồng so với trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tỷ giá USD tại các NHTM lên xuống thất thường. Giá USD có tăng ở thời điểm trước ngày 19/2 nhưng không phải là xu hướng rõ rệt.
NHNN luôn có sự chuẩn bị nhất định để giữ tỷ giá không biến động quá lớn |
Theo lý giải của một số chuyên gia kinh tế, việc tỷ giá trung tâm tăng liên tiếp trong bốn phiên trở lại đây phản ánh cầu thị trường tăng lên. Trước đó, vào ngày 2/2, sau một tháng áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới, Sở Giao dịch NHNN niêm yết giá mua vào là 22.300 đồng/USD, giá giao dịch của các NHTM trên thị trường cũng chủ yếu xoay quanh mức này. NHNN đã có động thái mua vào ngoại tệ để bù đắp dự trữ ngoại hối sau thời gian bán ra can thiệp vào cuối năm 2015. Thực tế, từ cuối tháng 1/2016, NHNN cũng tiến hành mua ròng ngoại tệ từ NHTM.
Bên cạnh đó, khoảng tháng 1 và đầu tháng 2/2016 cũng là thời điểm sắp kết thúc năm cũ tính theo âm lịch. Tâm lý của người Việt và một số DN trong khu vực là muốn hoàn thành nốt những việc dang dở để đón năm mới kinh doanh may mắn, suôn sẻ hơn. Thưởng Tết cũng là một thông lệ trong dịp này. Chính vì thế, không chỉ cầu VND tăng mà cả cầu USD cũng tăng.
Ngược lại, những ngày đầu năm mới, với tâm lý gửi tiền để nhận lộc, cộng thêm việc các NHTM đồng loạt lì xì khách hàng để thu hút VND khiến người dân đua nhau gửi tiết kiệm. Nguồn tiền của các NHTM vì thế cũng dồi dào hơn trước.
Các chuyên gia nhận định: Việc tăng, giảm của tỷ giá trên thị trường trong thời gian vừa qua là không bất thường, khi NHNN chủ đích điều hành tỷ giá ngày càng linh hoạt, bám sát với diễn biến thị trường, triệt tiêu tác động tâm lý ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường ngoại hối để dần giải quyết triệt để tình trạng đô la hóa… Bản thân các NHTM cũng quen với việc này, nên tuy tỷ giá có dấu hiệu tăng nhưng họ đều trong tâm thế sẵn sàng đón nhận xu hướng thị trường ngoại hối sẽ sớm ổn định trở lại.
Có thể thấy rằng, sau khi NHNN áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới, giao dịch trên thị trường khá ổn định. Việc đầu cơ, găm giữ ngoại tệ cũng được hạn chế đáng kể, thanh khoản dư khi nguồn cung được cải thiện. Nhưng các chuyên gia đánh giá, áp lực mất giá tiền đồng so với USD trong thời gian tới vẫn còn. Trong báo cáo mới nhất của Khối Nghiên cứu kinh tế HSBC, NH này dự báo giá USD sẽ giữ nguyên ở mức 22.500 đồng/USD hết quý I/2016 và tăng dần lên 23.000 đồng/USD vào cuối năm nay.
Ở một góc nhìn khác, Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng cho rằng, áp lực lên đồng Việt Nam và dự trữ ngoại tệ trong năm 2016 là khá lớn, đến từ nhiều lý do. Như việc USD có thể tăng giá so với các đồng tiền khác, khi nền kinh tế Mỹ hồi phục; hay CNY cũng sẽ có điều chỉnh nhất định do quan điểm điều hành muốn duy trì và phục hồi hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc...
Nhiều dự báo khác cũng đồng tình với quan điểm cho rằng, lộ trình của tỷ giá năm 2016 sẽ có nhiều biến động hơn trước, do nền kinh tế thế giới chắc chắn sẽ có những dịch chuyển mạnh mẽ và khó lường. Nhưng, NHNN cũng đã có những sự chuẩn bị, tiến hành đồng bộ các giải pháp nhất định ở từng thời điểm trong việc đối diện trước các “rung chấn” của thị trường tài chính toàn cầu; đảm bảo cân bằng thị trường trong nước, mặt bằng lãi suất trung và dài hạn cố gắng giảm nhẹ và kiểm soát tỷ giá không biến động quá lớn…