Ổn định nhưng không cố định
Một bước lên thị trường | |
Cách thức điều hành tỷ giá mới được các chuyên gia đánh giá cao | |
Điều hành tỷ giá: Thả nổi có quản lý | |
Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với bối cảnh quốc tế |
Khá lâu rồi cụm từ “con ngựa bất kham” đã không còn được nhắc đến mỗi khi đề cập đến vấn đề tỷ giá. Ổn định thị trường ngoại hối, thị trường ngoại tệ tự do bị thu hẹp, tình trạng đầu cơ găm giữ ngoại tệ cơ bản được giải quyết, có thể xem là điểm nhấn thành công trong điều hành chính sách tỷ giá của NHNN năm 2015. Vị thế và lòng tin vào VND ngày càng được củng cố, tình trạng đô la hóa giảm mạnh.
Trong “động” có “tĩnh”
Từ năm 2011, trong điều hành năm nào NHNN cũng đưa ra mục tiêu điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô. Nhưng đồng thời Thống đốc NHNN cũng cam kết mức điều chỉnh tỷ giá tối đa cho mỗi năm. Đó chính là trong “động” có “tĩnh”. Linh hoạt với giải pháp, nhưng kiên định với mục tiêu, NHNN đã từng bước đạt được những gì mong muốn.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính-ngân hàng, có được những thành quả này một phần quan trọng là nhờ NHNN đã áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt và sát với thị trường hơn.
Đơn cử trong suốt 5 năm qua, chúng ta không còn thấy tình trạng “đến hẹn lại lên” là tỷ giá cứ nóng dần và kéo theo đó VND lại phải có những cú điều chỉnh lớn như hơn 9% vào năm 2011. Từ tháng 8/2011 đến tháng 12/2015, việc NHNN chủ động đưa ra các cam kết duy trì ổn định tỷ giá, có các thông điệp về mức độ điều chỉnh tỷ giá đã giúp tạo ra tâm lý ổn định đối với rủi ro tỷ giá, qua đó kiểm soát kỳ vọng, giúp DN chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng như thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Đáng chú ý, cùng với điều hành tỷ giá NHNN cũng kết hợp với nhiều công cụ và giải pháp đồng bộ khác như kiểm soát lạm phát, ổn định theo hướng giảm dần mặt bằng lãi suất, tiếp tục nỗ lực chống đô la hóa… để đảm bảo thực hiện được mục tiêu đề ra. Chính nhờ sự quyết liệt và đồng bộ từ chủ trương, thông điệp đến các giải pháp triển khai nên câu chuyện về đầu cơ, lướt sóng tỷ giá vốn phổ biến những năm trước đây nay đã giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tỷ giá trong những giai đoạn cần thiết chỉ ở các mức nhỏ chứ không mang tính “giật cục” cũng giúp giảm bớt đi những rủi ro và thị trường không còn bị “sốc” như trước đây. Công tác truyền thông đến thị trường và người dân cũng được NHNN triển khai bài bản và kịp thời hơn, qua đó cũng góp phần rất quan trọng trong ổn định tỷ giá thời gian qua.
Câu chuyện về đầu cơ, lướt sóng tỷ giá vốn phổ biến những năm trước đây nay đã giảm đáng kể |
Nếu nói về biến động tỷ giá đáng chú ý nhất tại Việt Nam trong suốt gần 5 năm qua thì có lẽ chỉ có thời điểm tháng 8/2015 – sau khi Trung Quốc điều chỉnh mạnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ.
Trước động thái này của Trung Quốc, cũng như khả năng đã rất gần đến thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có lần tăng lãi suất thực sự lần đầu tiên, NHNN đã chủ động điều chỉnh tỷ giá và biên độ giao dịch, qua đó giúp tạo ra dư địa đủ lớn để linh hoạt hơn trong đối phó trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế, đảm bảo lợi ích tổng thể của nền kinh tế.
Các động thái điều chỉnh tỷ giá đã được Chính phủ, và các tổ chức quốc tế ủng hộ, đánh giá cao. "NHNN đã hành động thận trọng và kịp thời. Chúng tôi ủng hộ biện pháp kịp thời của NHNN trước việc Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ. Đây là giải pháp phù hợp để điều hành thị trường” - ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nêu quan điểm.
Còn theo góc nhìn của ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, với mục tiêu hỗ trợ năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam và phản ứng trước xu thế mất giá của các đồng tiền châu Á khác, NHNN đã điều chỉnh một cách linh hoạt tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng USD trong năm 2015. "Sự điều chỉnh này là cần thiết để cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường ngoại hối và hỗ trợ xuất khẩu, duy trì tăng trưởng” – vị này nhận định.
Hóa giải những thách thức lớn hơn
Dù đạt được những thành công nhất định trong điều hành tỷ giá, nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế đây chỉ là bước đầu. Những diễn biến trên thị trường tiền tệ thế giới sẽ còn rất phức tạp, tác động không nhỏ đến thị trường tiền tệ trong nước. Chính vì thế, chúng ta cần một cơ chế điều hành tỷ giá mới, phù hợp hơn cho giai đoạn hội nhập tới đây.
Hơn nữa, theo TS. Cấn Văn Lực, phương thức điều hành tỷ giá cũ của NHNN có phần cứng nhắc. Đơn cử, khi NHNN cam kết biến động tỷ giá không quá 2-3%/năm điều này rất tốt giúp sớm ổn định tâm lý, thị trường và hạn chế rủi ro tỷ giá, qua đó giúp DN xây dựng sát hơn kế hoạch kinh doanh của mình. Nhưng cũng chính vì vậy mà DN dường như có tâm lý ỷ lại, "phó mặc” câu chuyện rủi ro tỷ giá cho phía cơ quan điều hành chính sách.
"Vô hình trung, quả bóng biến động tỷ giá được đẩy sang sân của cơ quan điều hành chính sách. Mà như thế xét về lâu dài là không ổn” – TS. Lực nhìn nhận.
Mặt khác, thực tế diễn biến thị trường ngoại hối toàn cầu khá bất thường trong năm vừa qua cũng như dự báo tiếp tục phức tạp trong năm 2016 này cho thấy, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách thức điều hành tỷ giá.
"Trong bối cảnh giá đồng USD trên thị trường thế giới tăng lên, NHNN cần có những biện pháp điều hành linh hoạt theo mục tiêu đề ra. Việt Nam sẽ cần phải đảm bảo giữ tỷ giá hối đoái ổn định nhưng cũng linh hoạt để có thể duy trì được khả năng cạnh tranh khi phải đối mặt với những diễn biến hết sức năng động trên toàn cầu hiện nay” – ông Eric Sidgwick đưa ra khuyến nghị với NHNN không lâu trước khi NHNN áp dụng cơ chế điều hành mới.
Cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm mà NHNN vừa đưa vào áp dụng, tính linh hoạt trong điều hành tỷ giá sẽ cải thiện đáng kể. Do tỷ giá trung tâm có thể biến động hàng ngày nên sự "trườn bò” của tỷ giá sẽ khó đoán định hơn, qua đó sẽ giúp giảm mạnh hơn nữa tâm lý đầu cơ, đồng thời cũng cho thấy quyết tâm của NHNN trong lộ trình chống đô la hóa, nâng cao niềm tin vào tiền đồng.
Việc chuyển sang cơ chế mới này không phải là điều gì đó quá bất ngờ. Bởi nếu nhìn lại lộ trình của điều hành tỷ giá gần đây, thì thấy việc NHNN sử dụng tỷ giá trung tâm chỉ là bước đi tiếp sau các biện pháp đồng bộ đã được thực hiện trong thời gian qua.
Tất nhiên còn quá sớm để nói rằng cơ chế điều hành mới này là hiệu quả và ưu việt nhất. Nhưng rõ ràng, nếu nhìn vào lộ trình mà NHNN đang tiến bước, có thể khẳng định đây là một bước tiến nữa rất phù hợp và cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập và mở cửa ngày càng sâu rộng hiện nay.
Theo TS. Cấn Văn Lực, cùng với cơ chế điều hành mới trên, NHNN sẽ phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để sớm phát triển thị trường phái sinh, giúp DN và NH đối phó tốt hơn với các rủi ro, đặc biệt là rủi ro về tỷ giá và lãi suất.
Đồng thời, cần tiếp tục phải phối hợp với các công cụ khác để đảm bảo mức độ ổn định nhất định của tỷ giá. Còn đối với các NHTM và DN – đối tượng chịu tác động chính từ phương thức điều hành tỷ giá mới của NHNN sẽ phải linh hoạt, chủ động hơn, theo dõi sát các điều chỉnh của NHNN hàng ngày để có quyết định hợp lý.
Nếu NHNN áp dụng một luật chơi mới cởi mở hơn, tạo sự linh hoạt hơn thì chẳng lý gì các NHTM và DN có thể đứng ngoài luật chơi này. Hơn nữa, đã đến lúc họ phải biết tính toán, sử dụng các sản phẩm phái sinh để phòng ngừa rủi ro tỷ giá nhiều hơn - việc mà các đối tác nước ngoài của chúng ta đã thành thục từ lâu.