Cơ chế tỷ giá mới: Không còn chỗ cho diễn biến tâm lý
Tỷ giá trung tâm linh hoạt theo cung cầu thị trường | |
Cơ chế tỷ giá mới với những tín hiệu thành công ban đầu | |
Doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong phòng ngừa rủi ro tỷ giá |
Trước đây, mỗi năm NHNN thường điều chỉnh tỷ giá 1 đến 3 lần/năm và thường là điều chỉnh tăng. Chính vì thế, mỗi lần thị trường có biến động, dư luận đều thấp thỏm chờ xem động thái của NHNN với việc điều hành tỷ giá giữa VND và USD sẽ diễn biến như thế nào khiến thị trường luôn có tâm lý kỳ vọng. Từ 4/1/2016, NHNN áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới với việc công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày. NHNN đã khởi đầu bằng con số 21.896 đồng/USD.
Con số, theo NHNN là được tính toán dựa trên nhiều yếu tố: diễn biến tỷ giá bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng; diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam; các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ…
Cơ chế điều hành mới được đánh giá mang tính thị trường cao, tạo sự linh hoạt hơn cho cả NHTM và DN. Song, không ai có thể nghĩ, chỉ sau 1 tháng tỷ giá VNĐ/USD lại giảm mạnh như vậy.
Cơ chế điều hành tỷ giá mới được đánh giá mang tính thị trường cao, tạo sự linh hoạt hơn cho cả NHTM và DN |
Thực tế cho thấy, một tháng kể từ khi áp dụng cơ chế điều hành mới với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam (VNĐ) với USD công bố hàng ngày trong biên độ +/-3%, tâm lý thị trường đón nhận tích cực, thích ứng nhanh.
Tỷ giá linh hoạt tăng/giảm hàng ngày theo diễn biến cung - cầu ngoại tệ trong nước, biến động trên thị trường thế giới; thanh khoản thị trường ngoại tệ ổn định. Tại thời điểm 29/1- ngày công bố tỷ giá trung tâm cuối cùng trong tháng NHNN niêm yết ở mức 21.881 đồng VND/USD, giảm 5 đồng so với ngày 28/1, và cũng là mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới.
Trên thị trường, tỷ giá được các NHTM niêm yết phổ biến: mua vào 22.215 đồng/USD, bán ra 22.260 đồng/USD, giảm 170 đồng/USD so với thời điểm đầu tuần. Cả tuần trước đó, là chuỗi ngày giảm mạnh của tỷ giá. Tính chung từ 25/1 - 29/1, giá niêm yết đồng bạc xanh tại các NHTM giảm tổng cộng 105 đồng ở cả hai chiều mua và bán. Nếu so với ngày 4/1, giá USD đã giảm 255 đồng. Kể từ ngày đầu tiên áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới, NHNN đã có 6 lần điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm, 12 lần giảm, còn lại giữ nguyên.
Tỷ giá “hạ nhiệt” đáng kể trong hơn tuần qua, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, là do nguồn cung USD trên thị trường tương đối dồi dào. Có hai yếu tố được cho là đã tạo nguồn cung ngoại tệ khá lớn: vốn FDI và lượng kiều hối ồ ạt chảy về Việt Nam.
Theo báo cáo được Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, chỉ tính ngay trong tháng đầu năm 2016, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1.334 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, vốn đăng ký mới là 1.011 tỷ USD của 127 dự án mới.
Bên cạnh đó, chỉ còn chưa đầy một tuần là đến Tết Nguyên đán, nên đây chính là thời điểm kiều hối dồn về mạnh nhất, kể từ cuối quý IV/2015. Cuối năm 2015, theo báo cáo của WorldBank, lượng kiều hối đổ về Việt Nam sẽ đạt khoảng 12,25 tỷ USD, đứng thứ 11 thế giới, cao hơn năm 2014 (12 tỷ USD).
Nguồn cung dồi dào, song yếu tố tác động mạnh đến việc tỷ giá giảm chính do cầu ngoại tệ không bị dồn ứ vào cùng một thời điểm. Và quan trọng hơn cả, thị trường không còn bị chi phối bởi yếu tố tâm lý – yếu tố khó đo lường và đáng ngại nhất trong điều hành tỷ giá của NHNN.
Cách thức điều hành tỷ giá mới của NHNN đã khiến cho việc đầu cơ trong nước giảm đi đáng kể, tình trạng “găm” ngoại tệ chờ tỷ giá đã không còn phố biến. DN cũng như các TCTD đã chủ động hơn với hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan tới ngoại tệ. Cơ chế điều hành mới cũng đã tạo điều kiện hỗ trợ tích cực cho phát triển thị trường phái sinh ngoại tệ, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa rủi ro tỷ giá của các TCTD cũng như của DN; tăng tính thanh khoản và phát triển thị trường tài chính.
Một chuyên gia tài chính cho rằng, mục tiêu mà NHNN đưa ra khi áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới đã cơ bản đạt được.
Khởi đầu tốt, nhưng “đường dài mới biết ngựa hay”. Nhưng những yếu tố khó lường của thị trường tài chính thế giới trong thời gian tới như việc FED tăng lãi suất, thị trường chứng khoán Trung Quốc, diễn biến CNY… là những áp lực sẽ tác động tới nền kinh tế cũng như thị trường tài chính của Việt Nam. Việc này đòi hỏi NHNN phải đặc biệt quan tâm tới công tác dự báo, để lường được tối đa những rủi ro có thể xảy ra, có giải pháp tháo gỡ, đảm bảo mục tiêu đề ra trong điều hành chính sách tiền tệ trong lâu dài.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định: Điều hành theo cách thức mới, tỷ giá sẽ được phản ánh linh hoạt hơn, phù hợp hơn với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế. Việc công bố tỷ giá trung tâm cũng là bước đi tiếp theo trong các biện pháp đồng bộ được NHNN triển khai nhằm thực hiện mục tiêu xuyên suốt là nâng cao vị thế của VND, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. |