Ứng xử với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Nguy cơ về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lại nóng | |
Những đồng tiền nào sẽ biến động mạnh nếu xảy ra cuộc chiến thương mại? |
Ông Huỳnh Thế Du |
Đây là quan điểm được ông Huỳnh Thế Du - Giảng viên Trường chính sách công và Quản lý Fulbright đưa ra khi trao đổi với Thời báo Ngân hàng.
Đánh giá của ông về khả năng có thực sự xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?
Nó đang xảy ra rồi, vấn đề chỉ là quy mô, mức độ sẽ thế nào thôi.
Mức độ sẽ thế nào theo góc nhìn của ông?
Thực ra cần nhìn bức tranh rộng hơn một chút. Trong mấy chục năm qua, kiến trúc sư trưởng hay đạo diễn đứng đằng sau các thiết chế trên toàn cầu là Mỹ. Trong vai trò ấy, Mỹ có một số lợi thế của người đứng đầu, nhưng cũng phải chịu những gánh nặng của người dẫn đầu. Mặt khác, một đặc điểm dễ thấy nữa trong mô hình chính trị của Mỹ, có lợi thì họ không “kêu la” nhưng trước những khó khăn, thất bại thì bên này, bên kia trong nền chính trị Mỹ sẽ căn cứ vào đó để khai thác; những gì mà Mỹ coi là “đang phải chịu gánh nặng” thì thường được tô đậm. Chính quyền hiện tại của Tổng thống Donald Trump đang theo xu hướng đó. Khi lên nắm quyền, ông ấy tuyên bố “đập bỏ” một loạt các thiết chế toàn cầu, hủy bỏ một loạt thỏa thuận của Mỹ với các nước khác. Thêm một điều nữa là Mỹ luôn có tư tưởng ngoại lệ, luôn coi mình là số 1, là lãnh đạo thế giới nên họ muốn làm theo ý họ.
Nhưng tôi cho rằng điều đó bây giờ không còn đúng nữa. Do vậy, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc xảy ra dù tất nhiên điều đó sẽ cả đôi bên, thậm chí là kinh tế thế giới đều chịu thiệt hại.
Chính sách thương mại phải hết sức linh hoạt, uyển chuyển |
Vậy tác động thế nào tới Việt Nam, theo ông?
Với Việt Nam thì vừa có cái lợi vừa có cái hại. Lợi là nếu Việt Nam không bị Mỹ gắn cho cái mác là “nơi trung chuyển hàng hóa của Trung Quốc” thì lúc đó “khoảng không” vào thị trường Mỹ sẽ mở thêm ra cho chúng ta.
Nhưng nếu bị đưa vào danh sách các nước gây thâm thủng thương mại của Mỹ, lúc đó Việt Nam lại gặp phải bất lợi. Tuy nhiên tôi cho rằng tác động thương mại dù có những rủi ro theo hướng tiêu cực nhưng sẽ không nhiều và mọi chuyện với kinh tế Việt Nam vẫn ổn.
Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc là những thị trường xuất - nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Vấn đề này là tương đối khó. Như muốn giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc, chúng ta cần phải đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, lúc đó Trung Quốc sẽ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất thế giới của Việt Nam ngay. Nhưng xuất sang Trung Quốc thì lại không phải là đa dạng hóa thị trường rồi? Nên về lý thuyết, việc đa dạng là cần thiết, nhưng rõ ràng là vẫn cần phải tăng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Còn quan điểm cần thúc đẩy thêm các FTA với các nước khác để đa dạng hóa thị trường thì Việt Nam đã đi tiên phong trong việc ký các FTA rồi, kinh tế Việt Nam cũng đã rất mở rồi, vấn đề chỉ là thực thi thôi.
Nhưng cuộc chiến tranh thương mại này có tác động gì đối với thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam? Như việc thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam giảm mạnh gần đây, một trong những nguyên nhân được đưa ra là do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung?
Cái đó thì đúng rồi. Vì những thông tin như thế là thông tin tiêu cực khiến TTCK toàn cầu giảm. Khi chiến tranh thương mại xảy ra thì nước nào cũng muốn dựng rào cản khiến hàng hóa lưu thông không tốt, chi phí tăng lên dẫn đến lợi nhuận của các DN giảm. Khi lợi nhuận DN giảm thì chứng khoán giảm. Đó là một cái logic sẽ xảy ra như thế, nên TTCK Việt Nam giảm thì cũng trong xu hướng toàn cầu.
Vậy ở góc độ vĩ mô, chúng ta cần làm gì để hóa giải với những tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại này?
Có nhiều việc cần làm nhưng có hai điểm quan trọng cần chú ý. Thứ nhất là về mặt kinh tế, chúng ta phải cực kỳ lưu ý đến những hàng hóa từ Trung Quốc để tránh bị gán mác là nơi trung chuyển hàng hóa của Trung Quốc, bởi lúc đó có thể bị Mỹ áp thuế giống Trung Quốc.
Thứ hai là phải chú ý đến và tiếp tục việc đảm bảo ổn định KTVM và MTKD, đặc biệt cần lưu ý chu kỳ khủng hoảng 10 năm bởi đà tâm lý luôn rất quan trọng. Nếu bây giờ để bất ổn vĩ mô, như lạm phát bùng lên hay là đổ vỡ ở thị trường này, thị trường kia thì công sức ổn định KTVM trong mấy năm qua coi như là đổ xuống sông, xuống biển.
Việc tập trung vào ổn định KTVM và cải thiện MTKD trong những năm qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, việc định hình Chính phủ kiến tạo và xác định Nhà nước chỉ làm những gì mà thị trường gặp trục trặc hoặc không có động cơ làm của Chính phủ mới trong hai năm qua là hết sức hợp lý.
Tôi tin nếu đà này giữ được thì những kết quả khả quan sẽ chờ đón ở phía trước. Tuy nhiên, thực tế nhìn lại trong hơn bốn thập kỷ qua, cái “dớp” khủng hoảng và chu kỳ trục trặc 10 năm đã luôn xảy ra (khi nhìn lại những năm có đuôi số 9: 1979; 1989; 1999; 2009). Bởi vậy cần hết sức thận trọng để tránh sự lạc quan thái quá dẫn đến trục trặc.
Do vậy, tránh những bất ổn vĩ mô có thể xảy ra trong vòng hai năm tới nên là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Rút kinh nghiệm từ những lần trước, nhất là lần gần đây nhất thì các nhà hoạch định cũng như điều hành chính sách Việt Nam cần hết sức thận trọng để có những chính sách kiềm chế sự hưng phấn quá mức của các thị trường tài sản.
Xin cảm ơn ông!
Theo Bộ Công thương Việt Nam, hiện nay cả Mỹ và Trung Quốc chưa áp dụng chính thức việc đánh thuế lẫn nhau mà phải đợi tới đầu tháng 7 (thời gian vừa qua Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần thay đổi các quyết định của mình). Do đó, chúng ta cũng không nên phản ứng thái quá mà cần theo dõi sát tình hình, đánh giá chi tiết tác động cụ thể, cả về tổng thể và theo từng lĩnh vực, để có biện pháp ứng phó. |