VBF 2018: Khắc phục trở ngại đối với doanh nghiệp
VBF 2018 có chủ đề "Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu" với ba phiên thảo luận chính, gồm các phiên: nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nâng cao kiến thức phục vụ ngành công nghiệp hiện đại và khắc phục những trở ngại đối với doanh nghiệp.
Hai vị đồng Chủ tịch cho rằng bức tranh kinh tế của Việt Nam khá lạc quan, có thể tin tưởng năm 2019 kinh tế vẫn phát triển thuận lợi. Cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Đặc biệt, theo ông Tomaso Việt Nam đang làm rất tốt việc chống tham nhũng với nhiều chế tài, biện pháp được áp dụng. Bên cạnh đó là những kết quả từ nỗ lực cải cách tạo nên những chuyển biến rất tích cực về môi trường kinh doanh.
Trong đó, phải kể đến cuộc cách mạng chưa từng có với yêu cầu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Và đến 31/10 thì yêu cầu này đã hoàn thành trên văn bản, nếu đi vào thực thi thật tốt thì sẽ cởi trói cho doanh nghiệp, loại bỏ được nhiều giấy phép con.
Cả hai vị đồng Chủ tịch cùng cho biết các doanh nghiệp và đối tác nước ngoài vẫn thấy Việt Nam là điểm đến đầu tư. Đặc biệt là với những doanh nghiệp đã đầu tư vào Trung Quốc, nay để tránh hệ quả cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, nhiều doanh nghiệp đang tính đến việc sẽ rút khỏi Trung Quốc và Việt Nam là điểm đến được xếp hàng đầu.
“Một phần ba nhà đầu tư Mỹ đã hoặc đang có ý định chuyển ra khỏi Trung Quốc và tìm các địa điểm lân cận, trong đó có Việt Nam”, ông Tomashu cho biết.
Theo khảo sát của PwC thực hiện với 1.189 lãnh đạo doanh nghiệp tại 21 nền kinh tế thuộc APEC cho thấy Việt Nam, năm thứ 2 liên tiếp, dẫn đầu APEC trong thu hút vốn đầu tư xuyên biên giới.
Bên cạnh những nỗ lực cải cách, một trong những lý do quan trọng mà Việt Nam được coi là điểm đến hàng đầu đó là niềm tin vào Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã hoàn tất phần đàm phán, rà xét, trình lên Hội đồng châu Âu để ký kết và phê chuẩn. Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua CPTPP.
“40% doanh nghiệp tin rằng doanh thu tăng lên nhờ các Hiệp định thương mại tự do”, ông Lộc cho biết. Các Hiệp định này không chỉ mang lại những cơ hội về kinh tế mà còn là động lực để cải cách thể chế, không phải chỉ thể chế kinh tế đơn thuần mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như lao động, việc làm...
“Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là cơ hội. Vẫn nhiều vấn đề khiến doanh nghiệp lo ngại”, ông Lộc nói. Những lo ngại đó là vấn đề giấy phép con, điều kiện kinh doanh, nguồn nhân lực chất lượng và hành lang pháp lý cho hợp tác công - tư để có nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng...
Ông Tomaso Andreatta cho biết thêm, tuy đã có cuộc cách mạng chưa từng có nhưng cải cách thể chế, giấy phép con vẫn là vấn đề muôn thuở, đến nay vẫn có khoảng cách giữa báo cáo của các cơ quan chính quyền và cảm nhận của doanh nghiệp về cải cách.
“Theo báo cáo thì chính quyền đã làm hết sức mình, nhưng cộng đồng doanh nghiệp và người dân không cảm nhận được điều đó. Làm thế nào để khép lại khoảng cách đó là vấn đề rất quan trọng”, vị đồng Chủ tịch phía Việt Nam, TS. Vũ Tiến Lộc phát biểu.
Kết quả khảo sát vẫn cho thấy, vẫn có 58% doanh nghiệp đang phải xin các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện và 42% doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn khi xin phép.
Chính vì vậy ông Lộc nhấn mạnh: “Chìa khóa để tận dụng xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu vẫn phụ thuộc vào nỗ lực cải cách thể chế trong nước”. Vị Chủ tịch VCCI kể, khi đi tiếp xúc với nhiều bộ ngành, ông thấy nhiều cán bộ tự hào nói chỉ số bộ ngành đó đã đạt mức trung bình thế giới.
“Nếu bằng lòng với mức trung bình thế giới thì ta mãi ở mức thu nhập trung bình. Muốn vượt bẫy thu nhập trung bình, muốn tăng trưởng bền vững thì thể chế phải vượt được chất lượng thể chế trung bình và cần phải có thể chế vượt trội”, ông Lộc nhấn mạnh. “Đây chính là mong muốn thôi thúc mà doanh nghiệp đem đến VBF 2018 và kỳ vọng nó sẽ thành hiện thực ở năm 2019”.