Vì sao chợ truyền thống đuối sức?
Theo Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, trong gần hai tuần từ ngày 5 – 13/5/2015, thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu tại TP. Hồ Chí Minh không có biến động đáng kể. Ở ba chợ đầu mối lớn là Bình Điền (Q. 8). Hóc Môn và Thủ Đức lượng hàng về chợ ổn định từ 8.000 – 10.000 tấn/ngày.
Giá bán sỉ hầu hết các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu như gạo, đường, thịt gia súc gia cầm, trứng, thủy hải sản đều tăng giảm nhẹ không đáng kể. Chỉ có giá bán các mặt hàng rau, củ tại chợ đầu mối Thủ Đức tăng, giảm dưới 30% so với tuần trước (riêng một số loại như cà chua giá tăng 43,9%, cải thảo tăng 35%...). Giá bán các mặt hàng trái cây tại chợ đầu mối Thủ Đức cũng tăng giảm mạnh dưới 20% so với tuần trước.
Chợ không sợ thiếu hàng, chỉ lo không có người mua |
Trong 10 ngày đầu tháng 5/2015, đoàn kiểm tra chấp hành pháp luật về giá của Thanh tra Sở Tài chính đã tiến hành kiểm tra tại 102 siêu thị, 35 chợ, 18 tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng sữa cho thấy, tại các siêu thị, đại lý, cửa hàng có treo băng rôn hàng bình ổn, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Tại các chợ, các tiểu thương chấp hành việc niêm yết giá các mặt hàng tương đối đầy đủ.
Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở Ban quản lý các chợ thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật về giá cho tiểu thương. Tình hình giá cả hàng hóa trong 10 ngày đầu tháng 5/2015 tiếp tục ổn định. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng đầy đủ, không có tình trạng khan hiếm hàng hóa làm giá cả tăng đột biến.
Từ nửa cuối tháng 5/2015, đoàn kiểm tra chấp hành pháp luật về giá của Thanh tra Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp các đoàn kiểm tra liên ngành về giá, tiến hành kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các điểm bán lẻ, chợ truyền thống, siêu thị, chợ đầu mối, nơi mua bán tập trung, các bến xe, các khu vui chơi giải trí và các điểm kinh doanh mặt hàng tham gia Chương trình bình ổn giá đóng trên địa bàn thành phố. Cho đến thời điểm ngày 13/5/2015 thì mặt bằng giá hàng hóa trên địa bàn thành phố chưa có biến động.
Ông Lê Quang Thiện, Trưởng Ban Quản lý chợ Bến Thành cho biết, mặc dù diện mạo quầy sạp hàng hóa tại chợ Bến Thành đã hiện đại và đẹp vào bậc nhất trong các chợ của thành phố, nhưng như vậy cũng chỉ thu hút khách du lịch vãng lai, mức độ mua sắm giới hạn.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam thì bức tranh các kênh mua sắm như đại siêu thị, siêu thị, trung tâm thương mại… trong bốn tháng đầu năm 2015 đang lấy lại đà tăng trưởng, với mức tăng 7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, do đã tiếp cận ngày càng sát với thực tế tiêu dùng của người dân.
Ngược lại, sức mua ở chợ truyền thống đang bị chững lại, bởi người tiêu dùng Việt Nam hiện có nhiều kênh mua sắm hơn để lựa chọn (siêu thị, chợ mua sắm trực tuyến…). Theo ông David Anjoubault, Tổng Giám đốc Kantar Worldpanel Việt Nam, người tiêu dùng Việt đã có nhiều hơn sự lựa chọn trong mua sắm, vì vậy, việc giá tăng có gây áp lực, nhưng không đủ kéo cả thị trường giảm sức mua.
Vấn đề là tổng cầu ở thị trường bán lẻ Việt Nam đã giảm sút trong một thời gian dài, nay vừa phục hồi ở mức thấp, thì lại vướng vào giá các mặt hàng nhiên liệu tăng, khiến người tiêu dùng phản ứng co cụm lại. Kênh phân phối nào yếu sẽ bị chi phối ngay lập tức.