Vì sao Trung Quốc hắt hơi, toàn cầu ốm?
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc. Theo số liệu thống kê mới nhất, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 6,2% trong quý II vừa qua, yếu nhất kể từ khi Chính phủ Trung Quốc bắt đầu công bố dữ liệu hàng quý vào năm 1992 mà một trong những nguyên nhân là cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế toàn cầu. Sở dĩ như vậy là bởi với quy mô 14 nghìn tỷ USD, đứng thứ hai sau Mỹ, Trung Quốc đang là một động lực quan trọng đối với kinh tế toàn cầu. Nếu sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc đột ngột tăng tốc, có thể kéo giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ảnh minh họa |
Thoạt nhìn, dường như không có gì phải lo lắng khi mà tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc vẫn gấp hơn hai lần tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc đang phải gánh trên vai núi nợ khổng lồ mà theo ước tính của Bloomberg Economic nó có thể vượt trên 300% GDP vào năm 2022. Một tốc độ tăng trưởng nhanh có thể tạo ra lợi nhuận và doanh thu thuế cần thiết; còn nếu tăng trưởng chậm lại sẽ thách thức khả năng trả nợ của cả Chính phủ lẫn hộ gia đình và DN, thậm chí có thể khiến núi nợ tăng nhanh hơn, gây nhiều rủi ro không chỉ đối với Trung Quốc.
Trên thực tế, sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc cũng đang gây ra nhiều hiệu ứng tiêu cực không chỉ với các DN của Trung Quốc. Chi tiêu tiêu dùng chậm hơn tại quốc gia đông dân nhất nhì hành tinh này đã ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận của nhiều công ty đa quốc gia bao gồm Apple Inc. và Prada SpA.
Chưa hết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung còn đang ngáng trở thương mại toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều quốc gia phụ thuộc xuất khẩu. Chẳng hạn tăng trưởng GDP quý II của Singapore - một quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, giảm mạnh nhất kể từ năm 2012. Trên khắp châu Á và châu Âu, hoạt động của nhà máy đã giảm trong tháng 6, trong khi tăng trưởng GDP quý II của Mỹ cũng chậm lại.
Vậy tại sao tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại? Theo các chuyên gia kinh tế, ngay cả khi không xảy ra cuộc chiến thương mại với Mỹ, thì Trung Quốc cũng không thể duy trì mãi tốc độ tăng trưởng rất cao trong giai đoạn trước đó được. Đơn giản là bởi dân số bị già hóa khiến lực lượng lao động giảm sút. Trong khi hoạt động đầu tư ngày càng khó khăn hơn; rồi núi nợ khổng lồ cũng có nghĩa hoạt động chi tiêu sẽ phải tiết giảm. Đặc biệt, chiến dịch giảm tỷ lệ đòn bẩy để ngăn ngừa rủi ro trên thị trường tài chính cũng làm chậm lại đà tăng trưởng.
Rõ ràng Trung Quốc đang đứng trước tình thế khá khó khăn, đó là không để nền kinh tế “hạ cánh cứng”, song lại phải ngăn ngừa núi nợ tiếp tục tích tụ thêm. Còn nhớ, các chương trình kích thích khổng lồ mà Trung Quốc triển khai sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã giúp nước này không rơi vào suy thoái như Mỹ; nhưng cái giá phải trả cũng khá lớn khi nó đã “hỗ trợ” hình thành nên núi nợ khổng lồ như hiện nay.
Hiện Trung Quốc đã triển khai gói cắt giảm thuế trị giá khoảng hai nghìn tỷ nhân dân tệ (291 tỷ USD) để hỗ trợ cho doanh nghiệp, qua đó ngăn lại đà giảm tốc của nền kinh tế. Chính phủ cũng có kế hoạch tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng tăng cường hỗ trợ tín dụng cho các công ty nhỏ, tăng thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ hơn và yêu cầu các nhà cho vay lớn duy trì tài trợ. Vào tháng 6, nhà hoạch định kinh tế hàng đầu cũng đã tiết lộ một kế hoạch kích thích giúp thúc đẩy nhu cầu về ô tô và thiết bị điện tử.