Việt Nam chịu ảnh hưởng gián tiếp từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Ngày 8/8, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Dự báo kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2018 và ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc”.
TS. Đặng Đức Anh - Trưởng Ban Phân tích và Dự báo (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia) nhận định, tình hình kinh tế thế giới 6 tháng cuối năm 2018 còn tiềm ẩn nhiều thách thức, trong đó có sức ép từ việc tăng giá của đồng USD (tăng trưởng kinh tế Mỹ và nâng lãi suất điều hành).
Ngoài ra, chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và các nước, đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và biến động giá hàng hóa cơ bản, năng lượng cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
TS. Đặng Đức Anh cho rằng, mặc dù tác động trực tiếp của chiến tranh thương mại đối với nền kinh tế Việt Nam chưa rõ nhưng tác động gián tiếp đã khá rõ rệt.
Những thách thức chính đối với kinh tế trong nước 6 tháng cuối năm 2018, theo TS. Đặng Đức Anh là sức ép đến ổn định kinh tế vĩ mô ngày càng lớn; lực đẩy từ khu vực đầu tư nước ngoài mất dần, không có động lực mới bổ sung; công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu hoạt động của phân khúc thấp trong chuỗi giá trị; tác dụng của các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh chưa thấy tác động rõ nét; nền kinh tế vẫn tăng trưởng dựa chủ yếu vào vốn.
Từ đó, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 sẽ đạt 6,83%, hoàn thành mục tiêu của Chính phủ là 6,7%. Trong đó, tăng trưởng quý III đạt 6,72% và qúy IV đạt 6,56%. Lạm phát bình quân trong năm 2018 dao động trong khoảng 4 - 4,2%.
TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế Thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia) lưu ý, rủi ro địa chính trị, chiến tranh thương mại, chính sách cải cách thuế tại Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng tới các quyết định đầu tư của công ty đa quốc gia nước này trên toàn cầu.
Cuối năm 2017, Mỹ đã thông qua luật cải cách thuế lớn nhất 30 năm trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 21%. Điều này khiến các công ty Mỹ tại các nước trong đó có Việt Nam xem xét lại chiến lược đầu tư. Họ có thể chuyển hướng đầu tư về chính quốc gia của mình để hưởng thuế suất ưu đãi.
“Nếu có sự chuyển hướng đầu tư, tác động lớn sẽ tập trung vào dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang tận dụng lợi thế chi phí rẻ của Việt Nam hơn là dòng FDI đầu tư vào các tài sản chiến lược hoặc đầu tư với mục tiêu chiếm lĩnh thị trường. Cơ cấu đầu tư của Mỹ ở Việt Nam tập trung nhiều hơn vào nhóm thứ nhất hơn, vì thế có thể tác động trực tiếp sẽ là không lớn. Ngoài ra, Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình ký kết các hiệp định thương mại tự do đa phương, nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tín hiệu tích cực cho thấy triển vọng thu hút đầu tư của Việt Nam từ các nước khác”, TS. Trần Toàn Thắng phân tích.