Việt Nam chưa có đô thị được công nhận là "đô thị xanh"
Theo Thứ trưởng, đô thị xanh vẫn là một khái niệm khá mới mẻ ở Việt Nam và với các tiêu chí đánh giá đô thị xanh sắp được ban hành sẽ là một trong nhiều giải pháp giúp các đô thị Việt Nam phát triển bền vững, chấn chỉnh tình trạng số lượng đô thị tăng nhưng chất lượng kém hiện nay.
Phú Mỹ Hưng (TPHCM) được công nhận là đô thị kiểu mẫu
Ông có thể cho biết các tiêu chí đánh giá đô thị xanh? Cho đến thời điểm này Việt Nam đã xác định rõ thế nào là mô hình đô thị xanh?
Đô thị xanh là loại hình đô thị có đặc điểm nổi bật với cấu trúc nhiều không gian xanh, môi trường xanh, hài hòa các hệ sinh thái nhân tạo (hệ sinh thái đô thị) và hệ sinh thái tự nhiên, tạo ra môi trường sống tốt, bảo đảm tiện nghi và sức khỏe cho người dân. Đúng là hiện nay Việt Nam vẫn chưa có một khái niệm đầy đủ, cụ thể (có tính pháp lý) về đô thị xanh.
Các văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn làm cơ sở cho phát triển đô thị xanh cũng đã được xây dựng, có đề cập đến nội dung "xanh" trong đô thị như cây xanh, mặt nước trong đô thị, giao thông đô thị, nước thải, khí thải... nhưng vẫn chưa được thể hiện tập trung và còn nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau.
Hiện Bộ Xây dựng đang xúc tiến cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí đánh giá về đô thị xanh và định hướng mô hình phát triển đô thị xanh tại Việt Nam.
Ông đánh giá thế nào về thực trạng đô thị Việt Nam hiện nay? Nếu theo các tiêu chí đô thị xanh thì có khoảng bao nhiêu khu đô thị (KĐT) trên cả nước đáp ứng được yêu cầu này?
Theo đánh giá của tôi, nước ta có tốc độ đô thị hóa khá nhanh. Hệ thống đô thị quốc gia được đầu tư phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 1998, tỉ lệ đô thị hóa mới đạt khoảng 24% thì đến năm 2013 đã tăng lên hơn 33%; kinh tế đô thị góp khoảng 70% GDP cả nước; tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 - 15%, cao gấp 1,2 - 1,5 lần so với mặt bằng chung trong cả nước...
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được nói trên, phải thừa nhận đô thị tại Việt Nam còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Số lượng đô thị tăng lên nhưng chất lượng yếu. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đồng bộ và quá tải.
Chất lượng kết cấu hạ tầng tại các đô thị vẫn còn thấp. Chính vì vậy, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050 của Chính phủ đã đặt ra yêu cầu phải khắc phục ngay tình trạng này, hướng đến mục tiêu phát triển đô thị bền vững.
Tôi cho rằng, bộ tiêu chí đánh giá đô thị xanh của Việt Nam sau khi được xây dựng hoàn chỉnh sẽ là công cụ để đánh giá, công nhận các đô thị đạt tiêu chí xanh và là mục tiêu cụ thể để xây dựng lộ trình, kế hoạch đầu tư phát triển hướng tới chuẩn xanh cho các đô thị của cả nước. Tất nhiên, một đô thị không thể cùng một lúc đạt được ngay tất cả các tiêu chí nhưng cần phải có lộ trình với kế hoạch cụ thể để đạt được.
Trên thực tế, từ năm 2008, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 15 hướng dẫn 6 tiêu chí để đánh giá KĐT kiểu mẫu, trong đó cũng đã hướng tới các chỉ tiêu liên quan cơ sở hạ tầng, cây xanh môi trường... Theo đó, KĐT Linh Đàm (Hà Nội), Phú Mỹ Hưng (TPHCM) đã được công nhận là đô thị kiểu mẫu.
Một số KĐT mới khác tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hưng Yên... cũng được đầu tư phát triển theo mô hình đô thị sinh thái, thân thiện với môi trường. Các đô thị này sẽ được đánh giá và công nhận đạt chuẩn đô thị xanh khi đáp ứng các tiêu chí mà Bộ Xây dựng ban hành trong thời gian tới.
Theo ông, cần phải có hành lang pháp lý thế nào để các địa phương và các chủ đầu tư bắt buộc phải thực hiện chủ trương tăng chất và lượng đô thị xanh?
Tôi cho rằng thời gian tới, việc cần làm ngay bên cạnh ban hành các tiêu chuẩn quy hoạch, tiêu chí đánh giá đô thị xanh, các văn bản pháp luật và cơ chế chính sách phải đảm bảo vừa chế tài bắt buộc thực hiện, vừa ưu đãi, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia tích cực trong phát triển đô thị xanh ở Việt Nam.
"Đô thị xanh" có 7 tiêu chí cơ bản gồm: (1) Không gian xanh; (2) Công trình xanh; (3) Giao thông xanh; (4) Công nghiệp xanh; (5) Chất lượng môi trường đô thị xanh; (6) Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa; (7) Cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường và thiên nhiên. Trong đó có lưu ý các giải pháp quy hoạch đô thị, thiết kế công trình phải tính đến các yếu tố sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và tận dụng nguồn năng lượng tái tạo. |
Xin cảm ơn ông!
Theo Lao Động