Bất động sản công nghiệp tăng trưởng mạnh
Dòng vốn FDI đổ vào bất động sản công nghiệp Cơ hội tăng cung bất động sản công nghiệp Bất động sản công nghiệp chuyển đổi xanh |
Bất động sản công nghiệp trong quý nổi bật với một số dự án được phê duyệt và khởi công như Cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ - giai đoạn 1 có quy mô 41,7 ha; Khu công nghiệp Đồng Văn V, giai đoạn 1 thuộc phường Tiên Nội, các xã Tiên Ngoại và Yên Nam, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, có quy mô sử dụng đất 237,29 ha... Giá cho thuê đất bình quân cơ bản ổn định trong khi giá cho thuê nhà xưởng xây sẵn, kho bãi trong quý III/2024 có xu hướng giảm nhẹ so với quý trước. Giá cho thuê bình quân tại các khu công nghiệp phổ biến hiện nay là khoảng 3,5-5,5 USD/m2/tháng.
Nguyên nhân khiến bất động sản công nghiệp khởi sắc chủ yếu do dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, kéo theo nhu cầu về nhà xưởng sản xuất tăng cao. Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/10 đã đạt mức 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng vốn chảy vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 4,38 tỷ USD, gấp 2,26 lần so với cùng kỳ. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đang rất quan tâm đến thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Các yếu tố như nhu cầu thuê ổn định, nguồn cung hạn chế và sự hỗ trợ từ chính sách đã thúc đẩy sự tăng trưởng này.
Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài |
Kết quả này hoàn toàn phù hợp với báo cáo ngành bất động sản khu công nghiệp của Shinhan Securities, trong đó cho thấy dòng vốn FDI duy trì sự tăng trưởng ổn định qua các tháng. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, với sự gia tăng cả về số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư. Đặc biệt, đáng chú ý là các tỉnh thành phía Bắc tiếp tục là địa điểm được các nhà đầu tư nước ngoài ưu tiên lựa chọn. Nguồn cung bất động sản khu công nghiệp tại khu vực này vẫn còn khá dồi dào, cùng với chi phí thuê rẻ hơn so với các tỉnh miền Nam đã tạo nên sức hút lớn đối với các doanh nghiệp FDI.
Theo báo cáo của Shinhan Securities, nguồn cung bất động sản công nghiệp tại hai vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024, lần lượt là 7% và 6,4%. Điều này cho thấy thị trường vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Bên cạnh đó, giá đất khu công nghiệp cũng được dự báo sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 5-10% trong 2 năm tới, nhờ vào nhu cầu thuê cao và nguồn vốn FDI dồi dào. Tỷ lệ lấp đầy dự kiến sẽ duy trì ở mức cao, đạt 84% tại miền Bắc và 93% tại miền Nam.
Ông John Campbell - Giám đốc bộ phận Bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam cho biết, sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực bất động sản công nghiệp cho thấy Việt Nam đang ngày càng trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng trong khu vực. Các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án hạ tầng, logistics và bất động sản công nghiệp để tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, lực lượng lao động trẻ và chính sách ưu đãi của Việt Nam. Trong thời gian tới, với những yếu tố thuận lợi như sự ổn định về chính trị, kinh tế vĩ mô và các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI, đặc biệt là vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp.
Theo ông Vũ Văn Chung - Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư, nhưng cũng cần có những điều chỉnh để thu hút được các dự án FDI chất lượng cao hơn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được giao nhiệm vụ quan trọng là rà soát lại toàn bộ các chính sách ưu đãi hiện hành. Mục tiêu của việc này là tập trung nguồn lực vào những ngành công nghiệp mũi nhọn, những lĩnh vực có tiềm năng phát triển cao của nền kinh tế. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là việc thúc đẩy thị trường bất động sản công nghiệp. Khi các chính sách này được thông qua, dự kiến sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư mới, không chỉ thu hút vốn ngoại mà còn đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.