Vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia
Thành lập Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia | |
Chỉ còn 2 chương trình mục tiêu quốc gia 2016 - 2020 | |
Đại biểu tán thành chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 |
Theo Nghị quyết Quốc hội thông qua về danh mục các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2016 - 2020 có hai chương trình trọng điểm là: xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Một trong những mục tiêu cụ thể của hai chương trình này là giảm tỷ lệ nghèo cả nước bình quân 1,0% -1,5%/năm; riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
Và đến năm 2020, số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Về nguồn vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo huy động mọi nguồn lực, trong đó có vốn tín dụng (gồm cả tín dụng ưu đãi và tín dụng thương mại).
Ảnh minh họa |
Triển khai Nghị quyết của Quốc hội, chương trình hành động của Chính phủ, NHNN thời gian qua đã tích cực chỉ đạo hệ thống NH thực hiện có hiệu quả các CTMTQG, đặc biệt là các chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo.
Trước hết là tín dụng chính sách - một cấu phần quan trọng trong triển khai CTMTQG giảm nghèo bền vững và đang được thực hiện thông qua NH Chính sách xã hội (NHCSXH). Hiện nay, NHCSXH đang triển khai nhiều chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và một số chương trình, dự án khác từ nguồn vốn ủy thác của địa phương và của cả cá nhân, tổ chức nước ngoài.
Đến hết tháng 6/2016, dư nợ các chương trình cho vay tại NHCSXH đạt 150.300 tỷ đồng, tăng 5,4% so với 31/12/2015. Chương trình tín dụng đối với hộ nghèo đang được thực hiện theo khung pháp lý quy định tại Nghị định 78/2002/NĐ - CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ. Người nghèo khi vay vốn tại NHCSXH không phải thế chấp tài sản và được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính trong vay vốn.
Ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, qua kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo thấy rằng, tín dụng chính sách xã hội được xem là điểm sáng.
Lãnh đạo nhiều địa phương cũng khẳng định, nguồn vốn tín dụng của NHCSXH giúp các xã giảm tỷ lệ hộ nghèo, hoàn thiện các tiêu chí về nông thôn mới. Tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo cả nước bình quân 1,0% -1,5%/năm thì cần sự nỗ lực hơn nữa không chỉ của NHCSXH.
Về chính sách, NHNN đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ - CP về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và ban hành Thông tư số 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 55/2015/NĐ - CP.
Theo quy định mới, mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, chủ trang trại, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã... lên gấp 1,5 đến 2 lần so với trước đây.
Về thủ tục vay vốn, các TCTD sẽ căn cứ vào phương án, dự án sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng, TCTD và khách hàng thỏa thuận áp dụng phương thức và quy trình thủ tục cho vay phù hợp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng như cho vay lưu vụ, cho vay theo hạn mức tín dụng, cho vay từng lần và các phương thức cho vay khác...
Nghị định số 55/2015/NĐ-CP được ban hành không chỉ khuyến khích các TCTD mạnh dạn đầu tư vốn phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà còn tạo điều kiện thuận lợi để người dân, DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH.
Theo số liệu của NHNN, so với cuối năm 2015, đến ngày 22/8/2016 tín dụng đã tăng 9,07%, riêng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 6,7%. Chưa bằng lòng với kết quả này, theo chỉ đạo của NHNN, trong thời gian tới hệ thống các TCTD sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu các CTMTQG. Do đó, vốn NH nói chung và vốn tín dụng chính sách nói riêng sẽ tập trung nhiều hơn cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững.