Đại biểu tán thành chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020
Từ năm 2016 sẽ chỉ còn 2 CTMTQG là Chương trình Xây dựng nông thôn mới và Chương trình Giảm nghèo bền vững |
Đa số các ý kiến cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 đã góp phần giải quyết những vấn đề lớn của xã hội như xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Nhiều chỉ số về y tế, giáo dục, nước sạch... được nâng lên, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, nhiều hạn chế, tồn tại cũng được các đại biểu chỉ ra như việc huy động, bố trí, phân bổ nguồn vốn trong thực hiện các chương trình còn chưa hợp lý, chủ yếu là ngân sách Trung ương. Bên cạnh đó, do cơ chế điều hành và việc nhiều Bộ, ngành cùng tham gia quản lý, nên việc lồng ghép, tập trung nguồn lực khó khăn. Một số chương trình trùng lắp về mục tiêu, nhiệm vụ nên hiệu quả đạt được chưa cao.
Do đó, các ý kiến đại biểu đề nghị, cần rà soát lại các chương trình, dự án, cũng như thay đổi cơ chế tổ chức quản lý, sắp xếp, bố trí các nguồn vốn để chương trình đạt hiệu quả tốt hơn.
Bên cạnh đó, tính bền vững của nhiều chương trình còn hạn chế; công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng, vận hành sau đầu tư chưa được chú trọng đúng mức, chưa phát huy được hiệu quả sau đầu tư, công tác xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững. Đại biểu Phạm Đức Châu - đoàn Quảng Trị cho rằng, cần xây dựng mục tiêu, tiêu chí định lượng cụ thể cho từng nhóm đối tượng thụ hưởng, bảo đảm tính minh bạch, cụ thể, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện, giám sát, đánh giá kết quả của mỗi chương trình.
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành với đề xuất của Chính phủ gộp 16 Chương trình mục tiêu quốc gia thành 2 Chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Chương trình Xây dựng nông thôn mới và Chương trình Giảm nghèo bền vững. Bởi điều này giúp tránh dàn trải, chồng chéo nhiệm vụ, trùng lắp về đối tượng thụ hưởng và địa bàn thực hiện.