Vốn chuyển dịch theo cơ chế đặc thù
Kỳ vọng đúng mức vào PPP | |
“Làm mới” quy định về PPP | |
PPP dẫn vốn vào nông nghiệp |
Trong tuần qua, lãnh đạo TP.HCM đã làm việc với Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) để ghi nhận đề xuất cho đơn vị này được thành lập một quỹ Phát triển dự án để hỗ trợ cho các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn về kinh phí chuẩn bị các dự án hợp tác công - tư (PPP), đồng thời tăng tính khả thi của các dự án dạng này trên địa bàn thành phố.
Thành công thí điểm giao vốn
Theo ghi nhận của HFIC, trong giai đoạn (2010-2016) vừa qua, việc thực hiện thí điểm chức năng đại diện vốn chủ sở hữu Nhà nước đã được đơn vị tiến hành khá hiệu quả. Theo đó, trong 6 năm, HFIC đã tiếp nhận 8 DN do TP.HCM chuyển giao và đã hoàn thành đúng lộ trình cổ phần hóa 6/6 DNNN thuộc quyền quản lý của UBND TP.HCM.
Nhờ thực hiện tốt việc đại diện vốn Nhà nước tại các DN quốc doanh, trong giai đoạn 6 năm vừa qua HFIC đã tài trợ tín dụng cho 152 dự án hạ tầng tại TP.HCM với tổng mức đầu tư trên 25.000 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, mô hình hoạt động của HFIC hiện nay là mô hình khá hiệu quả. Vì vậy, TP.HCM nên chính thức triển khai mở rộng hoạt động đại diện Nhà nước để tập trung nguồn vốn về HFIC chứ không nên chỉ dừng lại ở chương trình thí điểm như hiện nay. Việc tiếp tục chuyển giao đại diện vốn Nhà nước về HFIC, theo ông Lịch sẽ tạo cơ hội mạnh hơn cho HFIC mở rộng huy động vốn. Bởi các tính toán của Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM cho thấy giai đoạn 2016-2020 tổng nhu cầu vốn đầu tư công trung, dài hạn của địa phương khoảng trên 364.200 tỷ đồng.
Trong đó, khả năng cân đối vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Nếu được chuyển giao nguồn lực tài chính từ cổ phần hóa một cách triệt để thì HFIC mới có đủ nguồn lực để làm đầu mối triển khai đề án “Phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế” như kỳ vọng mà chính quyền TP.HCM đã lên kế hoạch thực hiện.
Theo đánh giá của ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc HFIC, trong bối cảnh Trung ương giảm tỷ lệ điều tiết số thu để lại cho ngân sách TP.HCM trong giai đoạn tới chỉ còn 18%, hướng đi mở phù hợp cho việc huy động là thông qua định chế tài chính trung gian như HFIC. Cơ chế này sẽ giúp cho DN có thể tự vay tự trả không cần có bảo lãnh của Chính phủ. Từ đó giảm áp lực phụ thuộc trần nợ công; gián tiếp mở rộng mức huy động đang bị giới hạn của TP.HCM là không vượt quá 60% số thu.
Bên cạnh đó, khi mở ra cơ chế tập trung vốn về HFIC sẽ tạo cho đơn vị chủ động các phương án huy động vốn tối đa gấp 6 lần vốn chủ sở hữu. Khi đó nguồn vốn đối ứng, “vốn mồi” từ ngân sách địa phương phục vụ cho các dự án hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục sẽ tăng thêm đáng kể.
Chủ động đổi mới cách huy động
Trong nhiều năm qua, giống như hầu hết các công ty kinh doanh vốn Nhà nước trong hệ thống tài chính, nghiệp vụ huy động vốn của HFIC hầu hết được thực hiện bằng cách vay lại từ Bộ Tài chính. Những thống kê cho thấy rằng đến thời điểm này, HFIC đang được Bộ Tài chính cho vay lại trên 2.300 tỷ đồng từ các hợp đồng vay vốn đã ký với các đối tác nước ngoài như Hiệp hội Phát triển Quốc tế, ADB, AFD, JICA…
Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm gần đây, việc huy động vốn của HFIC đã có những sự chuyển dịch đáng ghi nhận. Theo đó, nhờ việc thí điểm chuyển giao các DNNN về HFIC trước cổ phần hóa đã tạo cho đơn vị bổ sung nguồn thu khá lớn. Chỉ tính riêng năm 2016, doanh thu từ việc cổ phần hóa các DN trên địa bàn TP.HCM đã giúp HFIC huy động thêm khoảng 912 tỷ đồng. Theo kế hoạch trong các năm 2016-2018 TP.HCM sẽ cổ phần hóa 60 DN. Nếu tất cả nguồn vốn từ các DN này được dồn cho HFIC thì đơn vị sẽ có thêm khoảng trên 45.000 tỷ đồng trong các năm tới.
Một hướng khác trong việc huy động vốn của HFIC là chủ động phát hành trái phiếu. Theo ông Phạm Phú Quốc, ngay trong năm 2017 đơn vị này sẽ huy động khoảng 2.000 tỷ đồng từ nguồn ODA và vay trực tiếp nước ngoài để đầu tư các dự án hạ tầng cấp thiết. Để có thể huy động được nguồn vốn này, ngoài việc vay tổ chức tài chính tín dụng trong và ngoài nước, HFIC sẽ phát hành khoảng 5.000 tỷ đồng trái phiếu DN hoặc trái phiếu công trình để thu hút các tổ chức cá nhân có nhu cầu tham gia đầu tư.
Riêng về việc thành lập Quỹ phát triển dự án (PDF) nhằm hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn về kinh phí chuẩn bị dự án PPP, ông Quốc cho rằng nhiều khả năng TP.HCM sẽ sớm thông qua đề xuất của HFIC. Khi quỹ này được thành lập HFIC sẽ tính toán đến các khả năng hợp với các quỹ hỗ trợ đầu tư tư nhân đã và đang được xúc tiến xây dựng trên địa bàn TP.HCM.
Ngoài ra, hiện nay Bộ Kế hoạch – Đầu tư cũng đã ký kết 2 hiệp định vay vốn trị giá 20 triệu USD với ADB và 8 triệu Euro với Cơ quan Phát triển Pháp để bổ sung cho Quỹ PDF Trung ương. Chính vì vậy nếu HIFC thành lập riêng một quỹ PDF trên địa bàn thì cũng có thể tranh thủ nguồn lực từ Quỹ PDF Trung ương, đồng thời áp dụng những quy trình kêu gọi vốn mà quỹ này đã thực hiện.
Như vậy, có thể thấy trong các năm gần đây TP.HCM đã khá chủ động trong việc tập trung nguồn lực tài chính của địa phương về một đầu mối. Việc tháo gỡ cơ chế giao vốn đặc thù cho HFIC cũng như chủ động đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ dự án PPP tại TP.HCM chứng tỏ rằng chính quyền địa phương đang tạo lập bước đệm khá tốt để bắt đầu từ thời điểm giữa năm 2017 áp dụng cơ chế chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP.HCM theo Nghị định 48/2017 vừa được Chính phủ ban hành.