Vốn mồi ưu đãi giúp dân giảm nghèo
Nhiều mô hình chăn nuôi tốt
Gặp bà Thị Dưởi – một người Khmer ở ấp Hòn Quéo, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) với nụ cười tươi, tay dắt cặp bò, chúng tôi mới hiểu được đồng vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) ý nghĩa với bà con nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thế nào.
Cán bộ NHCSXH huyện Hòn Đất thăm gia đình hộ vay vốn Thị Dưởi - ấp Hòn Quéo |
Bà Dưởi kể, bà có tới 6 người con thì nay 4 đứa đã trưởng thành và đi làm ở các doanh nghiệp trong tỉnh, còn 2 đứa nhỏ đang đi học. Gia đình chỉ có 3,5 công ruộng nên vào những thời điểm nông nhàn, thường phải đi làm thuê để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Chính vì vậy, với số tiền 30 triệu đồng vay từ chương trình hộ nghèo của NHCSXH vào giữa năm 2016 để mua bò giống, đến nay đã có thêm con bê con, bà như được “đổi đời”.
“Với đồng bào dân tộc thiểu số như chúng tôi, vậy là có lãi rồi, anh ạ” – bà Dưởi ngượng ngùng nói và nhẩm tính rồi bảo: “Mỗi tháng tiền lãi phải trả ngân hàng cũng ít nên với người nghèo khá phù hợp. Tôi chỉ mong đàn bò tiếp tục sinh thêm bê con để gia đình có thêm thu nhập” – bà Dưởi nói thêm.
Theo bà Hoàng Thị Tuyết Ni – Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn ấp Hòn Quéo cho biết, nguồn vốn và các chương trình cho vay ưu đãi của NHCSXH thật sự mang lại hiệu quả trong công tác xóa nghèo với người dân nông thôn, và càng ý nghĩa với các hộ khu vực đồng bào thiểu số.
Ở ấp Hòn Quéo hiện nay có 53 tổ viên, bà con đa số là người Khmer. Nhiều hộ gia đình trong tổ, từ khi vay vốn NHCSXH đã tính toán làm ăn, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Dư nợ của tổ là hơn 1,3 tỷ đồng, chủ yếu để mua bò giống sinh sản, số ít trồng hoa màu.
Ngoài ra, ở xã Thổ Sơn nhiều người còn biết đến các hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thanh và bà Hoàng Thị Bình vay vốn NHCSXH để nuôi lợn thương phẩm, nuôi bò thịt.
Cũng chỉ bắt đầu từ mô hình nhỏ vài ba con lợn, nhưng khi có “vốn mồi” ưu đãi của NHCSXH, hiện nay gia đình bà Thanh đã có một đàn lợn gần 50 con, cứ khoảng 4-5 tháng lại xuất chuồng 2,5 tấn lợn thịt, lợi nhuận thu về gần 100 triệu đồng/năm. Còn gia đình bà Bình, từ khi nhận được vốn vay của NHCSXH đã mua một con bò cái và một bê con.
“Khi con bê lớn, gặp lúc được giá, tôi bán để sửa nhà và mua giống cây, phân bón sản xuất nông nghiệp” – bà Bình tâm sự thêm, trên thực tế hiện nay rất nhiều hộ gia đình muốn vay vốn ở mức cao hơn nữa để mở rộng sản xuất, chăn nuôi theo mô hình gia trại.
Giúp sử dụng vốn vay hiệu quả
Bà Võ Thị Mỹ Dung – Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Sơn, Phó Ban giảm nghèo của xã cho biết, mặc dù thời gian qua, tỷ lệ hộ nghèo của xã có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Xã Thổ Sơn hiện có tổng số 1.754 hộ thì vẫn còn 435 hộ nghèo, 179 hộ cận nghèo. “Nguồn vốn của NHCSXH sẽ tiếp thêm sức mạnh để giúp nhiều hộ thoát nghèo” – bà Dung chia sẻ.
Trong năm nay, Thổ Sơn có 80 hộ thoát nghèo, và trong đó có 20 hộ vay vốn ưu đãi của NHCSXH để sản xuất, chăn nuôi. “Đến nay, 20 hộ vay vốn NHCSXH này đều sử dụng vốn vay hiệu quả” – bà Dung quả quyết.
Cũng theo bà, tùy vào phương án sản xuất, Ban Giảm nghèo của xã đề nghị NH cho vay với nhiều mức khác nhau từ 20 đến 50 triệu đồng và được bà con đồng tình ủng hộ, giúp cho công tác xóa nghèo thêm hiệu quả.
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Nương – Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòn Đất, hiện nay phòng đang thực hiện 14 chương trình cho vay của Chính phủ với tổng dư nợ đạt 254 tỷ đồng với 18.775 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, hai xã nông thôn mới có dư nợ 37 tỷ đồng, chiếm 15% tổng dư nợ toàn huyện. Đến nay, trên toàn huyện Hòn Đất đã có trên 600 hộ đã thoát nghèo nhờ vay vốn NHCSXH.
Ông Trương Văn Minh – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hòn Đất cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ vùng khó khăn được đầu tư cho lĩnh vực sản xuất, nuôi trồng chiếm 49%; cho vay học sinh – sinh viên 25%; đầu tư cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 21%; còn lại là các lĩnh vực khác.
Các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đã góp phần tích cực trong việc thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Thời gian qua, triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính sách được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, hỗ trợ về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho Phòng giao dịch NHCSXH huyện tại các xã, thị trấn.
Đồng thời, Huyện ủy đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng tại địa phương. Các Hội đoàn thể các cấp đã tăng cường vai trò quản lý vốn tín dụng chính sách được ủy thác ngay từ khâu bình xét cho vay, hướng dẫn người vay sử dụng vốn có hiệu quả, đôn đốc người vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ, trả lãi đến việc tham gia xử lý nợ quá hạn.
Bên cạnh đó, việc củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác ủy thác cũng luôn được chú trọng, cũng như củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động các Tổ TK&VV; Tích cực phối hợp với NHCSXH đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý đối với Hội đoàn thể và Ban quản lý Tổ TK&VV, từng bước đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện tốt các chính sách tín dụng tại địa phương.
Trong thời gian tới, ông Trương Văn Minh cho biết, huyện Hòn Đất sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách trên địa bàn huyện; Hàng năm sẽ đưa vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về việc dành một phần ngân sách của huyện để ủy thác qua Phòng giao dịch NHCSXH cho vay với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại huyện.
Cùng với đó, là chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường giám sát, hỗ trợ hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH tại cơ sở; các xã, thị trấn chú trọng trong công tác tổ chức thực hiện các chương trình cho vay, để giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện đều được tiếp cận vốn tín dụng chính sách.
Các tổ chức chính trị - xã hội cũng phải tăng cường vận động, tuyên truyền về chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ để người dân hiểu và thực hiện nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước trong việc thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.