Vốn ngân hàng là lực đẩy quan trọng cho chính sách
NHCSXH Lào Cai: Từ cuộc chiến xoá nghèo đến phát triển bền vững | |
Nối dài cánh tay cơ sở | |
Ngành Ngân hàng Lào Cai: Động lực cho phát triển kinh tế |
Với xuất phát điểm là tỉnh miền núi nghèo, nằm trong khu vực Tây Bắc vốn luôn được đánh giá là có ít lợi thế để phát triển, song Lào Cai đã vươn lên với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng sau 25 năm xây dựng và phát triển. Nhìn lại chặng đường kể từ khi tái lập tỉnh vào năm 1991, ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đánh giá sự chuyển mình mạnh mẽ của Lào Cai là nhờ kết hợp giữa tầm nhìn đúng đắn và tận dụng được các nguồn lực phát triển, trong đó không thể không nhắc tới nguồn vốn ngân hàng. |
Nhìn lại chặng đường 25 năm từ khi tái lập tỉnh đến nay, ông đánh giá như thế nào về những thành quả mà Lào Cai đã đạt được trong phát triển kinh tế?
Trước hết phải nói rằng tỉnh Lào Cai đã vươn lên trong điều kiện có những thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Bởi các tỉnh Tây Bắc vốn luôn được đánh giá là có ít lợi thế để phát triển. Song Lào Cai đã khai thác được lợi thế của mình, đặc biệt là tận dụng vị thế “đầu cầu” nối liền cả khu vực đồng bằng Bắc bộ với tỉnh Vân Nam và cả vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc để tiến hành công cuộc đổi mới một cách toàn diện, với những bước đi phù hợp từng thời kỳ. Thành công của Lào Cai thể hiện ở những thành quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhiều chỉ tiêu thuộc tốp đầu các tỉnh vùng Tây Bắc.
Thành phố Lào Cai hôm nay |
Trước hết là tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục, bình quân giai đoạn 1991-2015 đạt 11%, cao hơn mức bình quân chung của vùng Tây Bắc và cả nước. GDP đầu người đến nay đã bằng 86% mức bình quân của cả nước. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, tỷ trọng nông nghiệp giảm mạnh từ trên 80% năm 1991 xuống 15,7% năm 2015; cùng với đó công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm chưa đến 20% vào năm 1991, thì đến nay đã chuyển biến mạnh mẽ và tích cực. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2015 đạt 5.505 tỷ đồng, gấp 290 lần so với năm 1991.
Bên cạnh đó, những thành quả hiện hữu hơn chính là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội Lào Cai đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng, trong đó nhiều công trình có quy mô lớn, hiện đại tạo điểm nhấn cho phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng Tây Bắc chứ không chỉ riêng Lào Cai.
Điển hình như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, khu công nghiệp thương mại Kim Thành, khu công nghiệp Tằng Loỏng, khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường... Hiện nay 100% số xã của Lào Cai đã có đường ô tô đến trung tâm xã; 80% số xã có đường cho xe cơ giới đến tất cả các thôn bản; 100% xã có điện lưới quốc gia. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 giảm xuống còn 12,11%, thấp hơn bình quân vùng Tây Bắc…
Theo ông, điều gì đã làm nên sự phát triển vượt bậc của Lào Cai khi đặt trong điều kiện khu vực Tây Bắc nhìn chung còn kém phát triển như vậy?
Tôi cho rằng những thành quả mà tỉnh Lào Cai có được ngày hôm nay là nhờ sự kế thừa, tiếp nối và gắn kết chặt chẽ từ tư duy, tầm nhìn của các thế hệ lãnh đạo tỉnh với sự quyết tâm, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển chung của tỉnh nhà và của cả đất nước, đã tạo ra được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Biết tận dụng, khai thác được các tiềm năng, lợi thế so sánh trên địa bàn. Điều này thể hiện qua chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế của tỉnh được xác định rất rõ ràng qua các nhiệm kỳ.
Trong 5 năm đầu tái lập tỉnh, trước những khó khăn chồng chất, Đảng bộ Lào Cai xác định mục tiêu tổng quát trong những năm 1992-1995 là củng cố và phát triển theo hướng kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, từng bước giảm kinh tế tự cấp tự túc để ổn định, cải thiện đời sống nhân dân. Đến năm 1996, nền kinh tế và mọi mặt xã hội của địa phương bước đầu ổn định, Đại hội Đảng bộ tỉnh chỉ rõ phải phát triển thêm một bước theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Sau 10 năm tái lập tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đi vào ổn định hơn, Đảng bộ Lào Cai đề ra mục tiêu cao hơn là phải xác định rõ lĩnh vực, ngành công nghiệp mũi nhọn của cả thời kỳ và từng giai đoạn.
Từ đó đến nay, Đảng bộ Lào Cai luôn lựa chọn các chương trình, đề án trọng tâm cho cả nhiệm kỳ, triển khai hoàn thành vượt các mục tiêu Đại hội các nhiệm kỳ đã đề ra; luôn bám sát mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nói chung và nội bộ các ngành kinh tế nông nghiệp, công nghiệp nói riêng theo hướng tăng cao hàm lượng khoa học, công nghệ trong sản phẩm hàng hóa. Phát triển kinh tế nhanh song phải toàn diện và bền vững; tập trung xóa đói, giảm nghèo; bảo vệ môi trường sinh thái.
Đến giai đoạn hiện nay, khi Lào Cai đã có chỗ đứng là một trong những “đầu tàu” năng động nhất của cả khu vực Tây Bắc, Đảng bộ tỉnh Lào Cai xác định nhiệm vụ tổng quát là tạo sức lôi cuốn và lan tỏa phát triển tới các địa phương khác của cả khu vực để phát triển vùng kinh tế động lực. Với việc đẩy mạnh liên kết các tỉnh, Lào Cai giữ vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, đối ngoại trong khu vực Tây Bắc.
Bám sát tầm nhìn và mục tiêu được vạch rõ qua từng thời kỳ như vậy, Lào Cai đã sớm xác định được đường hướng phát triển phù hợp. Song phải nói rằng, bên cạnh đường lối đúng đắn, cũng cần nguồn lực từ các cấp các ngành cùng chung tay góp sức để hiện thực hoá các kế hoạch, mục tiêu mà lãnh đạo tỉnh qua từng thời kỳ đã vạch ra. Trên nền tảng kinh tế kém phát triển trong những ngày đầu tái lập tỉnh tới nay, thì nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng đã đóng vai trò vô cùng quan trọng để làm động lực phát triển kinh tế cho cả tỉnh.
Xin ông đánh giá cụ thể hơn về những đóng góp của ngành Ngân hàng đối với sự phát triển kinh tế tỉnh Lào Cai trong suốt giai đoạn 25 năm từ khi tái lập tỉnh tới nay?
Có thể nói quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh Lào Cai luôn gắn liền với những đóng góp quan trọng của ngành Ngân hàng, với vai trò là huyết mạch nền kinh tế, khơi thông và mở rộng dòng vốn tín dụng vào từng lĩnh vực, ngành nghề, lên từng ngọn núi, bản làng, tạo động lực phát triển kinh tế mới cho tỉnh nhà.
Điều này có thể thấy rõ qua vai trò cánh tay nối dài thực thi chính sách tiền tệ trên địa bàn. Những năm qua, NHNN Chi nhánh tỉnh Lào Cai đã bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các cơ chế chính sách của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của NHNN Việt Nam, để chỉ đạo các NH và các TCTD trên địa bàn chủ động vượt qua khó khăn, tăng cường giải pháp huy động nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đặc biệt, NHNN tỉnh Lào Cai đã phối hợp với các sở, ngành và các chi nhánh NHTM thường xuyên tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trao đổi giữa UBND tỉnh với các DN nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đề ra những giải pháp tích cực để hỗ trợ vốn tín dụng thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Không chỉ tương tác đến kinh tế - xã hội tỉnh bằng các chương trình tín dụng, NHNN đã chủ động khơi thông và mở rộng các dòng chảy vốn về địa phương bằng việc tham mưu với tỉnh xây dựng Đề án "Tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2010-2015".
Đồng thời, hoàn thành nhiệm vụ UBND tỉnh giao cho Chi nhánh NHNN chủ trì xây dựng Đề án "Đẩy mạnh đầu tư tín dụng ngân hàng đối với các đề án phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011-2015" theo mục tiêu của 7 chương trình, 27 đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đây, dòng vốn tín dụng được ưu tiên đầu tư cho các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, các DNNVV… góp phần khơi mở những tiềm năng kinh tế của tỉnh.
Vị thế của một cửa khẩu biên giới cũng ngày càng được tăng cường cùng công tác quản lý ngoại hối trên địa bàn, bảo đảm hoạt động kinh doanh ngoại hối đúng quy định và chủ động cân đối nguồn ngoại tệ.
Có thể nhìn vào sự tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ để thấy ngành Ngân hàng đã đóng góp nguồn lực quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của tỉnh Lào Cai trong suốt 25 năm qua. Nếu như năm 1991, tổng nguồn vốn chỉ đạt 37 tỷ đồng, dư nợ 20 tỷ đồng, thì tới hết tháng 6/2016, tổng nguồn vốn của toàn hệ thống Ngân hàng tỉnh Lào Cai đã tăng hơn 1.000 lần, lên tới 37.670 tỷ đồng, trong khi dư nợ đạt 36.435 tỷ đồng.
Không chỉ hướng tới hỗ trợ cho các đòn bẩy kinh tế của tỉnh thông qua phát triển sản xuất, công tác phối hợp của Chi nhánh NHNN tỉnh Lào Cai với UBND tỉnh và các cấp chính quyền còn được triển khai khá toàn diện và có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, nhất là việc tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất, thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và địa phương.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng tỉnh Lào Cai còn tích cực hỗ trợ và chia sẻ với cộng đồng. Thông qua các chính sách cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, doanh số cho vay tới nay đã vượt qua mốc 2.000 tỷ đồng, với số hộ nghèo dư nợ đạt hơn 36.000 hộ, đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng thông qua các chương trình an sinh xã hội đã hướng về người nghèo, thực hiện hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhiều công trình văn hoá - giáo dục, hỗ trợ quỹ khuyến học, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai… tham gia các công tác xã hội từ thiện khác với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, lãnh đạo tỉnh Lào Cai đặt ra kỳ vọng như thế nào đối với sự hỗ trợ của ngành Ngân hàng vào công cuộc phát triển kinh tế của tỉnh, thưa ông?
Với vị thế là một trong những tỉnh phát triển năng động nhất khu vực Tây Bắc, Lào Cai xác định giai đoạn 2016-2020, tỉnh phải phát huy vai trò kết nối, lan toả để trở thành động lực phát triển cho cả khu vực Tây Bắc. Mục tiêu mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặt ra là phấn đấu xây dựng tỉnh Lào Cai trở thành trung tâm kinh tế - xã hội, địa bàn quan trọng về hợp tác quốc tế, giao lưu kinh tế của vùng và cả nước.
Đồng thời là địa bàn quan trọng về hợp tác quốc tế với các tỉnh phía Tây - Nam Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực. Đây sẽ là thách thức mới đối với Lào Cai, đặc biệt với một tỉnh còn thiếu các nguồn lực cho phát triển nếu so sánh với nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.
Vì vậy, lãnh đạo UBND tỉnh cũng như nhân dân Lào Cai đặt nhiều kỳ vọng vào sự hỗ trợ của ngành Ngân hàng trên địa bàn. Đặc biệt, với NHNN Chi nhánh tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh mong muốn đơn vị tăng cường nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý hơn nữa để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng bảo đảm chính sách tiền tệ được triển khai thực thi hiệu quả trong đời sống.
Các NH trên địa bàn phát huy kết quả đạt được giai đoạn 2010-2015, tiếp tục phát triển hoạt động ngân hàng hiện đại, đa dạng dịch vụ, chủ động hội nhập, chú trọng đẩy mạnh huy động nguồn vốn nhàn rỗi để ưu tiên đầu tư cho các dự án kinh tế trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, các DNNVV…
Cùng với đó là phát triển mạnh dịch vụ ngân hàng hiện đại, nhất là thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường quản lý kinh doanh ngoại hối, kinh doanh vàng; tăng tỷ trọng thanh toán xuất nhập khẩu qua hệ thống NH. Đồng thời cần mở rộng, nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ ngân hàng đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý và kinh doanh tiền tệ trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc vào năm 2020.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV đã xây dựng 4 chương trình trọng tâm, 19 đề án phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu đến năm 2020 Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của khu vực. Vì vậy, vốn tín dụng ngân hàng có ý nghĩa hết sức to lớn và quan trọng để thực hiện thắng lợi các chương trình, đề án của tỉnh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!