NHCSXH Lào Cai: Từ cuộc chiến xoá nghèo đến phát triển bền vững
34,3% các hộ dân của Lào Cai thuộc hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều mới, cao hơn 2,83 lần so với tiêu chí cũ. Thêm vào đó là 9,2% hộ cận nghèo. Con đường phía trước của công cuộc xoá đói giảm nghèo, phát triển bền vững ở Lào Cai càng không dễ dàng khi thiên tai luôn rình rập khiến ranh giới thoát nghèo và tái nghèo thêm mong manh.
Công việc của cán bộ nhân viên NHCSXH Chi nhánh Lào Cai thêm vất vả vì phải sát sao hơn với địa bàn mỗi khi thiên tai để có những hỗ trợ kịp thời, cho vay mới tái sản xuất ổn định đời sống. Quan trọng hơn là bám sát thôn bản để có thể đưa dòng vốn đến đúng đối tượng, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế bền vững.
Ông Lại Hợp Thơi đang mong muốn có thêm cơ hội vay vốn mở rộng quy mô chăn nuôi |
Góp phần giảm đói nghèo
Trận lũ quét kinh hoàng rạng sáng ngày 5/8/2016 gây thiệt hại lên tới 500 tỷ đồng, trong đó 40% thiệt hại từ những hộ đang vay vốn của NHCSXH. Ngay đầu giờ chiều hôm đó, Giám đốc NHCSXH Nguyễn Hải Hà đã có mặt tại huyện Bảo Thắng, địa bàn bị thiệt hại nặng nề nhất để thăm hỏi các hộ dân bị nạn.
Chi nhánh đã khẩn trương thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo tại Công điện của Tổng Giám đốc NHCSXH về ứng phó khắc phục hậu quả cơn bão số 2, đảm bảo an toàn nguồn vốn, tài sản và con người, và còn tham gia cùng chính quyền địa phương trong Ban chỉ đạo của tỉnh khắc phục hậu quả mưa lũ.
“Đoàn công tác của NHCSXH đã trực tiếp xuống cơ sở, trước mắt, đơn vị chia sẻ cùng bà con khắc phục ban đầu. Sau đó, sẽ tiến hành rà soát các tổn thất, thiệt hại, kịp thời báo cáo NHCSXH Trung ương để kịp thời khắc phục hậu quả”, Giám đốc Hà cho biết.
Những thiên tai như thế này không phải là hy hữu ở Lào Cai. Vẫn nhớ hồi đầu năm 2016, đợt rét hại và băng tuyết kéo dài tại đây đã khiến nhiều hộ nghèo ở 2 huyện Bát Xát và Sa Pa đang nuôi hy vọng thoát nghèo nhờ vốn vay NHCHXH thêm khó khăn khi hoa mầu, thảo quả nhiều chỗ bị mất trắng, trâu bò chết vì lạnh.
Trước tình hình đó, nỗ lực của cán bộ NHCSXH chi nhánh Lào Cai không chỉ là kịp thời tiến hành rà soát các tổn thất, thiệt hại, cho vay bổ sung và vay mới, mà còn để “tiếp sức” người dân bước qua nhọc nhằn. NHCSXH đã ủng hộ 465 hộ nghèo, hộ bị thiệt hại do rét đậm rét hại, mưa tuyết tại Sa Pa với số tiền 247 triệu đồng.
Dòng vốn chính sách cũng đã được tập trung cho các hộ dân, nhất là các hộ nghèo bị thiệt hại, để họ có điều kiện tái sản xuất. Tính đến hết tháng 6/2016, tổng dư nợ cho vay của chi nhánh đạt 2.152 tỷ đồng, tăng 137 tỷ đồng so với năm 2015, đạt 99,6% kế hoạch được giao năm 2016, với số món vay của khách hàng còn dư nợ là 92.515 món.
Doanh số cho vay đạt 452,8 tỷ đồng với 14.300 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó, cho vay hộ nghèo đạt 230,8 tỷ đồng, hộ cận nghèo 50,7 tỷ đồng. Điều này đã góp phần khắc phục thiệt hại do thiên tai, cũng như đáp ứng nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống của nhân dân.
Những dòng vốn từ NHCSXH đang ủ ấm niềm hy vọng đổi đời cho những người dân nghèo nơi đây. Có thể kể ra đây trường hợp chị Nguyễn Thị Thịnh, thôn Hùng Xuân 1, xã Xuân Giao.
“Năm 2012, khi bình xét cho gia đình vay vốn, tổ cũng rất lo lắng khi cả gia đình 5 người chỉ trông vào một lao động chính là chị Thịnh. Không chỉ lo cho 5 miệng ăn, vai chị thêm nặng gánh khi các con đang bước vào cấp 3, và việc chăm chút người chồng nằm liệt vì tai nạn. Thế nhưng, nhận thấy chỉ có nguồn vốn này, đời sống gia đình mới có cơ hội thay đổi. Vì vậy, chúng tôi đã mạnh dạn bình xét cho vay”, tổ trưởng tổ vay vốn Nguyễn Thị Nguyên kể lại.
Sau khi được vay vốn hộ nghèo của NHCSXH năm 2012, chị Thịnh đã tần tảo bước qua đói nghèo vào năm 2014 với việc đầu tư mua 1 con trâu sinh sản, vay thêm vốn đầu tư vào nuôi cá, làm kinh tế rừng với 0,3ha, và trồng lúa trên 2 sào ruộng. Thu nhập của gia đình đạt bình quân hàng năm 70 triệu đồng.
Dù là một trong những hộ tái nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều mới, nhưng chị cũng là một trong các hộ tự tin đăng ký thoát nghèo bền vững năm 2016 với nguồn vốn đang vay 50 triệu đồng từ NHCSXH. Tương lai cũng đang rạng sáng với gia đình chị khi cô con gái đầu lòng đã học xong trung cấp với sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay sinh viên, và hiện đã có việc làm ổn định.
Lan toả làn sóng phát triển kinh tế
Với những chương trình tín dụng chính sách trợ lực người dân từ xoá đói giảm nghèo đến phát triển bền vững, sự tiếp sức liên tục của các dòng tín dụng đang trở thành góp phần nhân rộng mô hình phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Ví như hộ ông Phạm Hữu Bảo, thôn Hợp Xuân 1, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng hiện có 3 thế hệ chung sống cùng một nhà, với 17 nhân khẩu, 9 lao động, trong đó 4 lao động làm nông nghiệp. Đầu năm 2015, ông vay vốn sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn ở NHCSXH với số tiền 30 triệu đồng để mua 1 cặp trâu.
Đến nay một con chuẩn bị đẻ, nên ông đã bán 1 con đi để lấy tiền mở rộng đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, với mô hình vườn - ao - chuồng. Hiện nay gia đình đang phát triển mô hình nuôi trâu sinh sản và thả cá trên diện tích ao 0,5 ha; chăm sóc 0,8 ha chè; 0,1 ha ổi; 0,2 ha táo.
Thu nhập bình quân của gia đình hàng năm ước đạt từ 150-200 triệu đồng/năm, góp phần ổn định và nâng cao mức sống. Gia đình ông đã được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã.
Những thành quả này cũng là động lực để tạo thêm những mô hình kinh tế mới. Điển hình như ông Lại Hợp Thơi, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Tổ dân phố số 1, phường Thống Nhất, TP. Lào Cai. Không chỉ chăn nuôi riêng lẻ, ông đã hợp sức cùng con, cháu là Vũ Thị Lan Hương và Lại Nam Giang, đầu tư mô hình VAC với chuồng lợn 90 con, 1.400m2 ao cá.
Ông kể: “Chúng tôi có 3 hộ, đều vay chương trình giải quyết việc làm được 85 triệu đồng, cùng với đất đai có sẵn và nguồn nhân lực từ 3 gia đình. Đến nay, cả 3 gia đình đã có thu để tái đầu tư mở rộng mô hình và trả nợ cho ngân hàng”.
Với cựu chiến binh Nguyễn Văn Tuynh, xã Xuân Giao, thì việc vay vốn phát triển kinh tế từ năm 2011 đã giúp ông dựng lên cơ ngơi 28 ha vườn rừng gỗ mỡ, gỗ sưa, bồ đề keo và đã cho thu hoạch. Kinh tế khấm khá cũng giúp ông có cơ hội giúp đỡ những gia đình đồng đội trong Hội Cựu chiến binh xã.
Hiện ông thường xuyên tạo công ăn việc làm cho 5 con em trong Hội Cựu chiến binh xã với việc chăn thả trâu và lợn, nuôi cá và trồng rừng. Ông cũng tự mở một con đường bê tông 800m lên đồi cao, không chỉ thuận cho sinh hoạt của gia đình mà 38 hộ gia đình người Dao thôn làng Hà cũng được hưởng lợi.
Những kết quả từ 13 chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện trên địa bàn đã tác động tích cực đến việc thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phù hợp với các chương trình, đề án trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thành quả là thế, song với Giám đốc Hà cũng như toàn thể cán bộ chi nhánh, nhiệm vụ năm 2016 không dễ dàng khi tiêu chí hộ nghèo mới sẽ làm gia tăng nhu cầu vay vốn.
Đặc biệt, ở một tỉnh mà nền kinh tế hàng hóa đang đến từng thôn bản, thì có đủ nguồn vốn cung ứng cho nhu cầu của các đối tượng chính sách luôn là trăn trở của Ban lãnh đạo chi nhánh.
Giám đốc Hà và cán bộ NHCSXH Chi nhánh Lào Cai vẫn luôn mong có thêm những nguồn vốn mới, đặc biệt là nguồn vốn cân đối ngân sách của địa phương để có thể thực hiện mục tiêu xóa trắng tín dụng, để mỗi người dân có thêm cơ hội bước qua nghèo khó, hướng tới sinh kế vững bền.