Ngành Ngân hàng Lào Cai: Động lực cho phát triển kinh tế
12.500 tỷ đồng đã được các TCTD trên địa bàn tỉnh Lào Cai cho 780 DN và 24 HTX vay theo Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Trong đó cho vay mới ước đạt 12.200 tỷ đồng với 775 DN, chiếm khoảng 35% tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh.
Đó chỉ là một trong những điểm nhấn trong hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lào Cai với vai trò huyết mạch nền kinh tế, khơi thông và mở rộng dòng vốn tín dụng, tạo động lực phát triển kinh tế tỉnh, đưa Lào Cai tiến gần hơn vị thế trung tâm kinh tế, văn hoá toàn vùng.
Các NHTM trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình tín dụng nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh |
Khơi rộng huyết mạch vốn
Còn nhớ đầu năm 2016, trận rét đậm và mưa tuyết bao trùm nhiều địa bàn thuộc tỉnh Lào Cai gây nên những thiệt hại không nhỏ về tài sản của người dân cũng như cây trồng, vật nuôi, ngay lập tức NHNN chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng thống kê tài sản của khách hàng vay vốn bị thiệt hại trong đợt rét đậm, rét hại này và chủ động thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng như: gia hạn nợ, khoanh nợ, miễn giảm lãi vay…
Dòng vốn cũng đã được dồn cho vay mới, đặc biệt là các đối tượng chính sách giúp người dân tiếp tục nhịp độ sản xuất, ổn định cuộc sống.
Cùng với những giải pháp mang tính thời điểm, chi nhánh NHNN tỉnh đã kịp thời triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của NHNN Việt Nam về chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng đến các ngân hàng, TCTD trên địa bàn.
Vốn ra nền kinh tế thêm những nhịp đẩy cùng với việc chi nhánh đã định hướng các ngân hàng, TCTD trên địa bàn tăng cường huy động vốn, tiếp xúc, tìm kiếm các dự án kinh tế hiệu quả khả thi để cho vay đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là các dự án thuộc 4 chương trình, 19 đề án phát triển của tỉnh.
Và cũng không lâu sau khi Chính phủ có Nghị quyết số 35/NQ-CP, chi nhánh NHNN đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020 của ngành Ngân hàng trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo các TCTD phối hợp với DN, khách hàng vay vốn, đánh giá khả năng trả nợ, khả năng tài chính để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thực hiện nghiêm túc quy định về lãi suất, nhất là lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, tiếp cận vốn vay thuận lợi.
Những nội dung trọng tâm của kế hoạch phát triển ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng được triển khai và đẩy mạnh, như lộ trình phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, phát triển thanh toán thẻ qua POS, ATM bảo đảm cho hệ thống thanh toán hoạt động an toàn thông suốt; tổ chức và duy trì đường dây nóng để tiếp nhận xử lý thông tin, tăng cường các biện pháp phòng chống tội phạm trong thanh toán; thu thuế điện tử cho các DN qua ngân hàng; tiếp tục tổ chức thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD,…
Mạng lưới hoạt động ngân hàng đã phủ rộng khắp toàn tỉnh với tổng số 80 chi nhánh, phòng giao dịch, 72 ATM và 422 thiết bị chấp nhận thẻ (POS) cùng với 2.534 tổ tiết kiệm và vay vốn của NHCSXH và 720 tổ vay vốn Agribank đã phục vụ tốt cho phát triển kinh tế trên địa bàn của tỉnh.
Tính đến 30/6/2016, tổng nguồn vốn ước đạt 37.700 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cuối năm 2015; tổng dư nợ đến 30/6/2016 ước đạt 36.000 tỷ đồng, tăng 12,8% so với 31/12/2015.
Trong đó, dư nợ cho vay của các NHTM là 29.700 tỷ đồng, tăng 14,5%. Dòng vốn không chỉ đi đúng định hướng phát triển kinh tế của tỉnh mà còn tập trung trọng tâm trọng điểm vào các chương trình tín dụng ưu tiên như: cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP đạt 8.800 tỷ đồng; cho vay nông thôn mới đạt 10.592 tỷ đồng, trong đó tại 44 xã thí điểm là 2.220 tỷ đồng, với 41.150 hộ còn dư nợ.
Cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt 2.158 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2015, trong đó cho vay hộ nghèo 894 tỷ đồng, tăng 93 tỷ đồng so với năm 2015, với số hộ nghèo còn dư nợ là 30.870 hộ. Quan trọng hơn, tín dụng tăng cao nhưng chất lượng ổn định với tỷ lệ nợ xấu thấp chỉ chiếm 0,42%.
Trên địa bàn kinh tế cửa khẩu, các ngân hàng đã chủ động cân đối nguồn ngoại tệ phục vụ nhu cầu thanh toán xuất nhập khẩu. Tổng doanh số kinh doanh mua, bán ngoại tệ 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 21.771 tỷ đồng, tăng 22,14% so với cùng kỳ 2015. Doanh số thanh toán xuất nhập khẩu 6 tháng ước đạt 7.200 tỷ đồng, giảm 17,3% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, thanh toán biên mậu ước đạt 4.321 tỷ đồng, giảm 38%; thanh toán quốc tế ước đạt 2.879 tỷ đồng, tăng 67,2%.
Tăng tốc hỗ trợ DN
Nhìn nhận về kế hoạch 6 tháng cuối năm, với Giám đốc NHNN Chi nhánh Lào Cai Đinh Ngọc Hiền, khó khăn nhất là nguồn vốn tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu vay. Cũng bởi Lào Cai đang được đầu tư, phát triển, tiền nhàn rỗi trong dân cư có hạn, nhu cầu vốn tín dụng trung, dài hạn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn khá cao, tạo sức ép về cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn.
Nhìn về phía cầu vốn tín dụng cũng không khỏi những ưu tư khi các DN trên địa bàn tập trung chủ yếu là DNNVV, một số DN năng lực tài chính còn hạn chế, một số dự án chủ đầu tư không đảm bảo được nguồn vốn tự có tham gia đầu tư theo quy định, hoặc còn có DN sản xuất kinh doanh không hiệu quả, khả năng trả nợ ngân hàng thấp nên không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng.
Những nỗ lực cho vay khách hàng của các TCTD đôi khi chưa đạt hiệu quả như mong muốn do một số thủ tục hành chính như cấp quyền sử dụng đất, tài sản trên đất; đăng ký giao dịch bảo đảm; cấp giấy chứng nhận đầu tư... chưa kịp thời.
Việc mở rộng tín dụng tại một số địa bàn còn khó khăn do sức hấp thụ vốn của DN, người dân hoặc tài sản bảo đảm không đủ điều kiện đăng ký giao dịch bảo đảm (các DN có công trình xây dựng tại khu công nghiệp chưa được cấp quyền sở hữu, nhiều hộ gia đình chưa được cấp quyền sở hữu nhà ở trên đất).
Cùng với đó là những ảnh hưởng cho xuất nhập khẩu hàng hóa, thanh toán và quản lý ngoại hối từ chính sách biên mậu giữa 2 nước Việt Nam và Trung Quốc khác nhau thời gian qua.
Chính vì vậy để dòng vốn có thêm lực đẩy vào những huyết mạch phát triển kinh tế tỉnh cũng như thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, chi nhánh NHNN cũng như các TCTD trên địa bàn mong muốn UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành liên quan xem xét, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công trình, sở hữu nhà cho các DN đầu tư các dự án có vay vốn ngân hàng khi dự án đã xong và các hộ dân để người vay có đủ tài sản đảm bảo tiền vay ngân hàng.
Với một địa bàn kinh tế còn nhiều khó khăn, NHNN cũng đề nghị HĐND, UBND tỉnh Lào Cai hàng năm trích một phần ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH tỉnh cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Với vai trò là cánh tay nối dài của Thống đốc NHNN trên địa bàn, chi nhánh NHNN tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam; Tăng cường công tác huy động vốn đáp ứng nhu cầu vốn cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thuộc 4 chương trình, 19 đề án theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV. Cùng với đó là việc triển khai kế hoạch tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng với khách hàng, thực hiện tốt Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ.
Các NHTM trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình tín dụng nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh như: Kết nối ngân hàng-DN; tăng trưởng tín dụng xanh theo Chỉ thị số 03/CT-NHNN. Đồng thời tích cực triển khai các dự án của tỉnh, như cho vay dự án chăn nuôi gia súc tại huyện Si Ma Cai; đầu tư cho các dự án phát triển sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp đối với các huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao trên địa bàn tỉnh Lào Cai…
Những đích đến cũng đã được đặt ra đến cuối năm 2016 khá cao như tổng nguồn vốn tăng 20%, ước đạt 40.200 tỷ đồng; nguồn vốn huy động trên địa bàn tăng 25% (ước đạt 19.120 tỷ đồng) so với cuối năm 2015. Tăng trưởng tín dụng cũng được đặt ra khá cao trên 20% đến 31/12/2016, với tổng dư nợ cho vay ước đạt 38.300 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 2% so với tổng dư nợ,…
Song, Giám đốc Đinh Ngọc Hiền tin tưởng sẽ cán đích từ những chỉ đạo và trợ lực của NHNN tỉnh, giúp các ngân hàng trên địa bàn bám sát mục tiêu, định hướng phát triển các hoạt động của ngành, tăng cường đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, khoa học công nghệ, phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại, phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.