Vượt sóng bám biển
Xưa nay các thế hệ ngư dân miền Trung nối tiếp nhau đi biển, gắn chặt cuộc đời mình với những dập dềnh của sóng, mặn mòi của biển và cả những cơ cực, hiểm nguy giữa đại dương mênh mông.
Những ghe buồm mà các bậc tiền nhân năm xưa đáp sóng ra Hoàng Sa, Trường Sa mở cõi, cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền biển đảo đất nước nay thay bằng con tàu hiện đại, công suất hàng ngàn mã lực uy nghi, lần lượt hạ thủy vững chãi vươn khơi bám biển làm giàu cho gia đình, xây dựng xóm làng trù phú, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Đặc biệt nhằm cụ thể hóa chiến lược kinh tế biển của Đảng, Nhà nước đến năm 2020, các địa phương khu vực này đã có những động thái huy động nội lực trên cơ sở tiếp cận những chủ trương, chính sách từ Trung ương để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển là mũi nhọn.
Từ ghe buồm đến tàu hiện đại
Đứng ở cảng cá Thuận An (Thừa Thiên – Huế) những ngày cuối tháng năm, gió đại dương hào phóng thổi vào lồng lộng. Lại thêm một con tàu nữa cập cảng khiến vùng biển này nhộn nhịp hẳn khi trên bến là cảnh mua bán, những chiếc xe tải nhỏ đến chở cá đưa đi tiêu thụ, còn phía dưới những thợ thuyền chà rửa dụng cụ, dọn dẹp vệ sinh thuyền, chuẩn bị chuyến ra khơi tiếp theo.
Vừa hướng dẫn cho các thuyền viên chuyển cá từ tàu lên bờ sau chuyến vươn khơi dài ngày, ông Phan Văn Chinh (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) là một trong những ngư dân đầu tiên ở miền Trung may mắn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, nói oang oang: “Tàu to và vững chãi như ngôi nhà kiên cố lại có trang thiết bị cực kỳ hiện đại gồm máy siêu quét dò ngang, máy định vị, máy la bàn, thiết bị icom nên anh em chúng tui có thể đi lại được nhiều ngày trên biển, đựng được nhiều cá tôm, mang được nhiều ngư cụ và có thể vững vàng trước sóng gió biển Đông. Đặc biệt, tàu có công suất gần một ngàn mã lực (gấp 3-4 công suất tàu truyền thống) họa chẳng may gặp tàu nước ngoài mưu đồ tấn công bất chính, rượt đuổi giữa trùng khơi thì anh em trên tàu có thể tăng tốc né tránh trước khi cơ quan chức năng nhận được tín hiệu báo tin đến trợ giúp”.
Giống như hàng vạn ngư dân khác ở miền Trung, ông Phan Văn Chinh, người có thâm niên gần 30 năm đi biển, vẫn đau đáu giấc mơ vươn xa hơn, đánh bắt được nhiều hơn, làm chủ ngư trường truyền thống.
Ông kể, lúc còn trẻ ông đi tàu công suất chỉ 90CV, sau đó có tàu 270CV. Nhưng ra khơi mới thấy tàu mình quá nhỏ bé. Nhiều khi không tránh khỏi thua thiệt, nhất là những lúc biển động, bão lớn thì càng vất vả hơn. "Bao chuyến biển trở về, tui ao ước đóng con tàu lớn để đánh bắt an toàn, hiệu quả hơn. Khi có chủ trương cho vay đóng tàu mới theo Nghị định 67 là tui lập tức đăng ký ngay…
Tàu đóng mới kinh phí 7,7 tỷ đồng. Agribank Thừa Thiên – Huế hỗ trợ cho vay ưu đãi 5,4 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng của gia đình. Đặc biệt, số tiền vay theo quy định sẽ thanh toán trong 10 năm và năm đầu tiên không phải trả gốc và lãi vay nên giúp ngư dân yên tâm sản xuất và có kế hoạch tích lũy vốn trả nợ tiền vay ngân hàng đóng tàu”. Ông Chinh phấn khởi.
Xa rồi cái thời vươn khơi bằng ghe buồm ra Hoàng Sa – Trường Sa, giờ Nhà nước quan tâm, những con tàu 67 vững chãi thay phiên nhau án ngữ trên những vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thống kê của ngành thủy sản miền Trung, từ khi Nghị định 67 có hiệu lực, những “con tàu 67” – theo cách mà ngư dân thường gọi đang hiện thực ước mơ, hoài bão vươn khơi bám biển của bao thế hệ ngư dân. Song một trong những lo ngại khi đóng tàu 67 là vốn nhiều mà hiệu quả chưa biết sẽ ra sao. Tuy nhiên, thành quả những chuyến vươn khơi đầu tiên sau khi các con tàu 67 của ông Phan Văn Chinh và hàng chục ngư dân khác ở các tỉnh thành lân cận cho thấy, với tàu 67, khả năng trả nợ và làm giàu của ngư dân là không khó.
Ông Chinh hồ hởi khoe: “Trước đêm tàu xuất bến, vợ chồng không sao chợp mắt được. Một giờ chiều khởi hành, nhưng từ sáng sớm gia đình, anh em bạn thuyền đã tập trung tại bến, người xem lại hầm cá, nhiên liệu, nước uống, lương thực... Ai cũng lo như lần đầu đi biển vậy. Nhưng thú thật, chuyến đi “thử nghiệm” ấy, tàu chúng tôi trúng đậm. Chưa đầy 10 ngày ra khơi, tàu đánh bắt được gần 20 tấn cá các loại, trong đó một số có giá trị cao như thu, ngừ… Cá đưa vào bờ tươi xanh nhờ bảo quản tốt, bán được giá nên thu nhập chừng 300 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, lãi gần 200 triệu đồng”.
Và trở về với thuyền đầy cá
Tàu hạ ga chạy rà rà với vận tốc khoảng 5 hải lý/giờ để tiếp cận mục tiêu “có mồi” (có cá - NV) sau gần nửa ngày trời đưa chúng tôi xuất phát từ cảng Thuận An. Hệ thống đèn chiếu trên tàu bật hết công suất. Máy tầm cá mở lên, quét trong vòng 5 hải lý, độ sâu quét được đến cả cây số…
Một vệt nhỏ cách xa rồi dần lại hiện rõ trên màn hình máy quét. Lập tức thuyền trưởng hạ lệnh cho 15 thuyền viên trên tàu phanh chiếc lưới dài cả cây số, nặng đến gần 4 tấn, mỗi người cầm từng sải một, hất lưới văng xuống biển, bắt đầu quây lưới bắt cá... Khoang lưới đầu tiên vừa túm lại, gần chục mẻ cá nặng khoảng 500kg/mẻ được cẩu lên từ độ sâu gần 30m dưới đáy biển đổ xòa trên mặt boong tàu, cá giãy lạch bạch...
Từ phía cabin con tàu, thuyền trưởng Nguyễn Văn Hải bảo: “Giờ tàu thuyền đánh bắt xa bờ đều được trang bị máy tầm ngư, rồi đến dò ngang có nhiều ngư lưới cụ đánh bắt hiện đại như lưới rê bùng nhùng, lưới ba cao lườn, vây rút chì... nên chuyện đánh bắt được mẻ lưới thu hàng chục triệu đồng không còn chuyện lạ. Nhưng 10 năm trước, muốn được khoang thuyền đầy ắp cá tôm phải phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm tích lũy từ bao thế hệ người đi biển. Trong đó, đoán định từng con nước gợn sóng mà quyết định thả lưới bắt gọn đàn cá ăn quanh khúc gỗ mục trôi lập lờ trên biển đến nay vẫn được nhiều ngư dân áp dụng”.
Giữa trùng khơi, tất cả thuyền viên, mỗi người chọn cho mình một vị trí, người ngồi trên cabin, người ở trên đỉnh cột tàu - nơi cao nhất và có tầm nhìn bao quát để quan sát mặt nước. Mọi ánh mắt chăm chăm dõi tìm bất cứ vật dụng gì trôi nổi trên sóng. Đó có thể là những khúc gỗ mục, thân cây trốc gốc đang lang thang trôi dạt theo các dòng hải lưu. Cá tôm tụ dưới những vật trôi trên biển ấy ngày càng nhiều. Ngư dân gọi đó là “cây cá”.
Ông Hải giải thích, cá lang thang khắp đại dương nhưng sẽ quần tụ thành bầy khi bắt gặp các vật dụng trôi nổi trên mặt nước. Ở đó có nhiều thức ăn và cũng là nơi trú ngụ như nhà của chúng về đêm mà ngư dân gọi nơi “cá ngủ”. Nhưng biển mênh mông, bao la, nên những khúc gỗ mục có đàn cá bơi theo cũng hiếm lắm.
Mỗi mùa đi biển, may mắn gặp được 5-7 khúc gỗ mục. Thường thì dưới mỗi khúc gỗ mục bao giờ cũng có ít nhất từ 1 - 2 tạ cá bớp, cá cam, cá xanh, cá chim đen, cá bè... còn nhiều lên đến cả tấn cá. Nhưng ở giữa trùng khơi, biển sâu không dây neo nào có thể thả sát đáy làm sao giữ tàu cá ngược hướng gió?
Ông Hải và các ngư dân khác tủm tỉm cho hay, đoán định được trữ lượng cá tôm ăn quanh khúc gỗ mục trôi nổi ở phía xa, thuyền trưởng lập tức ra hiệu lệnh cho các thuyền viên khác vội khiêng chiếc dù vải rộng lớn từ boong tàu thả chìm xuống mặt nước. Dòng nước trôi kéo chiếc dù căng tròn tạo thành túi nước khổng lồ làm neo giữ tàu trôi chậm chạp hơn so với lực đẩy hướng gió cho phù hợp với vận tốc di chuyển của khúc gỗ. Gặp gió lớn tàu sẽ thả từ 2 - 3 dù...
“Câu cá dưới khúc gỗ mục thú vị lắm chú ạ. Mỗi lần cá có trọng lượng lớn mắc câu phải biết điều khiển dây câu cương - nhu kịp thời, bằng không chỉ một sơ sảy, dây sẽ đứt hoặc cá sẽ kéo cả người xuống biển” ông Hải tâm sự. Đặc thù những con cá lớn khi mắc lưỡi câu vùng vẫy rất mạnh nên người câu phải kéo rê từ từ cho đến khi cá mệt lử mới kéo được lên tàu, chứ không phải dễ dàng kéo lên được.
“Đó là ngày xưa, chứ bây giờ tàu nào mà gặp khúc gỗ mục là họ dùng lưới vây bắt. Tuy nhiên, mỗi khi ngư dân phát hiện được “cây cá” thì một trong những công việc phải làm ngay là tìm cách cắm được cờ Tổ quốc lên “cây cá” giữa biển khơi. Đó là việc khẳng định khúc cây trôi dạt đã có chủ để ngư dân khác biết mà tránh xa để cá tiếp tục tụ về”.
Gần một tuần lễ lênh đênh trên biển theo đuôi con cá, tàu chúng tôi lại cập cảng cá Thuận An. Tiếng cười nói xen lẫn xe đẩy cá kêu cọt kẹt tạo nên âm thanh của cuộc sống đang tràn ngập từ đêm về sáng. Thành quả lao động sau bao ngày sóng gió giữa biển khơi của ngư dân cũng chỉ nhằm đưa đến cho nhiều gia đình những con cá tươi ngon mỗi ngày… Họ lại chuẩn bị chuyến ra khơi tiếp theo những mong bình an và trở về với thuyền đầy cá.