Xếp hạng ngân hàng để quản lý
Khi các TCTD được chấm điểm và xếp hạng | |
Đề xuất 5 tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại TCTD | |
Các TCTD sẽ được xếp hạng theo 5 nhóm dựa trên 6 tiêu chí theo CAMELS |
Tiến gần hơn các tiêu chuẩn quốc tế
Theo bản dự thảo, kết quả của bảng xếp hạng này sẽ được phân loại ra làm 5 nhóm NHTM, trong đó hạng A (tốt), hạng B (khá), hạng C (trung bình), hạng D (yếu), hạng E (yếu kém). Thực ra, đây không phải lần đầu NHNN thực hiện xếp hạng các TCTD, mà việc xếp hạng ngân hàng vẫn được làm thường xuyên trong những năm qua theo Quyết định 06/2008/QĐ-NHNN về xếp hạng NHTMCP.
Theo đó, tiêu chí xếp hạng NHTMCP hiện hành có các chỉ số: vốn tự có, chất lượng tài sản, năng lực quản trị, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản. Theo đó, nguyên tắc tính thang điểm được lấy số điểm tối đa trừ đi số điểm bị trừ ở từng chỉ tiêu.
Cơ cấu điểm của từng chỉ tiêu đánh giá xếp hạng hiện đang áp dụng là vốn tự có điểm tối đa 35, tối thiểu -3 điểm; chất lượng tài sản điểm tối đa 15, tối thiểu 0 điểm; kết quả hoạt động kinh doanh mức điểm tối đa là 20, điểm tối thiểu 0 điểm; khả năng thanh khoản mức điểm tối đa 15, tối thiểu 0 điểm. Từ kết quả xếp hạng này, nhà điều hành hàng năm sẽ có cơ sở để phân loại NHTM trao hạn mức tăng trưởng tín dụng, mở rộng mạng lưới, yêu cầu tăng vốn và quản lý các chỉ số an toàn vốn cũng như giúp thanh tra giám sát của NHNN trong việc quản lý các TCTD.
Hoạt động của các NHTM Việt Nam chủ yếu cho vay tín dụng nên cần xét đến yếu tố rủi ro các khoản vay |
Theo một lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, việc lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định xếp hạng NHTM đợt này nhằm xây dựng các tiêu chí đánh giá các NHTM trong giai đoạn mới, tiếp cận với các tiêu chuẩn Basel II. Hiện đang có 10 NHTM thí điểm các tiêu chuẩn về an toàn theo Basel II dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 10/2018. Điều này giúp cho các NHTM phải thực hiện tốt hơn các hoạt động của mình để đạt được thứ hạng cao trong xếp hạng để có các lợi thế được tiếp cận các nghiệp vụ của NHNN và mở rộng thị trường.
Thực tế, những người quan tâm đến hoạt động của các NHTM cũng có thể tự xếp hạng được ngân hàng nào tốt ngân hàng nào yếu, khi nhìn vào biểu lãi suất của ngân hàng đó. Điển hình như các NHTM nào có lãi suất huy động ổn định, lãi suất cho vay thấp, thì NHTM đó đã có thể được xếp hạng tốt. Nhưng nếu NHTM nào lãi suất huy động luôn niêm yết cao nhất, kéo theo lãi suất cho vay cao thì không thể nói đó là ngân hàng tốt được. Tuy nhiên, cách nhìn nhận này cũng mới chỉ dừng lại ở giới chuyên môn, còn tâm lý người gửi tiền thường chỉ quan tâm ngân hàng nào lãi suất cao nhất. Ngân hàng nào lãi suất cho vay dù có cao nhưng cách giải quyết hồ sơ vay vốn nhanh hơn chút lập tức được ưa chuộng.
Thời gian qua, các NHTM đua nhau sử dụng các danh hiệu “ngân hàng tốt nhất”, “ngân hàng bán lẻ tốt nhất”… do các tổ chức và tạp chí nước ngoài trao tặng, như một hình thức quảng bá hình ảnh NHTM để tiếp cận khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, những danh hiệu đó hầu như chỉ có ý nghĩa marketing cho NHTM, chứ hoàn toàn không được NHNN tính điểm cộng, điểm trừ gì cho hoạt động đánh giá ngân hàng có sức khỏe an toàn, hiệu quả.
Đánh giá cả định lượng và định tính
Về tiêu chí đánh giá xếp hạng các NHTM, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, OCB mặc dù không nằm trong top 10 NHTM được lựa chọn thí điểm áp dụng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế theo Basel II nhưng thời gian qua OCB cũng tự xây dựng các chỉ tiêu an toàn theo chuẩn Basel II. Một số tổng giám đốc các NHTMCP khác cho rằng, việc NHNN xây dựng quy định mới trong xếp hạng NHTM để phục vụ cho hoạt động điều hành cho giai đoạn tới là cần thiết, khi các chỉ số tín dụng, tài sản, vốn điều lệ của các NHTM trong 10 năm qua đã tăng đều.
Ví như, hai ngân hàng có cùng các chỉ tiêu định lượng về vốn điều lệ, xuất phát điểm tham gia thị trường… ngang nhau. Nhưng một NHTM có khả năng thích ứng với điều kiện thị trường khó khăn tốt hơn nhờ hoạt động quản trị tốt, nhân lực chất lượng thì cũng nên tính đến yếu tố xếp A+. Tổng giám đốc một NHTMCP ở TP.HCM đặt vấn đề, nếu những ngân hàng nào thường xuyên áp dụng lãi suất huy động thấp thì cũng nên đưa vào tiêu chí mềm đánh giá xếp hạng như một cách ổn định lãi suất thị trường.
Ví như, ACB đã từng có thời điểm trước năm 2012, nhiều năm liên tiếp là một NHTMCP có tỷ lệ sử dụng vốn huy động trên cho vay ở mức trên dưới 54%. Trong đó tỷ lệ đầu tư trái phiếu Chính phủ ACB luôn dành ra khoảng 5% dư nợ như một cách để dự trữ. Đầu tư trái phiếu Chính phủ được ví như “của ăn của để” đối với NHTM dư giả do lãi suất không cao như cho vay tín dụng ngoài xã hội, nhưng không phải ngân hàng nào cũng xác định như vậy.
Các NHTM đều đồng ý, xây dựng xếp hạng ngân hàng trên cả 2 tiêu chí định lượng và định tính. Sau khi hệ thống ngân hàng vượt qua thời kỳ tái cơ cấu hiện nay, NHNN có thể công bố kết quả xếp hạng NHTM tốt và yếu ra xã hội, để các ngân hàng không ỷ lại và tăng tính cạnh tranh.