Đề xuất 5 tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại TCTD
Ảnh minh hoa |
5 tiêu chí đánh giá
Theo Dự thảo Thông tư, việc đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại các TCTD căn cứ vào các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị định số 93/2017/NĐ-CP, trong đó các chỉ tiêu đánh giá được xác định như sau.
Thứ nhất là tổng doanh thu. Chỉ tiêu tổng doanh thu được xác định theo số dư có tài khoản doanh thu trong hệ thống tài khoản kế toán của tổ chức tín dụng.
Thứ hai là lợi nhuận sau thuế và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu. Trong đó, lợi nhuận sau thuế là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh sau khi trừ đi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu được xác định bằng tỷ lệ phần trăm của lợi nhuận sau thuế chia vốn chủ sở hữu bình quân trong năm.
Thứ ba là tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn. Trong đó tỷ lệ nợ xấu là tỷ lệ giữa số dư nợ xấu (nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5) so với tổng dư nợ từ nhóm 1 đến nhóm 5 theo quy định của NHNN Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD.
Tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn là tỷ lệ giữa số dư nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) so với tổng dư nợ từ nhóm 1 đến nhóm 5 theo quy định của NHNN Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD.
Thứ tư là tình hình chấp hành chế độ, chính sách pháp luật.
Thứ năm là tình hình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích (nếu có).
Tuy nhiên Dự thảo Thông tư cũng quy định, 6. Khi tính các chỉ tiêu theo quy định trên được loại trừ những ảnh hưởng của các yếu tố theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định số 93/2017/NĐ-CP.
TCTD được xếp loại thành 3 mức
Dự thảo Thông tư nêu rõ, việc đánh giá hiệu quả hoạt động của TCTD do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ căn cứ vào các tiêu chí sau.
Tiêu chí 1: Tổng doanh thu. Theo đó, TCTD xếp loại A khi tổng doanh thu thực hiện bằng hoặc cao hơn kế hoạch được giao; TCTD xếp loại B khi tổng doanh thu thực hiện thấp hơn nhưng tối thiểu bằng 90% so với kế hoạch được giao; TCTD xếp loại C khi tổng doanh thu thực hiện đạt dưới 90% kế hoạch được giao.
Tiêu chí 2: Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu. Cụ thể, TCTD xếp loại A khi tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu thực hiện bằng hoặc cao hơn kế hoạch được giao; TCTD xếp loại B khi tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu thực hiện thấp hơn nhưng tối thiểu bằng 90% so với kế hoạch được giao; TCTD xếp loại C khi tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt dưới 90% so với kế hoạch được giao.
Đối với những TCTD có lỗ kế hoạch: Nếu lỗ thực hiện thấp hơn lỗ kế hoạch: Xếp loại A; Nếu lỗ thực hiện bằng lỗ kế hoạch: Xếp loại B; Nếu lỗ thực hiện cao hơn lỗ kế hoạch: Xếp loại C. Trường hợp do thực hiện tăng thêm nhiệm vụ được loại trừ khi xác định chỉ tiêu lỗ thực hiện so với lỗ kế hoạch được giao.
Tiêu chí 3: Tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn. TCTD xếp loại A là TCTD có tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn thực hiện bằng hoặc thấp hơn kế hoạch được giao và tỷ lệ nợ xấu nhỏ hơn 3%, tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn nhỏ hơn 1,5%; TCTD xếp loại C là TCTD có tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn thực hiện cao hơn 110% kế hoạch được giao hoặc tỷ lệ nợ xấu lớn hơn 3,5% hoặc tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn lớn hơn 2%; TCTD xếp loại B là các TCTD còn lại không được xếp loại A hoặc loại C.
Tiêu chí 4: Tình hình chấp hành các quy định pháp luật hiện hành. TCTD xếp loại A trong trường hợp: Không có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về vi phạm chế độ, chính sách một trong những lĩnh vực đã nêu tại khoản 4 Điều 8 Thông tư này; Bị các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền (số tiền từng lần bị xử phạt dưới 20.000.000 đồng) phát sinh trong năm tài chính thực hiện việc đánh giá xếp loại doanh nghiệp.
TCTD vi phạm một trong các trường hợp sau đây thì xếp loại B: Bị cơ quan đại diện chủ sở hữu/cơ quan tài chính nhắc nhở từ 01 lần trở lên bằng văn bản về việc nộp báo cáo giám sát, báo cáo xếp loại doanh nghiệp, báo cáo tài chính và các báo cáo khác không đúng quy định, không đúng hạn; Bị các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền (số tiền từng lần bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng) phát sinh trong năm tài chính thực hiện việc đánh giá xếp loại doanh nghiệp.
TCTD xếp loại C khi vi phạm một trong các trường hợp sau đây: Có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về vi phạm cơ chế, chính sách một trong những lĩnh vực đã nêu tại khoản 4 Điều 8 Thông tư này; Không nộp báo cáo giám sát, báo cáo xếp loại doanh nghiệp, báo cáo tài chính và các báo cáo khác theo quy định hoặc nộp báo cáo không đúng quy định, đúng thời hạn bị cơ quan đại diện chủ sở hữu/cơ quan tài chính nhắc nhở bằng văn bản từ 02 lần trở lên; Bị các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bằng các hình thức khác (ngoài hình thức cảnh cáo) hoặc bị phạt tiền (số tiền bị xử phạt một lần từ 50.000.000 đồng trở lên) trong năm tài chính thực hiện việc đánh giá xếp loại doanh nghiệp; Người quản lý điều hành doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ của doanh nghiệp đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tiêu chí 5: Tình hình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích. TCTD xếp loại A khi hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức kế hoạch về sản lượng với chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ bảo đảm tiêu chuẩn quy định; TCTD xếp loại B khi hoàn thành tối thiểu 90% kế hoạch về sản lượng với chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo đảm tiêu chuẩn quy định; TCTD xếp loại C: khi hoàn thành dưới 90% kế hoạch về sản lượng hoặc chất lượng sản phẩm, dịch vụ không bảo đảm tiêu chuẩn quy định.
Cũng theo Dự thảo Thông tư, kết quả đánh giá và xếp loại TCTD được phân loại: TCTD xếp loại A, B, C theo mức độ hoàn thành các chỉ tiêu đánh giá do cơ quan đại diện chủ sở hữu giao cho từng TCTD.
Căn cứ kết quả phân loại cho từng tiêu chí 1, 2, 3 và tiêu chí 4 quy định tại Khoản 1 Điều 30 Nghị định số 93/2017/NĐ-CP để xếp loại cho từng tổ chức tín dụng như sau: TCTD xếp loại A khi không có tiêu chí xếp loại C, trong đó tiêu chí 2, tiêu chí 3 và tiêu chí 4 được xếp loại A; TCTD xếp loại C khi có tiêu chí 2, tiêu chí 3 xếp loại C hoặc có tiêu chí 2 hoặc tiêu chí 3 xếp loại B và 3 tiêu chí còn lại xếp loại C; TCTD xếp loại B là doanh nghiệp còn lại không được xếp loại A hoặc loại C.
(Xem toàn văn Dự thảo thông tư)