Xử lý nợ xấu: Ngân hàng không thể “đơn thương độc mã”
Cởi nút thắt xử lý nợ xấu | |
Cần có luật riêng để xử lý nợ xấu |
Quang cảnh Hội thảo |
Tới dự Hội thảo có đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTV Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội... đại diện thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Tham dự còn có đại diện Trưởng đoàn, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố; các đại biểu Quốc hội; đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương; các tổ chức tín dụng (TCTD), các chuyên gia kinh tế...
TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; PGS.TS. Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN; PGS.TS. Đỗ Chí Nghĩa - Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân; TS. Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC đồng chủ trì Hội thảo.
Hiện nay, nợ xấu và xử lý nợ xấu là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của cả cộng đồng xã hội. Đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách để có thể khơi thông những ách tắc trong nền kinh tế, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển. Xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu không chỉ là mong muốn của ngành Ngân hàng mà còn là mong muốn của cả hệ thống chính trị.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Đỗ Chí Nghĩa, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cho rằng: Hội thảo “Xử lý nợ xấu - Những nút thắt cần tháo gỡ” được tổ chức với mục đích trao đổi, thảo luận để xác định những vấn đề tồn tại là “nút thắt” trong xử lý nợ xấu của các TCTD và của VAMC; phân tích nguyên nhân của những vấn đề tồn tại đó; chia sẻ những tình huống thực tế để có được góc nhìn đầy đủ, toàn diện trong xử lý nợ xấu.
Hơn nữa, đây cũng là diễn đàn để các TCTD, các DN và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan cùng phân tích, đánh giá và đưa ra cách nhìn nhận đầy đủ, nhất quán trong vấn đề xử lý nợ xấu.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC nêu ra một số “nút thắt” trong hoạt động xử lý nợ xấu ở VAMC như việc VAMC không có quyền chủ nợ đối với nợ xấu mua bằng Trái phiếu đặc biệt (TPĐB). Việc tổ chức thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khoản nợ xấu để xử lý nhằm thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn, công tác xử lý TSBĐ bị kéo dài.
Bên cạnh đó, việc xác định giá khởi điểm để phát mại tài sản cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm được sự đồng thuận giữa TCTD, khách hàng và VAMC. Hay việc định giá khoản nợ chưa có quy định cụ thể, VAMC phải lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để thu hồi nợ…
Ông Hùng cũng chia sẻ thêm, kết quả xử lý nợ xấu VAMC đã mua còn hạn chế do VAMC không đủ nguồn lực và thiếu các cơ chế, chính sách, quy định pháp lý mang tính đặc thù để xử lý nhanh nợ xấu, TSBĐ. Hiện hệ thống văn bản pháp lý hành lang cho hoạt động của VAMC mới dừng ở mức văn bản dưới luật và nhiều bộ, ngành ban hành văn bản điều chỉnh hoạt động của VAMC.
Cho rằng cần phải có cái nhìn khách quan về nợ xấu, ông Hùng cho biết, nợ xấu không phải do một mình hệ thống ngân hàng gây ra mà do nhiều nguyên nhân. Bởi vậy không để một mình ngành Ngân hàng "loay hoay" xử lý nợ xấu, nợ xấu càng chậm được xử lý, càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế. Do vậy cả xã hội cần chung tay cùng hệ thống ngân hàng để xử lý nợ xấu, coi xử lý nợ xấu là trách nhiệm của toàn xã hội và cùng chung tay xử lý trên tinh thần công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó cũng cần có biện pháp thật mạnh đối với những khách hàng trả nợ, cố tình trây ỳ không hợp tác; tháo gỡ những nút thắt liên quan đến cơ chế chính sách, xây dựng và thông qua một đạo luật xử lý nợ xấu hoặc có Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về xử lý nợ xấu, luật này có giá trị trong thời hạn xử lý nợ xấu từ 3 - 5 năm…
Đồng quan điểm với Chủ tịch VAMC, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO cũng cho rằng: Không thể phó thác việc xử lý nợ xấu cho riêng hệ thống ngân hàng, để ngân hàng phải “đơn thương độc mã” xử lý nợ xấu.
Luật sư Đức cũng nhận định, trong bối cảnh hiện nay, vướng mắc chủ yếu của xử lý nợ xấu nằm trong các đạo luật. Theo ông, muốn tháo gỡ thì phải sửa luật, có thể xem xét để ban hành một đạo luật để xử lý nợ xấu.
Bày tỏ quan điểm tại Hội thảo, PGS.TS. Đặng Ngọc Đức, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận thấy: “Không có giải pháp chung cho những nút thắt khác nhau, kể từ vấn đề pháp lý, thị trường hay sự đồng thuận của xã hội. Quan trọng là phải nhận diện được phương thức nào để tiến hành xử lý nợ xấu, sau đó mới có thể đưa ra một số khuyến nghị để hoàn thiện cơ sở pháp lý để xử lý nút thắt này”.
Ông Đức khuyến nghị, phương thức xử lý nợ xấu là chứng khoán hoá nợ xấu để đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán và sử dụng phiếu nợ chuyển đổi của các DN nợ xấu là tài sản đối ứng cho lượng chứng khoán đã phát hành...
Nhiều ý kiến tại Hội thảo thể hiện mong muốn sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội trong hoạt động xử lý nợ xấu, để định hình những giải pháp quan trọng nhằm xử lý nợ xấu triệt để, tạo đà cho sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế. Bàn thêm về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế khẳng định “đã tới lúc cần phải đột phá”.
Theo TS. Lực, cần sự đột phá từ hành lang pháp lý, trao thêm quyền năng cho VAMC, phát triển thị trường mua bán nợ đúng nghĩa và thúc đẩy một số nguồn lực (tài chính, nhân lực), sự phối hợp của các Bộ, ngành. Ông Lực cũng bày tỏ sự đồng thuận với quan điểm của một số chuyên gia là đã tới lúc cần phải nghiên cứu tạo luật riêng về nợ xấu. Và nên có tổ công tác liên ngành, hoặc mời đại diện các Bộ, ngành tham gia vào hội đồng quản trị của VAMC.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội thảo |
Từ những góc nhìn đầy đủ, toàn diện và nhất quán về xử lý nợ xấu, Hội thảo đưa ra những giải pháp quan trọng để xử lý nợ xấu được triệt để, hiệu quả. Theo đó, xây dựng khuôn khổ pháp lý điều tiết toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc xử lý nợ xấu, tạo lập một môi trường hoạt động minh bạch, bình đẳng, thông suốt; đặc biệt chú ý đến việc hoàn tất thủ tục pháp lý xử lý TSBĐ, thu hồi nợ, thu giữ tài sản, phát mại tài sản, định giá tài sản; phát triển khung pháp lý cho thị trường mua - bán và xử lý tài sản xấu.
Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực xử lý nợ xấu của VAMC với những cơ chế đặc thù để VAMC có thể hoạt động hiệu quả trên nguyên tắc xử lý nợ xấu phải được thực hiện nhanh, giảm thiểu những thiệt hại phát sinh do sự chậm trễ trong xử lý nợ xấu. VAMC có thể chủ động quyết định trong việc cơ cấu lại nợ, bán nợ/TSBĐ mà không phải trao đổi để thống nhất với TCTD, DN có nợ xấu.
Bên cạnh đó, cần có nguồn tiền thực để xử lý nợ xấu mới đảm bảo hiệu quả và nhanh chóng. Các hình thức xử lý nợ xấu phải được đa dạng hóa trên cơ sở đảm bảo tính công khai, minh bạch. Hệ thống thông tin nợ xấu được tổ chức để dễ dàng giới thiệu các khoản nợ xấu/TSBĐ tới các nhà đầu tư có quan tâm, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu và tạo tiền đề để xây dựng một thị trường mua bán nợ tại Việt Nam.
Kết luận Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho rằng, Hội thảo đã có những đóng góp quan trọng vào định hướng chung, đảm bảo hoạt động xử lý nợ xấu được triệt để theo đúng mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra cũng như yêu cầu hoạt động của xã hội, nền kinh tế.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, ngành Ngân hàng luôn mong muốn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ, tạo điều kiện của Quốc hội nói chung và đại biểu Quốc hội nói riêng để ngành có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó có vấn đề kiểm soát và xử lý nợ xấu.
Tính đến thời điểm 31/8/2016, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các TCTD tự xử lý (chiếm 57,2%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 42,8%. |