Cần có luật riêng để xử lý nợ xấu
Cần thông tư liên Bộ để gỡ khó xử lý nợ xấu | |
Sẽ trình phương án đấu giá để xử lý nợ xấu xin ý kiến đại biểu | |
Xử lý nợ xấu: Không chỉ đặt trên vai NHNN |
Xử lý nợ xấu sẽ khó có thể được đẩy nhanh nếu vẫn còn những lực cản tư tưởng, khi nhiều ý kiến cho rằng đây là trách nhiệm của riêng hệ thống NH. Việc không phân định rõ trách nhiệm và đổ lỗi về một phía khiến các giải pháp căn cơ để xử lý nợ xấu chậm ban hành. Hậu quả là nợ xấu dồn lại và như chúng ta thấy, đã cản trở một nguồn lực quan trọng vào phát triển kinh tế.
Phân định trách nhiệm
TS. Nguyễn Đức Kiên |
Tính đến nay, VAMC đã thực hiện mua được 25.062 khoản nợ tại 42 TCTD, với tổng dư nợ gốc 262.054 tỷ đồng, giá mua nợ là 227.848 tỷ đồng. VAMC đã phối hợp với các TCTD tổ chức thu hồi nợ đạt 37.983 tỷ đồng dưới nhiều hình thức thu hồi nợ như: bán nợ, bán TSBĐ… đạt tỷ lệ 15% dư nợ gốc nội bảng.
Nhìn lại quá trình hình thành nợ xấu, cùng với thực tế là phần lớn món nợ đang nằm ở VAMC đều có tài sản bảo đảm liên quan đến bất động sản, có thể thấy rằng nợ xấu phát sinh là thuộc trách nhiệm của 3 bên.
Thứ nhất, Nhà nước đã không đảm bảo được cơ chế kiểm soát đủ mạnh để điều tiết và có tính chất ngăn cản những định hướng lệch lạc trong phát triển vốn có của nền kinh tế. Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, phần lớn nợ xấu hình thành do bong bóng bất động sản tạo nên, còn nợ của những DN đầu tư sản xuất chiếm tỷ lệ không quá bán.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của cơ quan quản lý là không tạo ra được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát và các chỉ số vĩ mô khác xấu đi tác động bất lợi đến tình hình kinh tế và tạo ra nợ xấu. Điều quan trọng nhất từ phía Nhà nước về chính sách vĩ mô là lấy số lượng tăng trưởng làm yếu tố quyết định cho nền kinh tế, nên đã đầu tư ồ ạt để tạo ra tốc độ tăng trưởng ban đầu qua các dự án lớn, nhưng vòng tăng trưởng lần 2 để hoàn vốn thì không đạt được như kỳ vọng, từ đó hình thành nợ xấu.
Thứ hai, trách nhiệm của DN là đã tự cuốn vào sự bùng nổ của thị trường bất động sản và những dịch vụ, ngành sản xuất theo trào lưu. Ví dụ, có một thời kỳ nhà nhà làm đóng tàu, người người làm đóng tàu. Ngay Nam Định là một tỉnh mà bờ biển không mấy thuận lợi cho đánh bắt, khai thác thủy hải sản cũng có nhà máy đóng tàu. Rồi khắp nơi từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Dung Quất, Sài Gòn… đều có nhà máy đóng tàu. DN nhao vào dòng xoáy đầu tư, cuốn theo và đầu tư không có hiệu quả.
Bên cạnh việc lựa chọn hướng sản xuất kinh doanh theo phong trào thì DN cũng lao vào thị trường bất động sản mà không tính toán tới nhu cầu và khả năng phát triển của thị trường. Cuối cùng, khi chính sách vĩ mô thay đổi, khi bong bóng bất động sản “xì hơi” khiến nợ xấu hình thành. Đó là trách nhiệm của DN.
Cuối cùng, trách nhiệm phía NH là mặc dù NH thực hiện nhiệm vụ cấp vốn cho nền kinh tế theo các định hướng, chủ trương, chính sách của Nhà nước, song chuẩn mực chất lượng cán bộ lại chưa đủ để đánh giá các khoản vay, chất lượng dự án vay, và cơ sở pháp lý của các tài sản bảo đảm có theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Vấn đề khác của NH là xuất hiện một số đối tượng không liêm chính, trục lợi cá nhân...
Như vậy, nhìn nhận một cách khách quan, từ phía Nhà nước, DN, NH đều có trách nhiệm trong việc để hình thành nợ xấu, đã dẫn đến hậu quả tất yếu như ngày hôm nay, cả nền kinh tế đang phải gánh chịu hậu quả mà cả khối nợ xấu để lại.
Phần lớn nợ xấu hình thành là do bong bóng bất động sản |
Luật sẽ phải xác định được cả cơ chế và nguồn lực để thực thi
Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong điều kiện nền kinh tế vận hành bình thường, mỗi năm chúng ta vẫn có thêm khoảng 1-1,2% nợ xấu, quy mô khoảng 60-70 nghìn tỷ đồng. Kể cả khi không có nợ xấu trước đây thì trong quá trình hoạt động của các TCTD bao giờ cũng hình thành nợ xấu. Và nếu cứ tiếp tục để dồn lại thì nguy cơ ách tắc nguồn lực đối với nền kinh tế sẽ ngày càng lớn lên.
VAMC ra đời vào tháng 7/2013, trong bối cảnh hệ thống tín dụng đối mặt với rủi ro do khối lượng nợ xấu lớn tạo ra. Yêu cầu cấp bách lúc đó là phải có giải pháp gom tất cả số nợ xấu lại, hình thành trái phiếu đặc biệt để tách nợ xấu ra khỏi bảng cân đối tài sản của các TCTD, tạo ra dòng chảy tiền tệ cho các TCTD đảm bảo an toàn hệ thống. Nhưng đến thời điểm hiện nay, sau khi thực hiện xong vai trò đảm bảo an toàn hệ thống, khơi được dòng tín dụng của các TCTD, thì đã đến lúc phải quay trở lại xử lý số nợ đó.
Hiện nay, các vướng mắc trong xử lý nợ xấu đang tập trung chủ yếu ở việc xử lý tài sản bảo đảm, do trước đây đã thiếu rà soát chứng từ của tài sản bảo đảm. NH chưa tính rằng nhà ở, đất ở thế chấp còn liên quan đến các luật khác như Luật Thừa kế, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Nhà ở... Vì vậy mới xảy ra các tình huống không thể song phương giải quyết giữa NH và khách hàng.
Đây là những vấn đề mà NH chưa biết cách giải thích để tạo được sự đồng thuận trong xã hội, và tự đặt mình vào tình thế khó. Trong khi nhìn nhận một cách khách quan thì NH cũng đang phải trả giá và đang “khắc phục” bằng việc áp dụng một cách chặt chẽ các quy định chuẩn mực về quản trị rủi ro.
Như vậy, vấn đề hiện nay rất vướng là để xử lý được tài sản bảo đảm thì phải sửa rất nhiều luật, song luật pháp cần có sự ổn định và tính dài hạn. Chúng ta không thể sửa một loạt luật để phục vụ cho việc xử lý nợ xấu. Nếu đặt giả thiết sau khi sửa luật để xử lý xong nợ xấu, lại hồi phục theo nội dung hiện hành, cũng là việc khó có thể chấp nhận. Đó là lý do tại sao các cơ quan vĩ mô đang cân nhắc việc sửa đổi hệ thống pháp lý để hỗ trợ NH xử lý nợ xấu nói riêng và tái cơ cấu nói chung.
Trong tình huống này, một giải pháp cần được cân nhắc là NHNN báo cáo Chính phủ và xin ý kiến Quốc hội để xây dựng một luật riêng về xử lý nợ xấu hình thành trong giai đoạn 2007-2013. Luật này sẽ chi phối và quy định toàn bộ hoạt động hình thành nợ xấu trong giai đoạn đó, còn nợ phát sinh trong giai đoạn tháng 7/2013 trở lại đây thì áp dụng theo pháp luật hiện hành.
Để xây dựng luật này, cần phải có những báo cáo phân tích nợ xấu từ thời kỳ hình thành, nêu rõ các điều khoản gây ra vướng mắc cần xử lý tại từng luật như Luật Dân sự, Luật Tố tụng dân sự, Luật Hình sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Thừa kế, Luật Nhà ở…
Cần thống kê một loạt luật đi theo tài sản bảo đảm với các điều khoản gây vướng mắc cụ thể, từ đó tạo cơ sở để xây dựng luật. Trong một Nhà nước pháp quyền, chúng ta cần có cơ chế trước, sau đó mới xác định nguồn lực tài chính để thực hiện cơ chế đó. Vì vậy, để xử lý nợ xấu, luật sẽ phải xác định được cả cơ chế và nguồn lực để thực thi.