Xuất khẩu chè tới hạn phải cải cách
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, khối lượng chè xuất khẩu của Việt Nam 11 tháng năm 2014 khoảng 120,4 nghìn tấn, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu so với kim ngạch xuất khẩu cùng thời gian này đạt khoảng 206 triệu USD, tính ra giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt khoảng 1.711 USD/tấn trong 11 tháng qua.
Một số DN chè chỉ tập trung xuất khẩu mà quên thị trường nội địa
Ông Phạm Mạnh Cường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tuyên Quang chia sẻ, có thể thấy vai trò quan trọng của ngành chè trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay giá chè Việt Nam ở mức khá thấp so với giá chè xuất khẩu bình quân trên thế giới, khoảng 2.200 USD/tấn.
Nghịch lý là trong khi nhiều DN “đam mê” theo đuổi định hướng xuất khẩu mà “bỏ quên” chất lượng và ổn định nguồn cung. Trong 20 năm qua, thị trường xuất khẩu chè Việt Nam phát triển không nhiều, chỉ tập trung vào 12 quốc gia và chủ yếu là thị trường châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia, Philippines…
Lượng xuất khẩu giai đoạn trước năm 2005 tăng mạnh. Giai đoạn 2009 - 2013, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất khẩu được khoảng 140 tấn chè đen các loại và đến nay lượng xuất khẩu cơ bản đã đến điểm tới hạn.
Theo thống kê mới đây của Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cũng cho thấy, cả nước có trên 455 cơ sở chế biến chè đen có quy mô công suất từ 1 tấn chè búp tươi/ngày trở lên. Tuy nhiên, số nhà máy được trang bị đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật đồng bộ chỉ khoảng 20%; số nhà máy tiêu chuẩn kỹ thuật ở mức trung bình 40% và còn lại 40% là những cơ sở chế biến chắp vá, không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy trình chế biến chè đen.
Tổng công suất thiết kế của các nhà máy là 4.646 tấn chè nguyên liệu/ngày, năng lực chế biến đạt 1,5 triệu tấn chè nguyên liệu/năm. Tuy nhiên, công suất hiệu dụng thực tế chỉ đạt khoảng 600 nghìn tấn chè nguyên liệu (40% so với công suất thiết kế của các nhà máy).
Hiệp hội Chè Việt Nam cũng khẳng định, các nhà máy chế biến chè hiện đang chủ yếu sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu. Số DN chế biến đầu tư cho vùng nguyên liệu riêng chiếm chưa đến 40%, việc quản lý chất lượng chè nguyên liệu còn hạn chế cũng là một phần dẫn đến chất lượng chè chưa cao.
Do vậy, việc xây dựng đồng bộ chuỗi liên kết để đầu tư, quản lý chất lượng chè nguyên liệu và đầu tư trang thiết bị công nghệ chế biến chè đáp ứng với yêu cầu là hết sức cần thiết.
Ông Trần Tú Anh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Phú Thọ cho rằng, chè đen xuất khẩu ra thị trường thế giới còn ở dạng nguyên liệu, chưa có sản phẩm mang thương hiệu riêng. Vì vậy, nhiều nước nhập nguyên liệu về hoàn thiện công đoạn cuối cùng thành sản phẩm có thương hiệu rồi đưa ra thị trường với giá cao.
Lấy dẫn chứng từ Phú Thọ, ông Trần Tú Anh cho biết, quy trình an toàn thực phẩm trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn châu Âu mới chỉ tập trung ở một số ít DN, trong dân hiện nay chỉ được 400 ha chè sản xuất theo VietGap.
Và mặc dù tỉnh với sự hỗ trợ của Nhà nước đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, nhưng số lượng tới nay vẫn đếm trên đầu ngón tay với từ 3 - 4 chuỗi sản xuất. Đối với chế biến, tổng công suất thiết kế của DN chế biến chè 260.000 tấn chè nguyên liệu/năm, trong khi đó năng lực cung cấp nguyên liệu của tỉnh mới chỉ đạt 43.000 tấn/năm.
Chia sẻ về những khó khăn mà DN chế biến chè hiện đang gặp phải, ông Nguyễn Duy Chánh, Giám đốc Công ty Chè Mộc Châu - Sơn La cho biết thêm, mặc dù mỗi năm công ty này đầu tư cả chục tỷ đồng tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đồng thời hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân nhưng mỗi vụ mùa chỉ thu mua được tối đa 70% lượng chè trên vùng nguyên liệu, còn lại bị thất thoát do các cơ sở nhỏ vơ vét. Vì vậy, công ty luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến.
Do chất lượng nguyên liệu cũng như sản phẩm xuất khẩu hạn chế, chè Việt Nam lại đang phải cạnh tranh gay gắt với chè từ nhiều quốc gia có thế mạnh như Sri Lanka, Ấn Độ, Trung Quốc… Chính vì vậy, “Để nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp, khâu xúc tiến thương mại đóng vai trò quan trọng vì nếu mạnh trong sản xuất mà không tìm được thị trường, không bao giờ có thể nâng cao được giá trị hàng hóa.
Tuy nhiên, chúng ta không chỉ dừng lại thương mại mà còn phải ở tất cả các khâu từ đầu vào, thu mua đến chế biến, vì đối với các nước khác, họ còn có khâu sau tiêu thụ”, ông Cường nói.
Đồng thời, theo các chuyên gia, nếu muốn tăng lượng xuất khẩu, cần thiết phải thay đổi mặt hàng chè đen lên những cấp độ sản phẩm cao hơn gắn với nhu cầu cụ thể của từng thị trường và đặc biệt là phải tìm kiếm những thị trường mới ổn định và có tiềm năng hơn.
Hà Sơn