Xuất khẩu giảm tốc qua một năm chật vật
Việt Nam - nền kinh tế nổi bật ở châu Á | |
Xuất khẩu khó có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 10% | |
Nâng chất cho hàng hóa xuất khẩu |
Kim ngạch hàng hoá xuất khẩu năm 2016 ước tính đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm trước. Dù mức tăng trưởng xuất khẩu này đã cao hơn năm 2015 (7,9%), tuy nhiên như vậy là đã 2 năm liền tăng trưởng xuất khẩu chỉ đạt một con số và không hoàn thành mục tiêu đề ra.
Khó khăn bủa vây
Số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 50 tỷ USD, tăng 4,8%; trong khi kim ngạch của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) cao gấp 2,5 lần, đạt 125,9 tỷ USD, tăng 10,2%.
Sự chững lại khá nhanh của tốc độ tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, cùng sự chững lại của giá dầu, cũng như khó khăn trong xuất khẩu hàng nông sản là những lý do trực tiếp khiến xuất khẩu tiếp tục chật vật. Và theo nhiều dự báo thì xu thế này sẽ còn tiếp diễn, khiến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam khó có thể cao như những năm trước đây.
Độ mở lớn khiến nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại toàn cầu, gây rủi ro cho tăng trưởng |
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu một số nhóm hàng công nghiệp chủ lực là điện thoại và linh kiện đạt 34,5 tỷ USD, tăng 14,4%, tốc độ tăng trưởng chỉ bằng một nửa so với mức 29,9% của năm 2015; dệt may đạt 23,6 tỷ USD, tăng 3,3%, thấp hơn đáng kể mức 8,2% của năm 2015. Tương tự như vậy, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện chỉ đạt 18,4%, thấp hơn mức 38,2%; giày dép đạt 7,6%, thấp hơn mức 16,2%.
Cùng với đó, xuất khẩu một số mặt hàng nông sản và nguyên liệu thô cũng giảm so với năm trước. Dầu thô, mặt hàng luôn có đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, cả năm vừa qua đạt 2,3 tỷ USD, trong đó lượng giảm 24,2%, cùng với giá thế giới giảm sâu đã kéo kim ngạch xuất khẩu chung giảm tới 36,7%; gạo đạt 2,2 tỷ USD, giảm 21,7% (lượng giảm 25,7%); sắn và sản phẩm từ sắn đạt 996 triệu USD, giảm 24,3% (lượng giảm 10,9%).
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã phải thốt lên rằng, năm 2016 là năm khó khăn nhất với ngành dệt may trong 10 năm qua khi mức tăng trưởng hàng tháng chỉ ngấp nghé 5% và tới cuối năm thì con số này chỉ còn là 3,3%. Ngoại trừ 2 năm gần đây, những năm trước ngành này luôn có tốc độ tăng trưởng khá cao là trên 10%.
Trong khi đó, đối với nhóm hàng gia công lắp ráp với tỷ trọng lớn thuộc về các DN FDI (chiếm khoảng 97-98%), như điện thoại các loại và linh kiện, điện tử, máy tính và linh kiện, tình hình có vẻ sẽ ít khả quan. Bởi theo GS-TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, NĐT nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực này là Samsung, năm tới vẫn giữ chỉ tiêu xuất khẩu khoảng 34 tỷ USD, không cao hơn so với năm 2016.
Trước những khó khăn hiển hiện này, vừa qua mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu chỉ được đặt ra ở mức 6-7%, nhằm đảm bảo Việt Nam sẽ không có thêm một năm nữa không đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu.
Nguy cơ khi phụ thuộc xuất khẩu
Dù xuất khẩu đã có 2 năm gặp khó khăn liên tiếp, song theo các chuyên gia, nếu nhìn trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới và khu vực thì kết quả mà Việt Nam đã đạt được là không tồi. Theo một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam vẫn đạt được những tiến bộ đáng kể trong thúc đẩy thương mại trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực gặp khó.
Còn theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, kim ngạch xuất khẩu cả năm nếu loại trừ yếu tố giá vẫn tăng 10,6% so với năm 2015, do đó đóng góp của xuất khẩu vào tăng trưởng kinh tế đã là đủ với năng lực hiện nay của các ngành sản xuất công nghiệp.
Ông Ánh phân tích, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm nay tăng thấp do giá hàng hóa xuất khẩu bình quân giảm 1,8% so với năm trước, trong đó nhóm hàng nhiên liệu giảm tới 20,1%; nhóm hàng nông sản thực phẩm giảm 3,8%. Vì vậy, “nỗ lực của xuất khẩu đến nay theo tôi đã hết cửa, càng đẩy mạnh chúng ta càng thiệt”, ông Ánh khuyến cáo.
Song điều đáng lo ngại hơn là tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang chậm lại sẽ đe dọa đến tăng trưởng kinh tế chung, bởi nền kinh tế hiện nay đang phụ thuộc vào xuất khẩu với mức độ ngày càng lớn.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê dẫn chứng, cơ quan này đã tính toán độ mở của nền kinh tế trong giai đoạn 2011-2015, kết quả cho thấy độ mở cứ năm sau lại cao hơn năm trước. Cụ thể năm 2011 con số này là 163,8%, tới năm 2012 có giảm nhẹ, tuy nhiên sau đó lại liên tục tăng từ mức 164% của năm 2013 lên 179,1% của năm 2015. Và tới năm nay độ mở của nền kinh tế lên tới 180%. Điều này phản ánh kinh tế Việt Nam tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào thương mại thế giới, vào nhu cầu các quốc gia đối tác.
Và như chúng ta thấy đối với hàng hoá năm vừa rồi dù xuất siêu 2,68 tỷ USD, nhưng dịch vụ lại nhập siêu 5,4 tỷ USD. Vì vậy tính chung cán cân thương mại hàng hoá và dịch vụ đã nhập siêu 2,72 tỷ USD và làm giảm GDP trên 2 điểm %, ông Lâm phân tích.
Ông Jonathan Dunn, đại diện thường trú IMF còn cho rằng, xuất khẩu tăng trưởng chậm lại đang là một rào cản đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ông cảnh báo, thương mại toàn cầu đã giảm sút trong 10 năm qua, do vậy xuất khẩu sẽ không còn là một lực đẩy cho tăng trưởng nữa. Đồng thời, “viễn cảnh bấp bênh của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế, dù Việt Nam vẫn còn có các FTA khác”, ông Jonathan Dunn nói.