Xuất khẩu gỗ lo rủi ro với nguồn nhập khẩu
“Làng nghề chúng tôi đang rất gay go khi hàng loạt sản phẩm gỗ trắc làm ra 4-5 năm nay không xuất khẩu được. Lượng sản phẩm này quy ra khoảng 50.000 m3 gỗ và giá trị rất lớn. Làm sao chúng tôi xuất được số hàng này bây giờ, các cơ quan chức năng hãy giúp chúng tôi”, ông Vũ Quốc Vương – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Đồng Kỵ “kêu trời”.
Ảnh minh họa |
Một DN khác cũng dở khóc dở cười vì lô hàng gỗ nội thất bị khách hàng Hoa Kỳ từ chối bởi hàng được làm từ gỗ căm xe nhập khẩu từ Lào. Lượng gỗ căm xe này được khai thác từ dự án thủy điện, mà quá trình xin phép và thực hiện dự án này liên quan đến một số vấn đề như vi phạm các quy định có liên quan đến cộng đồng và các khoản thuế phí…
Việc của DN, chuyện của Đồng Kỵ cũng là chuyện rủi ro của nhiều DN và làng nghề khác: Chỉ vì không thể chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của gỗ nguyên liệu, chỉ vì gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ nhiều năm trước, nhập từ thị trường rủi ro cao không thể xuất khẩu vì không đáp ứng được yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp. Mức độ rủi ro mà những nhà sản xuất đồ gỗ Việt Nam phải đối mặt đang rất rộng.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hàng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 160-170 loài gỗ nguyên liệu (là gỗ tròn và gỗ xẻ) từ hơn 100 quốc gia với khoảng 4-4,5 triệu m3, tương đương trên 1,5 tỷ USD. Xu hướng nhập khẩu gỗ ngày càng tăng cả về lượng và ngày càng đa dạng trong các loài nhập khẩu không chỉ thể hiện qua con số tổng số loài nhập khẩu hàng năm mà còn qua góc độ cùng một loài được nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau. Ví dụ trong năm 2015 cùng một loài gỗ hương xẻ được nhập khẩu từ 28 quốc gia; Trong 7 tháng đầu 2016, cùng loài gỗ lim tròn được nhập khẩu từ 20 quốc gia.
Theo ông Tô Xuân Phúc, đại diện của Tổ chức Forest Trends, sự đa dạng trong nguồn gỗ nhập khẩu có thể giúp DN giảm rủi ro trước những thay đổi về nguồn cung. Nhưng “tính đa dạng trong các loài nhập khẩu và quốc gia nhập khẩu là một thách thức vô cùng lớn đối với việc kiểm tra tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu” - ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES) nhấn mạnh.
Nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu đang và sẽ tiếp tục có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành gỗ. Sản xuất gỗ càng phát triển, nhu cầu nhập khẩu gỗ nguyên liệu càng lớn.
Vì vậy, kiểm soát tính hợp pháp của nguồn gỗ nhập khẩu đã được Forest Trends cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), VIFORES, Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) và Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) quan tâm từ nhiều năm nay.
Để kiểm soát loài và nguồn gốc gỗ, kiểm soát hiệu quả tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu, tránh cho DN gặp rủi ro như Đồng Kỵ đòi hỏi cần có đầy đủ thông tin có liên quan đến các khâu của chuỗi cung nơi gỗ được khai thác và xuất khẩu. Một cơ sở dữ liệu xuất, nhập khẩu gỗ, trong đó có dữ liệu cho từng loài gỗ cụ thể và từng quốc gia xuất khẩu gỗ đang là một nhu cầu cấp thiết.
Hiện các loài gỗ nhập khẩu vào Việt Nam được chia làm 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhất bao gồm các loài như tần bì, bạch đàn, sồi, dương, thông… có nguồn gốc từ các khu rừng trồng hoặc/và các nước ôn đới, nơi gỗ nguyên liệu được coi là có độ rủi ro thấp về mặt pháp lý.
Nhóm gỗ thứ hai được nhập khẩu vào Việt Nam là các loài gỗ có nguồn gốc từ các khu rừng nhiệt đới, phần lớn là các loài được cho là có độ rủi ro pháp lý cao. Lượng nhập khẩu nhóm này vẫn ở mức cao, 20-30% trong tổng lượng gỗ xẻ nhập khẩu và 60-70% trong tổng lượng gỗ tròn nhập khẩu.
Tỷ trọng này đồng nghĩa với việc nhiều DN chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam không chỉ đối mặt với các rủi ro về mặt pháp lý mà còn tiếp tục bị ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu khi xuất khẩu.
Các DN cho biết đây là vấn đề rất thời sự và rất nóng, rất phức tạp.“Tôi đã trực tiếp gặp tham tán thương mại Hoa Kỳ. Vị này cảnh báo TPP được ký kết thì nguy cơ chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ tăng lên bởi họ luôn luôn đề cao việc bảo hộ sản xuất trong nước. Gỗ mà bị kiện bán phá giá thì nguy hiểm hơn chuyện cá basa và hàng dệt may bị kiện rất nhiều”, một DN xuất khẩu gỗ ở TP.Hồ Chí Minh phát biểu.
Bộ dữ liệu về thương mại gỗ Việt Nam và thế giới được VCCI , VIFORES, FPA Bình Định, HAWA nghiên cứu từ nhiều năm và đang tiếp tục được cập nhật thường xuyên. Bộ dữ liệu này điểm lại thương mại gỗ từng năm, thương mại gỗ với từng quốc gia và các thông tin về địa bàn khai thác của từng loại gỗ, tên của các loài gỗ, bao gồm tên địa phương, tên tiếng Anh và tên La tinh, tình trạng đất đai, tình trạng sở hữu đối với cây đứng… đối với từng loài gỗ nhập khẩu. Các thông tin sẽ góp phần quan trọng trong việc xác định các rủi ro có liên quan trực tiếp nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, giúp các DN có được sự chuẩn bị tốt hơn khi tham gia hội nhập, đồng thời mở rộng hơn nữa cơ hội xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu…