Xuất khẩu mây tre trước rào cản nguyên liệu
Nhìn đơn hàng ra đi
Duy trì đều đặn sản lượng xuất khẩu sản phẩm mây tre mỗi tháng, năm 2013, Công ty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) kiếm được doanh thu và lợi nhuận nhiều hơn so với năm trước. Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc công ty bộc bạch, thay vì “mua tạp” như trước, giờ khách hàng yêu cầu cao hơn về chất lượng nên bán hàng cũng được giá hơn.
Sản xuất sản phẩm mây tre tại làng nghề Phú Vinh, Hà Nội
Theo vị nọ, khi đẩy được chất lượng sản phẩm lên đúng với yêu cầu của khách hàng, các đơn hàng cũng về tay Hoa Sơn nhiều lên.
Ông Trung cho biết, để đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu hiện nay, DN phải đầu tư sâu vào máy móc, thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để gia tăng năng suất và chất lượng. Việc này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Với một DN làng nghề quy mô tài sản nhỏ như Hoa Sơn chỉ có khả năng đầu tư khoảng 20% yêu cầu thực tế.
DN đã cố gắng vượt qua bằng cách huy động từ người thân, gia đình và vay vốn ngân hàng. Song một thách thức mà công ty phải đối mặt là không đủ năng lực cung ứng cho thị trường, mà vấn đề nằm ở khâu nguyên liệu đầu vào không ổn định, đặc biệt là nguyên liệu chất lượng cao.
Do việc tìm mua nguyên liệu gặp khó khăn, Hoa Sơn đã tính đến chuyện đầu tư vùng trồng tre nguyên liệu tại Hà Giang. Bài toán lúc này đối với DN là tiếp tục phải đầu tư máy móc thiết bị trồng để đảm bảo chất lượng nguyên liệu, rồi chở về nhà máy sản xuất. Trong bối cảnh nguồn vốn khó khăn cho đầu tư mới, chi phí lao động và giá vận tải tăng lên nhiều khiến việc cân đối đầu vào càng thêm khó.
“Nguyên liệu đầu vào hiện vẫn chưa ổn định, chất lượng lại thấp. Chúng tôi rất lo khi hợp đồng đã ký rồi mà không làm kịp thời gian giao hàng”, ông Trung nói. Vì chuyện thiếu nguyên liệu, các hợp đồng mới đến với Hoa Sơn hiện tại đều phải tính toán kỹ về khả năng đáp ứng. Trong những trường hợp không đảm bảo thực hiện được, DN từng phải nhìn các hợp đồng giá trị lớn “ra đi”.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhiều loại nguyên liệu cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu đang thiếu hụt. Hiện tại, mây, song nguyên liệu đã phải nhập khẩu đến 30.000 tấn/năm. Nguyên liệu tre dù chưa phải nhập khẩu, song tình trạng nơi thừa, nơi thiếu đang khiến DN khó có nguồn cung ứng với giá ổn định. Chưa kể, nguồn cung hiện tại chỉ đáp ứng được cho nhu cầu làm tre đan lát thủ công mà chưa thể mở rộng sản xuất sản phẩm tre công nghiệp, khiến giá trị gia tăng cho sản phẩm thấp.
“Ở ta, chiếm nhiều nhất vẫn là sản phẩm bằng tre đan lát thủ công nên DN chưa đa dạng được sản phẩm, không dễ cập nhật được nhu cầu của thế giới, quanh đi quẩn lại chỉ làm được mành tre, giỏ… giá trị thấp”, ông Quyền cho hay.
Cần một tầm nhìn dài hạn
Theo đánh giá của ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích trồng mây tre hiện mới chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, song giá trị kinh tế mang lại rất lớn. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt khoảng 180 - 200 triệu USD/năm.
Ngành này cũng thu hút một lực lượng lao động đông đảo, đặc biệt tạo việc làm cho khoảng 350.000 người, chưa kể các lao động thời vụ tại các làng nghề… Sản phẩm mây tre của Việt Nam dù được xuất khẩu đi nhiều thị trường lớn, song lại chỉ chiếm thị phần khiêm tốn do cơ cấu sản phẩm chưa phù hợp, chưa đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) lưu ý rằng, phần lớn DN hoạt động trong lĩnh vực này đều có quy mô nhỏ. Trên 80% các cơ sở sản xuất không đủ vốn để đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất, hạn chế về năng suất lao động nên chất lượng sản phẩm thấp, mẫu mã thiếu đa dạng.
Một đại diện của Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối thêm rằng, ngoài tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu chất lượng cao, hiện vẫn chưa có DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ nhằm khai thác triệt để giá trị của nguyên liệu tre, luồng, mây, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của nguyên liệu đầu vào và giảm giá thành của sản phẩm.
Đã có không ít các chính sách phát triển ngành mây, tre và sản phẩm mây, tre xuất khẩu, song theo Tổng cục Lâm nghiệp, nhiều cơ quan quản lý vẫn chỉ xem đây là sản phẩm phụ, nên hệ thống quản lý tổ chức sản xuất còn rời rạc, chưa có chính sách hỗ trợ đặc thù. Trên thực tế, vùng trồng tre, nứa mặc dù phân bố rộng nhưng mức độ tập trung quy mô lớn khá thấp nên khó khai thác, giá thành nguyên liệu cao.
Với song và mây, do việc khai thác ồ ạt, thiếu quy hoạch và kế hoạch đã khiến nguồn nguyên liệu này cạn kiệt, buộc phải nhập khẩu. Trong khi đó, hiện cả nước có gần 130 DN và 713 làng nghề chế biến mây tre đan, đa phần nhà máy sản xuất không gắn với vùng nguyên liệu, công nghệ lạc hậu nên khó tạo tính liên kết và khai thác được vùng trồng, từ đó sản phẩm làm ra cũng kém khả năng cạnh tranh.
Nghị quyết 11 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển ngành mây, tre có ý nghĩa lớn, song đến nay vẫn “chỉ trên giấy”. Ông Quyền cho rằng, các bộ, ngành liên quan cần sớm vào cuộc để những chính sách hỗ trợ này đi vào cuộc sống, giúp phát huy tiềm năng của ngành. Theo đó, cần phát triển vùng nguyên liệu gắn với cơ sở chế biến, theo hướng chuyên môn hoá; hỗ trợ về đầu tư, kỹ thuật công nghệ, thiết kế sản phẩm và tiếp thị để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm...
Hà Sơn