Xuất khẩu xi măng sụt giảm: Cần tính cách để tăng
Cần hoàn thiện khâu logistics để tối ưu tiêu thụ xi măng trong nước và xuất khẩu |
Hẹp cửa xuất khẩu
“Lượng xuất khẩu clinker năm 2015 có khả năng giảm xuống, do cạnh tranh khốc liệt từ các nhà xuất khẩu khác như Trung Quốc, Hàn Quốc… Giá clinker cũng sẽ giảm hơn so năm 2014”, đại diện Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) phát đi cảnh báo tại Hội thảo “Xi măng hướng tới xuất khẩu tăng trưởng bền vững”, vừa diễn ra sáng 23/4 tại Hà Nội.
Diễn biến thị trường hiện nay đang đè nặng lên hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN trong ngành, bởi trong giai đoạn khó khăn về tiêu thụ trong nước vừa qua, thì xuất khẩu là một giải pháp mà nhiều công ty theo đuổi.
Vận hành sản xuất năm 2010, đúng thời điểm bối cảnh kinh tế có nhiều biến động khiến việc tiêu thụ xi măng trong nước gặp nhiều khó khăn, CTCP Xi măng Hạ Long đã tìm đến với hoạt động xuất khẩu, coi đây như một lối thoát hiểm. Phó tổng giám đốc công ty, ông Lương Thanh Tùng cho biết, giai đoạn 2010 - 2014, xi măng Hạ Long là một trong những đơn vị tiên phong xuất khẩu xi măng và clinker ra thị trường quốc tế.
“Thời gian qua, mặc dù xuất khẩu tăng lên nhiều, tuy nhiên tình hình cạnh tranh trên thị trường rất khốc liệt. Đặc biệt, vì các nhà sản xuất nhiều dẫn tới dư cung, bị nhà nhập khẩu ép giá”, ông Tùng nói.
Đại diện Vicem thừa nhận, hiện ngành xi măng Việt Nam gặp rất nhiều thách thức, bởi nguồn cung trên thị trường quốc tế tăng mạnh. Năm 2015, một số nhà xuất khẩu chính trong khu vực châu Á dự kiến tăng tổng lượng xuất khẩu thêm khoảng 5 - 6 triệu tấn, do nhu cầu trong nước thấp và nhiều dây chuyền sản xuất mới đi vào hoạt động.
Ví dụ như Nhật Bản sẽ tăng 0,3 - 0,5 triệu tấn, Trung Quốc tăng 2 - 3 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu clinker từ Việt Nam tại một số thị trường trên thế giới chưa có dấu hiệu tăng trưởng do các nguyên nhân khác nhau. “Xuất khẩu clinker 2015 khả năng giảm xuống 12-13 triệu tấn”, đại diện Vicem dự báo.
Mất cân đối cung-cầu đang hiện hữu với ngành xi măng Việt Nam. Hiện nay, sản lượng sản xuất xi măng và clinker thực tế đạt 70 - 80 triệu tấn/năm, nhưng sức tiêu thụ trong nước chỉ hơn 50 triệu tấn/năm, có nghĩa lượng dư thừa ước trên dưới 20 triệu tấn, cần tìm nguồn để xuất khẩu.
Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) thậm chí cho rằng, xuất khẩu xi măng không còn là một giải pháp tình thế, mà thuộc vấn đề dài hạn và cần có một giải pháp tổng thể đảm bảo hiệu quả chung cho nền kinh tế, và cho từng DN sản xuất và xuất khẩu.
Tìm giải pháp vẹn toàn
Hai hướng tháo gỡ khó khăn cho ngành xi măng được nhiều đại biểu tại hội thảo nêu lên, là các nhóm giải pháp cho thị trường nội địa và cho xuất khẩu. “Chúng ta phải có quy hoạch những cảng biển hợp lý ở khu vực phía Bắc và miền Trung để đưa xi măng từ đây vào phía Nam. Bởi ở khu vực này chúng ta thiếu nguyên liệu sản xuất xi măng…”, ông Lê Văn Tới góp ý.
Nếu thực hiện theo đề xuất trên, ngành giao thông cần có quy hoạch, cơ chế hợp lý để thực hiện đầu tư vào xây dựng các cảng chuyên dụng. Riêng các DN xi măng cần khai thác thị trường phía Nam nhiều hơn, bao gồm cả các vấn đề về logistics.
Liên quan đến xuất khẩu, nhiều ý kiến đề xuất giải pháp liên kết các DN xi măng trong cả nước, qua đó thông tin giá cả cho nhau để không bị bán phá giá, và làm sao để giá xi măng của DN Việt Nam sát hơn với các nước trong khu vực. Thêm nữa, khi ký một hợp đồng xuất khẩu xi măng có số lượng lớn, thì nên có sự kết hợp cung cấp giữa các DN để đảm bảo thực hiện tốt…
Ông Lương Thanh Tùng góp ý thêm, để các DN liên kết được, thì vai trò của các cơ quan Nhà nước là hết sức quan trọng với chức năng điều tiết.
Chia sẻ với các DN, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Công Thương lưu ý thêm: Việc sản xuất, xuất khẩu xi măng trong thời gian tới cần phải tính kỹ đến các yếu tố nguyên liệu đầu vào, khi giá điện, giá xăng đã bắt đầu được điều hành theo cơ chế thị trường. Các DN phải tính đúng, tính đủ…