Xúc tiến thương mại phải chuyên nghiệp hơn
Xúc tiến thương mại: Thay đổi để hội nhập | |
Giải cứu doanh nghiệp nhìn từ xúc tiến thương mại |
Tại “Hội nghị tham tán thương mại 2016: Đổi mới phương thức hoạt động Thương vụ và công tác thị trường trong bối cảnh mới về hội nhập kinh tế quốc tế” vừa được Bộ Công Thương tổ chức, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 khoảng 179-180 tỷ USD và kiểm soát nhập siêu ở mức 9 tỷ USD là thách thức lớn, đòi hỏi nỗ lực và cố gắng không chỉ của các bộ, ngành, hiệp hội, cùng cộng đồng DN mà còn cần sự nỗ lực của các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, xuất khẩu nông sản đã có bước tiến quan trọng, xâm nhập vào một số thị trường, tuy nhiên để chuyển hoá thành lượng xuất khẩu thực tế còn đòi hỏi nhiều thời gian và cố gắng.
“Xuất khẩu của nhiều ngành còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Điều này ảnh hưởng tới giá trị gia tăng của các sản phẩm xuất khẩu, đồng thời chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro về biến động của giá nguyên liệu nhập khẩu, nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu, các rào cản thương mại...”, bà Hồ Thị Kim Thoa cho biết.
Cùng với đó là những trăn trở như xuất khẩu của DN FDI chiếm tỷ trọng 68,21% tăng 18% so với năm trước, còn DN trong nước 31,78% giảm 3,3%; thị trường châu Âu tăng trưởng 8,7%, châu Mỹ tăng 18,1%, châu Phi tăng 3,4%, châu Á tăng 7,2% nhưng Asean giảm 4,4%, Nhật Bản giảm 4%...
Ảnh minh họa |
“Các Thương vụ cần xem xét để có những giải pháp thúc đẩy thị trường”, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đề nghị. Cùng quan điểm này Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải đề xuất cần sự chung tay góp sức của các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, nhất là các tham tán thương mại. Bởi vừa qua khi làm việc với các địa phương, hiệp hội DN, vẫn có phản ánh không hay về sự hỗ trợ từ các thương vụ, như thờ ơ, giúp đỡ qua loa.
Ông đề nghị các thương vụ cần dành nguồn lực con người và thời gian cho việc mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác, hỗ trợ cho DN trong nước... nhằm đóng góp chung vào việc nâng cao kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Điểm nữa, theo ông Hải, bên cạnh sự tăng cường chia sẻ thông tin tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa với các hiệp hội, địa phương thì các thương vụ cần chú trọng công tác khai thông thị trường bằng cách xác định những rào cản chính đối với một số mặt hàng nhất định để phối hợp với chính quyền sở tại tháo gỡ cho hàng hoá của Việt Nam.
Trong đó vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tháo gỡ khó khăn xuất khẩu một số mặt hàng nông sản. Đồng thời dự báo tốt thị trường, giúp DN có các bước phòng bị từ xa, tránh để hàng hoá Việt Nam bị áp dụng các hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại.
Về phần mình, ông Trần Thanh Hải cũng cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, triển khai các chương trình, kế hoạch hành động về phát triển xuất nhập khẩu bộ đã đề ra.
Bên cạnh đó sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa nhằm nâng cao hiệu quả tận dụng FTA, giúp DN nắm bắt kịp thời các quy định mới, áp dụng hiệu quả các kết quả do các FTA mang lại.
Cùng với đó là triển khai hiệu quả việc thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong khổ Dự án thí điểm 2 của Asean. Tăng cường công tác hậu kiểm tại tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ C/O và các DN đề nghị cấp C/O và triển khai vận hành tốt hệ thống cấp giấy chứng nhận xuất xứ qua internet.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Bảo, Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cho rằng, muốn đẩy mạnh xuất khẩu, công tác xúc tiến thương mại phải chuyên nghiệp hơn. Nếu làm thưa thớt như hiện nay là rất khó, không hiệu quả, vì muốn bán hàng, khách hàng phải biết đến mình, muốn tổ chức hội chợ tốt thì khâu thông tin, tuyên truyền, quảng bá hội chợ phải mạnh mẽ hơn... điều này đòi hỏi phải có kinh phí. Kinh phí hạn hẹp, DN không muốn chi thì hiệu quả xúc tiến không được như mong muốn.