Xúc tiến thương mại: Thay đổi để hội nhập
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Thương mại) Bùi Huy Sơn cho rằng, những hiệp định FTA song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia đã và đang góp phần vào việc gia tăng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến xuất khẩu được triển khai đúng hướng đã phần nào hỗ trợ, tận dụng hiệu quả việc tiếp cận, phát triển thị trường quan trọng và mục tiêu cho nhiều lĩnh vực ngành hàng của cả nước.
Hoạt động xúc tiến thương mại đã giúp các DN có nhiều đơn hàng cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu |
Bà Trần Tú Anh, Chủ tịch HĐQT CTCP Bao bì Hải Dương (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) cho rằng, để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường xuất khẩu rất cần cầu nối từ các hoạt động xúc tiến thương mại.
Trong những năm qua, thông qua một số chương trình hội thảo, hội chợ, giới thiệu thị trường trong và ngoài nước, công ty đã tìm kiếm được nhiều đối tác mới, mở rộng thị trường xuất khẩu. Và trong xu thế hội nhập đòi hỏi những tiêu chuẩn cao hơn, buộc DN cũng phải chủ động trong việc nâng cao chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của các đối tác.
Vì vậy, DN cũng mong muốn thời gian tới sẽ có nhiều chương trình xúc tiến thương mại được tổ chức, giúp DN có nhiều cơ hội hơn để phát triển thị trường.
Theo Cục Xúc tiến Thương mại, năm 2015, Cục đã trực tiếp tổ chức, tham gia thành công 18 chương trình hội chợ, triển lãm đa ngành cũng như chuyên ngành, hỗ trợ trực tiếp cho gần 3.000 lượt DN. Giá trị thỏa thuận kinh doanh được ký kết trực tiếp tại các Hội chợ đạt hàng trăm triệu USD, hỗ trợ các DN Việt Nam phát triển thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, nghiên cứu thị trường và tư vấn DN được quan tâm, đẩy mạnh. Cục đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan tổ chức 10 diễn đàn DN, hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư và thương mại vào các thị trường như Vương quốc Anh, Cộng hòa Italia, Hungary, Liên bang Nga, Đài Loan, Hàn Quốc…
Đơn cử như nhằm tăng cường các hoạt động giao lưu thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với Cơ quan Xúc tiến thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (Kotra Hanoi) tổ chức sự kiện “Triển lãm & Giao thương DN Việt Nam- Hàn Quốc”. Đây là cơ hội để DN hai nước có cơ hội giao lưu hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Hà Nội cho biết, Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu rộng, chúng ta đã ký xong nhiều hiệp định như Liên minh kinh tế Á Âu, FTA Việt Nam - EU, Việt Nam - ASEAN - Hàn Quốc, TPP...
Đây quả thực là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với các DN. Để giúp các DN có thể mở rộng các thị trường xuất khẩu thì vai trò của các trung tâm xúc tiến thương mại là rất đặc biệt. Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Hà Nội thời gian qua đã chủ động xây dựng và thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại thành công.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của trung tâm, các DN cũng cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng sản phẩm dịch vụ. Bà Nguyễn Thị Mai Anh cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu, vấn đề tuyên truyền là vô cùng quan trọng.
Do đó, để có truyền thông bài bản hơn, cần có sự đầu tư thoả đáng. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng của các hội chợ, cần có tính chuyên nghiệp cao hơn, nhằm giúp hàng Việt tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Có thể nói rằng, hoạt động xúc tiến thương mại thời gian qua đã giúp các DN có nhiều đơn hàng cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội các DNNVV Hà Nội (HASMEA), hoạt động này nhiều năm qua vẫn ít thay đổi.
Tất cả cũng chỉ dừng ở những hoạt động bề nổi như các hội chợ, triển lãm, hội thảo… mà ít nội dung đi vào thực chất. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu thông tin cho DN khi thị trường mở cửa. Vậy nên cần phải thay đổi theo hướng có chiến lược dài hơi, chọn đối tượng đúng và trúng, tránh dàn trải tràn lan.
Để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, ông Bùi Huy Sơn nhấn mạnh: năm 2016, Cục Xúc tiến thương mại sẽ, tăng cường công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và quản lý Nhà nước về hoạt động này; Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động Xúc tiến thương mại hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần phát triển thị trường nội địa, ở vùng biên giới, hải đảo; Thành lập và tăng cường hoạt động của các văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài;
Tiếp tục đổi mới chương trình Thương hiệu quốc gia; Mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế với các đối tượng, thực hiện các thỏa thuận, cam kết đã ký; Và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại.