Xuất khẩu “tiếp sức” phục hồi kinh tế
Lo tăng gánh nặng, giảm khả năng cạnh tranh Mỹ ban hành Kết luận sơ bộ điều tra chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh |
Xuất siêu kỷ lục
Trong tổng số 45 mặt hàng xuất khẩu chính, có đến 35/45 nhóm hàng tăng so cùng kỳ và chiếm đến 91,3% tổng trị giá mặt hàng xuất khẩu. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, như điện tử máy tính và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ; cà phê; hạt điều; rau quả; gạo tăng 40%. Hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều có sự tăng trưởng khá so cùng kỳ.
Quý I/2024 cán cân thương mại thặng dư tới gần 8,1 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Có được điều đó là nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh, cho thấy sự phục hồi của sản xuất cũng như nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam.
Hướng đến thị trường ngách là cơ hội cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu |
Đánh giá về kết quả này, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế tăng tốc hướng ngoại và động lực thị trường quốc tế đang tạo sức hấp dẫn mạnh. Những nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc tích cực tìm kiếm khách hàng, điều chỉnh mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, tận dụng được công nghệ số để xuất khẩu và xây dựng chuỗi cung ứng đã dần có hiệu quả.
Thực tế, bên cạnh tiếp cận các thị trường lớn, truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu... thông qua những hoạt động xúc tiến thương mại, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng tiếp cận xuất khẩu đến các thị trường ngách. Ông Nguyễn Mạnh Trung, chủ một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chia sẻ, trước đây thị trường chính của doanh nghiệp là châu Âu nên giá cà phê Việt Nam dựa trên giá của sàn London cộng với chi phí vận chuyển và một số loại chi phí khác. Do chi phí cao, doanh nghiệp lại chịu sức ép cạnh tranh nên lợi nhuận giảm. Tuy nhiên, sau khi quyết tâm thay đổi chiến lược kinh doanh, ông nhận thấy Tunisia - một thị trường nhỏ nhưng là một trong những nền kinh tế năng động, cạnh tranh nhất khu vực châu Phi-Arab. Mỗi năm Tunisia có nhu cầu mua 30.000 tấn cà phê thô (chủ yếu là robusta) nên đây là thị trường rất tiềm năng. Quý I/2024 cà phê xuất khẩu của doanh nghiệp có giá đến 6.000 - 7.000 USD/tấn, chi phí vận chuyển, marketing đều giảm, lợi nhuận đã cải thiện hơn rất nhiều.
Tương tự tại Hungary, dù không phải thị trường lớn nhưng theo Thương vụ Việt Nam tại Hungary, nhu cầu nhập khẩu của Hungary vẫn tăng hàng năm, đạt mức trên 100 tỷ USD/năm. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam như hạt điều, hạt tiêu, cà phê… xuất khẩu sang Hungary chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này của Hungary (trên 10%). Do đó, các mặt hàng này đang có chỗ đứng nhất định tại thị trường sở tại. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này cũng tận dụng được lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU. Đây là cơ hội cho Việt Nam tăng cường xuất khẩu, phát triển thương mại hàng hóa và đầu tư vào thị trường Hungary.
Cơ hội cũng đi kèm thách thức
Dẫu thị trường ngách có nhiều tiềm năng nhưng đại diện một doanh nghiệp chia sẻ, điểm bất lợi nhất đối với hàng xuất khẩu tại một số thị trường ngách là địa lý cách trở, có nơi không có cảng biển, hàng hóa phải cập cảng tại một số nước khác sau đó đưa về bằng đường bộ, dẫn đến chi phí cao hơn, thời gian vận chuyển lâu ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy hải sản. Mặt khác, thuế giá trị gia tăng ở một số quốc gia ở mức rất cao, như ở Hungary là 27% nên nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng từ Việt Nam phải làm thủ tục thông quan tại nơi có thuế giá trị gia tăng thấp sau đó phân phối tại Hungary.
Ông Nguyễn Mạnh Trung cũng thẳng thắn nhìn nhận, thị trường ngách dù nhỏ nhưng không hề dễ dãi. Giống như ở thị trường Tunisia, người dân rất thích tiêu thụ các sản phẩm dòng cà phê đặc sản, cao cấp, sản phẩm đáp ứng tiêu chí bền vững, thuần chay… và đặc biệt là những câu chuyện gắn với nguồn gốc sản phẩm. Do đó, để phát triển lâu dài tại đây, doanh nghiệp cũng xác định phải đầu tư xây dựng được thương hiệu, chú trọng đến chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa các phân khúc để tiếp cận tối đa nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, giá cước vận tải biển quốc tế tăng phi mã đang là vấn đề đau đầu của các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay. Theo khảo sát, gần 90% khối lượng hàng hóa thương mại của Việt Nam được vận chuyển bằng đường biển nhưng mức giá cước vận tải biển đã tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái, còn so với thời điểm trước dịch Covid-19 thì tăng trên 110%. Do đó, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam đề xuất, cần có một đề án phát triển đội tàu
container của Việt Nam để chủ động duy trì kết nối vận tải quốc tế giữa Việt Nam và thế giới, tránh tình huống phụ thuộc 100% vào kết nối vận tải quốc tế từ các hãng tàu nước ngoài như hiện nay.
Theo một chuyên gia, thị trường xuất khẩu càng nhỏ thì doanh nghiệp càng cần lập kế hoạch xuất khẩu chi tiết hơn, nắm thông tin thị trường và xác định khách hàng mục tiêu kỹ lưỡng hơn. Đặc biệt cần chuẩn bị hồ sơ thật kỹ lưỡng để đáp ứng 100% điều kiện pháp lý, mặt khác phải phòng ngừa rủi ro, chuẩn bị phương án đối phó trong trường hợp bị kiện phòng vệ thương mại, chống bán phá giá; luôn chú trọng đến chất lượng hàng hóa, dư lượng hóa chất, sử dụng lao động và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Ngoài ra, cách doanh nghiệp xuất hiện tại thị trường cũng là tiền đề quyết định doanh nghiệp có phải là đối tác tiềm năng hay không nên doanh nghiệp cần đầu tư vào xây dựng thương hiệu, quảng cáo phù hợp với từng thị trường ngách.